Tin ngành điện

Thị trường thông tin di động:Người cười, kẻ khóc

Thứ tư, 13/1/2010 | 08:49 GMT+7
Đến thời điểm này, Việt Nam có tổng cộng 8 mạng di động/khoảng 86 triệu dân, trong đó có một mạng di động ảo của Cty CP Đông Dương chưa đi vào hoạt động. Những năm qua, các mạng đã “đốt” hơn 170 triệu số thuê bao di động, nhưng số lượng thuê bao thực chỉ hơn 50 triệu.
Đến thời điểm này, Việt Nam có tổng cộng 8 mạng di động/khoảng 86 triệu dân, trong đó có một mạng di động ảo của Cty CP Đông Dương chưa đi vào hoạt động. Những năm qua, các mạng đã “đốt” hơn 170 triệu số thuê bao di động, nhưng số lượng thuê bao thực chỉ hơn 50 triệu.

Một bức tranh sáng-tối tương phản đến nao lòng trên thị trường thông tin di động VN năm 2009 kéo sang những ngày đầu năm 2010.

Đã buông xuôi quy hoạch số lượng mạng di động?...

Cách đây nhiều năm, số lượng mạng di động tại VN được quy hoạch không nhiều hơn 6 mạng. Thế nhưng, con số này đến nay đã bị phá vỡ. 8 mạng di động, nhưng chưa chắc đã dừng lại. Một đất nước có thị trường TTDĐ bão hoà khi tỉ lệ người dân sử dụng chiếm khoảng 80% dân số. Theo cách tính này thì khi thị trường TTDĐ VN bão hoà, sẽ có bình quân khoảng 8,6 triệu dân/mạng. Nhưng con số này chỉ thực sự là lý tưởng khi hầu hết mỗi người dân có một số thuê bao (TB) ổn định, lượng TB ảo không quá lớn.

Những năm qua, các mạng đã “đốt” hơn 170 triệu số TB di động, thế nhưng số lượng TB thực chỉ hơn 50 triệu. Doanh thu bình quân/TB/tháng (chỉ số ARPU) lại đang giảm nhanh. Ba mạng GSM là MobiFone, Viettel và VinaPhone đang chiếm đến hơn 90% thị phần. Trong bối cảnh thị trường như vậy, những mạng mới ra đời càng khó có cơ hội ngoi lên. Sự cạnh tranh bằng mọi giá khiến thị trường đã xảy ra xáo trộn và phát triển thiếu lành mạnh trong thời gian qua.

Hàng nghìn khách hàng chen chúc đăng ký lại thuê bao trả trước - hậu quả của phát triển quá nóng các mạng “đại gia”.

Nụ cười và… sự mỏi mòn

Trước khi kết thúc năm 2009, Beeline đã công bố cán mức 2 triệu TB, Vietnamobile trước đó cũng cho biết đạt mức 1 triệu TB. Hai mạng này đều đang trong giai đoạn đầu tư. Với S-Fone thì lại khác. Mạng này chính thức đi vào hoạt động năm 2003, phải tới thời điểm tháng 9.2008 mới hoà vốn, sang năm 2009 mới có lãi ít. Song, S-Fone vẫn còn khoản lỗ từ năm 2007 trở về trước đang khoanh lại.

Cuối năm 2009, theo ông Hồ Hồng Sơn-GĐ điều hành S-Fone cho biết: SPT và SK Telecom (SKT) đã đàm phán và ký thoả thuận nguyên tắc chuyển đổi sang liên doanh. Tuy nhiên, nguồn tin bên ngoài lại cho rằng SKT đang muốn thoát ra khỏi dự án S-Fone bằng cách đem bán.

Mới nhất, ngày 11.1, Trưởng đại diện Văn phòng SKT tại Hà Nội-ông Cho Seong Won - cho biết, SKT Hàn Quốc đã quyết định không đầu tư thêm vào S-Fone và đóng cửa văn phòng tại Hà Nội. Danh tính bên thứ ba đã được tiết lộ: Cty mua bán tài sản DN Rutte Asociates Korea của Hàn Quốc sẽ mua 49% cổ phần trong dự án liên doanh S-Fone với tổng số tiền 100 tỉ won (tương đương 1.600 tỉ đồng).

STK không đầu tư thêm vào S-Fone khiến doanh nghiệp này đã khó khăn càng thêm ngổn ngang.

Thế nhưng, với ba đại gia GSM MobiFone, Viettel và VinaPhone năm 2009 có kết quả kinh doanh trên cả tuyệt vời. Dù chưa chính thức công bố, nhưng MobiFone dự kiến doanh số năm 2009 dư sức cán mức 27.000 tỉ đồng - tăng khoảng 10.000 tỉ đồng so với năm 2008, phát triển mới được 9 triệu TB. Viettel năm 2008 đạt 33.000 tỉ doanh thu, năm 2009 đặt mục tiêu từ 55.000-60.000 tỉ đồng. Nửa đầu năm 2009, Viettel đã đạt 5.328 tỉ đồng lợi nhuận - nhiều hơn bất cứ ngân hàng thương mại nào trên sàn chứng khoán. VinaPhone năm 2008 đạt 14.000 tỉ đồng doanh thu. Dự kiến năm 2009, nhà mạng này chính thức bước vào “CLB DN tỉ đô”.

Cả ba đại gia GSM đều lĩnh ấn tiên phong đầu tư vài chục ngàn tỉ đồng vào 3G và VinaPhone, MobiFone đã chính thức ra mắt dịch vụ. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2009 các DN viễn thông đã đầu tư khoảng 60.000 tỉ đồng xây dựng và phát triển hạ tầng mạng. Riêng Viettel còn mở ra cả một hướng “đi ra biển lớn” bằng việc đầu tư mạng di động ở Lào, Campuchia - đã khai trương trong năm 2009. Theo các nguồn tin, Viettel đang đàm phán để mua lại cổ phần các mạng di động tại Bangladesh và Haiti với tổng giá trị gần 360 triệu USD.

TTDĐ được xem là ngành hái ra tiền trên thế giới, nhưng nhận định này không hoàn toàn đúng tại VN. Trường hợp S-Fone, mòn mỏi với tình trạng làm ăn khó khăn và sự lình xình không có thêm vốn đầu tư, nhiều cán bộ chủ chốt đã ra đi...
                                                                                                                                    (Theo báo lao động)

btp