Tin ngành điện

Thủy điện miền trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía nam thiếu nước trầm trọng

Thứ ba, 5/10/2010 | 13:51 GMT+7
Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) vừa tổ chức chuyến khảo sát tại một số nhà máy thủy điện khu vực miền trung, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Năm nay, tình hình khí tượng thủy văn diễn biến bất thường, trái quy luật, thời điểm này đã vào cuối mùa mưa, nhưng lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp so với trung bình nhiều năm, mực nước tại các hồ chứa đều ở mức thấp.

Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) vừa tổ chức chuyến khảo sát tại một số nhà máy thủy điện khu vực miền trung, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Năm nay, tình hình khí tượng thủy văn diễn biến bất thường, trái quy luật, thời điểm này đã vào cuối mùa mưa, nhưng lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp so với trung bình nhiều năm, mực nước tại các hồ chứa đều ở mức thấp.

Thủy điện Yaly cạn trơ đáy
Theo Tổng giám đốc Công ty thủy điện Ia Ly Tạ Văn Luận, mực nước về hồ chứa là mực nước thấp nhất trong vòng 50 năm qua, chỉ bằng 34% lượng nước trung bình hằng năm. Năm 1998 được coi là năm kiệt nhất, nhưng so với năm nay lượng nước thiếu hụt còn vượt xa và cuối năm nay thì còn thiếu nghiêm trọng, vì để tích nước đầy hai hồ chứa cần khoảng 1,7 tỷ m3, mà thời điểm này đã là cuối mùa mưa. Ðến nay, công ty mới chỉ phát điện được 52,7% khối lượng tập đoàn giao. Theo tính toán từ nay đến cuối năm, công ty sẽ phát được khoảng 800 triệu kW giờ và cả năm chỉ đạt khoảng 72% kế hoạch năm. Hiện lưu lượng nước về hồ Ia Ly chỉ khoảng 100 m3/s, trong khi công suất một tổ máy là 104 m3/s x 4 tổ máy (720 MW), nhà máy phải phát điện cầm chừng với công suất phát điện chỉ khoảng 600 MW. Thông thường mùa mưa tại khu vực ảnh hưởng mưa từ vùng duyên hải miền trung và tây Trường Sơn và kết thúc khoảng tháng 10, vì vậy khả năng có thêm nguồn nước là rất khó. Nhà máy dự tính phát điện một nửa và tích nước một nửa để tính toán nước cho mùa khô năm sau.

Thủy điện Preikrong, bậc thang phía trên của thủy điện IaLy, hiện tượng cỏ mọc xanh rì giữa đảo lòng hồ, đó là minh chứng cho thấy lượng nước hồ đã cạn kiệt từ lâu. Mực nước hiện nay thấp hơn mọi năm khoảng 10m và lưu lượng nước về hồ chỉ khoảng 80 m3/s.

Khó khăn nhất là thủy điện Hàm Thuận - Ða Mi, lưu lượng nước về hồ khoảng 40 m3/s, trong khi toàn công suất nhà máy cần lưu lượng 134 m3/s, vì vậy thời gian chạy máy chỉ khoảng 8 giờ/ngày, chủ yếu vào giờ cao điểm. So với cùng thời điểm năm trước, mực nước thấp hơn khoảng 12 m nước và hiện nhà máy đang hoạt động trên mực nước chết khoảng 1m, thiếu hụt khoảng 400 triệu kW giờ so với kế hoạch đã điều chỉnh của tập đoàn. Các hồ chứa phụ đã cạn khô đến gần đáy. Vài tháng gần đây, nhà máy đã chủ động ngừng chạy máy vào ngày chủ nhật (ngày thấp điểm) để tăng khả năng tích nước và điều tiết hệ thống một cách hiệu quả.

Mực nước ở hồ thủy điện A Vương (Quảng Nam) ngày 4-10 đã xuống rất thấp, áp sát mực nước chết. Mực nước về hồ đo được vào ngày này là 345,3 m, trong khi mực nước chết là 340 m, rất gần với mực nước chết. Nhiều ngày qua, lưu lượng nước về hồ rất thấp nên nhà máy phát hai tổ máy chỉ hoạt động được 83,3 MW công suất (nhà máy phát bình thường 105 MW). Theo anh Ðặng Văn Khoa, Trưởng ca tại phòng điều khiển Trung tâm cho biết: Mặc dù sáng 4-10 nước thượng nguồn về tăng thêm được 3 m nước, trong thời gian từ một đến hai giờ hơn 300 m3/giờ, sau đó từ ba đến bốn giờ đạt được 700 m3/giờ. Nhà máy Thủy điện A Vương, nhà máy thủy điện lớn nhất miền trung có công suất 210 MW đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động do thiếu nước.

Cùng chung hoàn cảnh với các nhà máy thủy điện trong khu vực, lưu lượng nước bình quân về hồ chứa thủy điện Ðại Ninh trong tháng 9 là 10,11 m3/s, thấp hơn trung bình nhiều năm trong tháng 9 là 23,98 m3/s. Ðến thời điểm này, hầu hết các hồ chứa thủy điện, trong đó có Ðại Ninh đều chưa phải xả nước. Mực nước hồ chứa thủy điện Ðại Ninh hiện nay khoảng 860,067 m, gần mực nước chết 860 m, dung tích hữu ích chỉ còn khoảng 0,54 triệu m3. Sản lượng điện sản xuất đến nay khoảng 618 triệu kW giờ, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2009 hơn 257 triệu kW giờ. Phó Giám đốc công ty Ðặng Văn Cường cho biết lưu lượng nước về hồ chỉ khoảng 14 m3/s trong khi công suất tổ máy là 54 m3/s nên sản lượng điện đạt thấp.

Một trong những thủy điện chịu nhiều ảnh hưởng nhất trong khu vực Nam Trung Bộ là Thủy điện Trị An do vừa bảo đảm nhiều nhiệm vụ: phát điện, phục vụ cho nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho các khu công nghiệp và TP Hồ Chí Minh (200 m3/s). Vì vậy, mặc dù có dung tích khá lớn 2,7 tỷ m3 và diện tích mặt thoáng 323,4 km2, nhưng tại thời điểm này mực nước hồ chứa chỉ hơn 0,4 m so với mực nước chết, sản lượng thiếu hụt khoảng 250 triệu kW giờ. Giám đốc Nguyễn Kim Phúc cho biết, công suất cao nhất của nhà máy là 10 triệu kW giờ/ngày nhưng hiện chỉ phát được vài trăm nghìn kW giờ, so với cùng kỳ năm ngoái, thiếu khoảng 800 triệu kW giờ. Hiện nhà máy vẫn cố gắng bảo đảm phát điện và điều tiết nước cho hạ du nhưng chưa tính được kế hoạch phát điện đến cuối năm và kế hoạch năm sau.

Vậy là năm 2010, riêng các thủy điện khu vực miền trung, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ với tổng công suất hơn 1.000 MW đã thiếu hụt khoảng 2 tỷ kW giờ và hiện đang hoạt động ngấp nghé mực nước chết. Ðiều đáng lo ngại hơn là kế hoạch sản xuất điện năm sau bị ảnh hưởng vì lượng nước về các hồ chứa chưa có khả năng cải thiện.

(Theo trang thông tin ngành điện)

btp