Hội đồng nói trên được sử dụng con dấu của Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhiệm kỳ công tác của Hội đồng là 5 năm. Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thủ tướng quy định Cục An toàn bức xạ và hạt nhân là cơ quan thường trực của Hội đồng, có trách nhiệm giúp Hội đồng chuẩn bị chương trình và bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động của Hội đồng.
6 nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng
Thứ nhất, Hội đồng có nhiệm vụ đề xuất với Thủ tướng các chính sách, biện pháp bảo đảm an toàn hạt nhân trong sử dụng năng lượng nguyên tử, trong quá trình hoạt động của nhà máy điện hạt nhân và xử lý đối với sự cố hạt nhân đặc biệt nghiêm trọng.
Thứ hai, tiến hành đánh giá báo cáo của Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân về kết quả thẩm định vận hành thử và báo cáo phân tích an toàn nhà máy điện hạt nhân, kết quả kiểm tra an toàn đối với xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, lắp đặt, nghiệm thu an toàn lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân.
Thứ ba, Hội đồng sẽ trao đổi, thống nhất ý kiến với Bộ Công Thương trước khi Bộ này cấp giấy phép vận hành thử và vận hành chính thức nhà máy điện hạt nhân.
Thứ tư, tổ chức khảo sát thực tiễn, thảo luận và lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước về những vấn đề quan trọng liên quan đến bảo đảm an toàn hạt nhân.
Thứ năm, thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao về những vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn hạt nhân.
Thứ sáu, báo cáo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Hội đồng và những vấn đề quan trọng liên quan đến bảo đảm an toàn hạt nhân.
(Theo trang thông tin ngành điện)