Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) là dự án lớn, đi qua 13 tỉnh của 4 nước: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar, một trong 5 hành lang kinh tế thuộc tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS) được hình thành từ năm 1998.
Đến nay, nhiều hạng mục hạ tầng giao thông chủ chốt trên hành lang đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Hoạt động thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khu vực phát triển mạnh mẽ, trong đó kim ngạch thương mại chỉ riêng 2 nước Việt Nam - Lào đã nâng lên 1 tỉ USD trong năm 2010, nhu cầu lưu thông hàng hoá đường bộ rất lớn.
Điều đáng buồn là VN chưa tận dụng lợi thế, khai thác triệt để cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế trên tuyến EWEC này. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam đã “thua trắng” trên sân nhà ở lĩnh vực vận tải...
|
Đường bộ trên hành lang kinh tế đông - Tây là hành trình ngắn nhất nối 4 nước VN - Lào - Thái Lan và Myanmar (đường màu vàng trên bản đồ), song doanh nghiệp vận tải trong nước vẫn chưa tận dụng được lợi thế rất lớn của lộ trình này (ảnh lớn: Xe tải chở hàng trên hành lang kinh tế chờ làm thủ tục tại cửa khẩu VN - Lào). Ảnh: H.Trung |
Bài 1: Nghịch lý vận tải hàng hoá
Nhu cầu lưu thông hàng hoá trên EWEC đang lớn dần từng năm, đặc biệt lưu thông 2 chiều giữa VN đi Lào, Thái Lan và ngược lại. Tuy nhiên, bất chấp năng lực vận tải của các DN trong nước VN thừa sức đáp ứng, song hàng hoá lại chưa thể thông được bằng đường bộ - lộ trình ngắn nhất trên tuyến EWEC.
Chỉ riêng tuyến vận tải Đà Nẵng -Thái Lan, nhu cầu vận chuyển hàng hoá của các DN mỗi tháng là hàng ngàn container, song hiện chỉ mới 3 DN đáp ứng với khoảng 25-30 container/tháng. Số hàng còn lại, các DN thương mại phải vận chuyển đi vòng bằng đường biển, xa gấp 3 lần và tốn hơn nhiều công đoạn, tăng chi phí. Nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm nay. Vậy đâu là nguyên nhân?
Tự đánh mất lợi thế
Ông Trần Viết Hoè - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá đường bộ Đà Nẵng (Danata) - tiếc rẻ: “Thị trường trên tuyến EWEC hiện vẫn là “đại dương” mênh mông, nhưng DN vận tải trong nước chưa ra được “biển” lớn. Chỉ tính riêng hàng Thái Lan xuất khẩu sang các nước thứ ba mỗi năm không dưới 20 triệu tấn. Riêng loại hàng lương thực, sắn, gạo của Thái xuất đi Trung Quốc 5-6 triệu tấn/năm. Nếu vận chuyển trên tuyến EWEC qua cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, thì hành trình sẽ rút ngắn hàng ngàn kilômét. Chỉ cần lượng nhỏ số hàng nói trên lưu thông được trên đường bộ thì sẽ tạo cơ hội lớn cho các DN vận tải”.
Theo ông Hoè, trong số 105 DN vận tải lớn ở Đà Nẵng, hiện chỉ có 3 đơn vị dịch vụ vận tải là Cty TNHH dịch vụ vận tải Minh Hương, Hưng Phát và Hoàng Đại là hoạt động vận tải được trên tuyến EWEC.
Cái thua thiệt của các DN vận tải trong nước hiện nay là kém năng lực cạnh tranh so với Thái Lan, Lào. Ông Bun Nho - người Lào gốc Việt, GĐ Cty vận tải Bun Nho (Lào) - cho biết: “Hàng hoá đối lưu giữa VN và Lào tăng mạnh trong vài năm gần đây, tuy nhiên các DN đều chọn hành trình đi bằng đường biển, quá cảnh sang Thái Lan, xa gấp 3 lần so với đường bộ, qua cửa khẩu Lao Bảo, VN. Nhưng khách hàng đã không chọn đường bộ - hành trình ngắn nhất này. Nguyên nhân chi phí cao hơn”.
Theo ông Bun Nho, giá nhập khẩu 1 xe đầu kéo container tại VN (1,4-2 tỉ đồng) là cao gấp đôi với Lào, gấp 3 với Thái Lan. Vì vậy DN VN không có điều kiện đầu tư, chuyển đổi công nghệ, phương tiện. Ngoài khó khăn vì giá xăng dầu trong nước cao và bấp bênh, hiện chi phí cầu đường ở VN quá cao. Có đến 20 trạm thu phí QL từ Hà Nội vào cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị, 12 trạm từ TPHCM ra Lao Bảo, dẫn đến chi phí vận tải cao gấp nhiều lần so với đi đường vòng, bằng phương tiện nước ngoài.
|
Nhu cầu lưu thông hàng hoá trên EWEC đang lớn dần từng năm. Ảnh: T.H |
Tự “mò” tìm khách hàng
Chủ DN vận tải Minh Hương, Đà Nẵng - ông Phạm Ba - kêu ca: “Hiện, quá nhiều cá nhân, đơn vị nhập khẩu xe tải, tham gia dịch vụ vận tải, song quy mô nhỏ lẻ, năng lực yếu kém, dẫn đến cạnh tranh manh mún, trong khi khách hàng lớn, hàng nước ngoài thì không đáp ứng được. Muốn nhận được những đơn hàng lớn đi xuyên quốc gia, đảm bảo sự tin tưởng đối với chủ hàng, bản thân các DN vận tải phải đáp ứng hàng loạt các điều kiện tối thiểu như năng lực (số đầu xe đạt chuẩn), bãi đỗ, năng lực quản lý, điều hành... Các DN nhỏ phải có nghiệp đoàn bảo lãnh. Những điều đó hiện là “lỗ hổng của DN VN”.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành Nghị định 91/2009 (21.10.2009) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ôtô, theo đó siết chặt các vấn đề quản lý nhà nước, nâng cao năng lực của DN, tạo điều kiện hoà nhập với thị trường quốc tế. Những quy định này rất cần thiết, phù hợp với điều kiện hiện nay, tuy nhiên đến nay Sở GTVT vẫn chưa triển khai, hoàn tất các thủ tục, cấp phép cho DN.
Ngay DN Minh Hương cũng vừa từ chối vận chuyển thiết bị từ Mukdahan về Chân Mây (TT-Huế) và hàng dệt may từ Phú Bài đi Thái Lan. Hiện Cty này chỉ vận chuyển khoảng 20 container/tháng từ Đà Nẵng đi Lào, Thái Lan, trong khi nhu cầu gấp 100 lần.
Cũng ông Phạm Ba cho biết, cái khó là khách hàng chưa tin tưởng và cũng chưa tìm được đối tác lẫn nhau. Hiện các DN mạnh ai nấy mò tìm nguồn hàng mà chưa có sự giúp đỡ nào. “Chúng tôi đã nghe rất nhiều về các nghị định thư GMS, EWEC..., nhưng cũng chỉ trên báo chí. Các DN vận tải nói riêng, các DN kinh doanh khác cần có một “ban đại diện” của tổ chức EWEC. Chúng tôi cần thông tin, cần có tổ chức nhà nước làm cầu nối. Cục Đường bộ, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, Hiệp hội Vận tải hàng hóa... của 3 nước cần ngồi lại, bàn và tháo gỡ các vướng mắc, cử ban đại diện để tìm hiểu về nhu cầu, thị trường lẫn nhau. Có vậy, việc khai thác vận tải trên tuyến EWEC mới tối ưu được” - ông Ba nói.