Tin ngành điện

"Hoa hồng" cho bác sĩ kê đơn thuốc: Coi thường y đức Dại gì không đẩy giá!

Thứ tư, 7/4/2010 | 09:47 GMT+7
Dư luận gần đây đang xôn xao việc bác sĩ được các hãng dược cầm tay kê toa để hưởng mức chiết khấu lên đến 30% và mỗi tháng bỏ túi riêng khoảng nửa tỉ đồng. Thực hư câu chuyện đang được cơ quan điều tra xác minh, tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, việc quản lý giá thuốc hiện đang có nhiều kẽ hở...
Dư luận gần đây đang xôn xao việc bác sĩ được các hãng dược cầm tay kê toa để hưởng mức chiết khấu lên đến 30% và mỗi tháng bỏ túi riêng khoảng nửa tỉ đồng. Thực hư câu chuyện đang được cơ quan điều tra xác minh, tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, việc quản lý giá thuốc hiện đang có nhiều kẽ hở...

Kê giá trên trời

Theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 10.000 loại thuốc nhập khẩu với 900 hoạt chất. Theo quy định của Luật Dược năm 2005 và thông tư liên tịch số 11/2007 của liên bộ Y tế, Tài chính, Công Thương về hướng dẫn việc thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người thì, Nhà nước quản lý giá thuốc theo nguyên tắc: Các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý giá thuốc theo quy định của pháp luật về dược và các văn bản pháp luật khác có liên quan; sử dụng các biện pháp bình ổn giá thuốc trên thị trường để đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Khi nộp hồ sơ nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, tuỳ theo hình thức kinh doanh bán buôn, bán lẻ đối với từng mặt hàng, cơ sở nhập khẩu thuốc phải kê khai giá nhập khẩu, giá bán buôn và giá bán lẻ dự kiến tại Việt Nam. Theo luật sư Võ Vương Quân - Đoàn luật sư TPHCM, chính vì quy định DN khi nhập khẩu thuốc tự kê khai thuốc và tự chịu trách nhiệm... là kẽ hở khiến các DN vô tư kê giá... trên trời.

Một đại diện của hãng dược phẩm lớn (xin giấu tên) cho biết, chính vì kẽ hở của quy định này nên lâu nay, nhiều DN nhập khẩu cứ kê giá cao để chi hoa hồng vẫn có lời. Lâu nay, cơ quan cấp phép các loại thuốc chỉ làm được việc: DN nhập thuốc về và kê khai giá CIF (gồm giá trị thuốc tính theo giá bán của nước xuất khẩu, phí bảo hiểm, cước phí vận chuyển đến cảng VN...) và chỉ nắm được giá thuốc từ đó.

Đổ đầu người bệnh

Trên thực tế, một BS chuyên về ung bướu tại TPHCM đã cho PV Báo Lao Động biết, nhiều trình dược viên đến chào hàng đưa ra mức chiết khấu một số mặt hàng lên đến 50% là chuyện thường. Báo chí gần đây đưa thông tin mặt hàng Pegintron 50mcg và Pegintron 80mcg được chiết khấu 20-30% là chưa chắc đã cao. Với mức chiết khấu trên mà các DN phân phối vẫn có lời chứng tỏ việc kê khai thuốc ngay từ khâu đầu... có vấn đề.

Chẳng hạn, thuốc Decogen do Cty United Pharma (Philippines) sản xuất với giá bán mỗi viên 600 đồng, trong khi đó, thuốc Cetamol Fort có cùng công thức do Cty Pharmedic sản xuất chỉ có giá bằng 1/10 (60 đồng/viên). Một nghịch lý là cả hai Cty trên đều mua nguyên liệu cùng một chỗ. Tuy nhiên, trên thực tế, Decogen lại bán chạy như tôm tươi do khi được “đặc quyền” bán với giá cao, DN lấy khoản chênh lệch tung vào chi phí quảng cáo và nhiều chi phí khác... khiến BS càng mạnh tay kê toa loại thuốc này.

Anh V.V.T - hiện đang quản lý cho một hãng dược phẩm của Pháp - cho biết, nghịch lý kê khai giá... khống của các Cty nhập khẩu lâu nay trong ngành ai cũng biết. Nếu các Cty khai đại thì dựa vào đâu mà cơ quan chức năng của VN thẩm tra? Đó là chưa kể đến nhà nhập khẩu bắt tay với Cty sản xuất kê giá thuốc lên. Động thái này chắc chắn các cơ quan quản lý về giá cũng phải bó tay. Cuối cùng, chỉ người bệnh chịu khổ khi phải mua thuốc với giá ngày càng cao.

Cty MSD cố tình không giải trình việc chi hoa hồng cho bác sĩ

Ngày 6.4, Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường đã có công văn gửi Cty Merck Sharp & Dohme (MSD) yêu cầu Cty này thực hiện đúng các yêu cầu của Cục Quản lý dược về giá nhập khẩu và tỉ lệ chiết khấu của một số thuốc. Trước đó ngày 29.3 và 1.4, Cục Quản lý dược đã nhận được báo cáo của Cty MSD, nhưng nội dung của cả hai báo cáo này vẫn chưa làm rõ các yêu cầu của cục. Vì thế, Cục Quản lý dược tiếp tục yêu cầu MSD báo cáo đầy đủ các thông tin trên về cục trước ngày 9.4.2010. Sau thời hạn trên nếu Cty không báo cáo cục sẽ xử lý theo quy định về hoạt động của các Cty nước ngoài tại VN.

(Theo báo lao động)

btp