Tin ngành điện

Giải bài toán thanh khoản cho ngân hàng: Muộn còn hơn không

Thứ hai, 4/1/2010 | 14:50 GMT+7
Nếu chậm trễ trong giải bài toán thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại đang mắc phải hiện nay thì sự trả giá của nền kinh tế là rất đắt.
Nếu chậm trễ trong giải bài toán thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại đang mắc phải hiện nay thì sự trả giá của nền kinh tế là rất đắt.

Để hệ thống NHTM thiếu thanh khoản (khá giống tình hình đầu năm 2008) phần nào có trách nhiệm của khâu giám sát thanh tra đã không có sự cảnh báo kịp thời.

Quý I/2008 khi lạm phát có dấu hiệu gia tăng, NHNN bắt đầu sử dụng chính sách tiền tệ (CSTT) thắt chặt thông qua việc tăng LS cơ bản (LSCB), tăng dự trữ bắt buộc (DTBB). Tháng 3.2008 phát hành tín phiếu NHNN bắt buộc, LSCB liên tục được điều chỉnh tăng từ 8,25% lần lượt lên 8,75%,10%,11%,12% và tới mức 14% vào vào tháng 6.2008.

Các giải pháp rút tiền từ lưu thông về tuy được coi là cần thiết nhưng với liều lượng “lớn và nhanh một cách gấp gáp” đã khiến thanh khoản của một số NHTM nhỏ bị giảm sút nghiêm trọng dẫn đến cuộc đua LS giữa các NHTM bùng nổ, đẩy LS huy động và cho vay liên tiếp kịch trần, LS liên NH liên tục gia tăng kỷ lục, buộc các NHTM phải siết chặt các khoản cho vay ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Chi phí vốn cao cản trở các DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Thêm vào đó, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh khiến một số DN sản xuất kinh doanh thua lỗ, đình đốn, nợ xấu gia tăng.

Lịch sử đang lặp lại?


Mặc dù từ quý IV/2008 đến nay, NHNN thực thi CSTT nới lỏng, nhưng trước tình trạng dư nợ tín dụng có dấu hiệu tăng mạnh hơn chỉ tiêu định hướng cho cả năm 2009 là 30%, thì từ tháng 6.2009 đến nay, dù không tuyên bố là đã chuyển sang CSTT thắt chặt, nhưng những động thái của NHNN rõ ràng là có những biểu hiện của việc thắt dần tiền tệ dưới định hướng là “chủ động ngăn ngừa lạm phát”.

Đó là việc chỉ đạo các NHTM nhà nước không được tăng trưởng tín dụng quá 25%, các NH khác phải kiểm soát tốc độ tăng trưởng. Đồng thời NHNN cũng thông báo là sẽ kiểm soát chặt lượng cung tiền qua thị trường mở. Chỉ đạo không được dùng vốn cho vay đầu tư BĐS và các hoạt động đầu tư tài chính cũng là một biện pháp để kiềm chế mức tăng trưởng tín dụng.

Những biện pháp này của NHNN đã kiềm chế được mức tăng dư nợ ở mức 37,7% (đã có dự báo là tăng trên 40%), đồng thời góp phần kiềm chế mức tăng CPI (cả năm chỉ tăng 6,88%), nhưng tình hình LS và cung ứng vốn cho nền kinh tế lại đang có vấn đề. LS huy động VND liên tục trong xu thế bung hết trần. Từ 1.12.2009, LSCB đã lên 8% và Hiệp hội NH đã họp thống nhất khống chế trần LS huy động là dưới 10,5%/năm thì LS huy động cao nhất đã lên tới 10,499%/năm, LS các kỳ hạn ngắn, trung và dài hạn đang xích lại gần nhau và hướng đến mức LS trần tối đa được phép. LS liên NH lên 12%/năm và có nguy cơ “tăng tiếp”.

Đó là những con số công bố chính thức, còn trong thực tế thì nhiều khoản tiền gửi lớn của tổ chức và dân cư, bằng cách này hay cách khác, đang được nhiều NHTM lôi kéo, níu giữ bằng các hình thức thưởng đã khiến cho LS thực lớn hơn LS danh nghĩa ghi trên biểu LS mà các NHTM niêm yết từ 1-2%/năm.

Khả năng kìm hãm hay giảm LS huy động cao hiện rất khó, vì nhiều NHTM đã có chủ trương công bố nội bộ là giữ vững số dư tiền gửi hiện có bằng mọi biện pháp. Còn LS liên NH cũng vậy, thông tin vào khoảng thời gian 23- 24.12.2009 vừa qua có khoản vay lên tới 27%/năm. Đã có tin đồn về một số NH và chi nhánh một số NH đã phải khất nợ trên thị trường liên NH.

Những thông tin như vậy đang được rò rỉ ngày càng nhiều trong giới tài chính-tiền tệ. Giả sử tại thời điểm này không có chỉ đạo hành chính (trần LS huy động VND dưới 10,5%/năm và trần LS cho vay VND bằng 150% LSCB) thì tình hình sẽ chẳng khác gì thời điểm giữa năm 2008.

Chỉ DN lớn tiếp cận được tín dụng

Hiện đã có nhiều ý kiến cho rằng tín dụng đang đóng băng, thực tế thì không hẳn vậy, tín dụng vẫn gia tăng một cách hạn chế nhưng không đồng đều cho các đối tượng và mọi thành phần, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng hiện vẫn là ưu thế của đa số các DN lớn, sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực có lợi thế xuất khẩu, và những dự án lớn của một số DNNN. Nhiều NH đã nói không với khách hàng DNNVV, khách hàng cá nhân từ 2,3 tháng nay.

Ghé vào các phòng giao dịch của nhiều NH chỉ thấy làm công việc huy động vốn và chuyển tiền, dù trên quầy vẫn đầy quảng cáo cho vay tiêu dùng nhanh chóng, thuận tiện. Hỏi bao giờ cho vay lại khách hàng thì đều nhận được câu trả lời chưa biết khi nào.

Thời gian qua, nhiều DNNVV cho biết, phải đi vay vốn bên ngoài với LS cao. Thực trạng hoạt động của hệ thống NHTM thời gian gần đây cho thấy chức năng tập trung và phân phối lại vốn cho nền kinh tế đang có chiều hướng suy giảm. Dòng vốn tín dụng được xem như máu trong cơ thể nền kinh tế đang vừa bị thiếu và ách tắc cục bộ thì khó có một cơ thể kinh tế khoẻ mạnh. Đã có ý kiến cho rằng NHNN lại đang có phần quá đà trong ngăn ngừa lạm phát.

Để nền kinh tế không phải trả giá đắt

Trong khi đa số các nền kinh tế lớn có quan hệ thương mại với VN chưa cho thấy các NHTƯ sẵn sàng giảm LS thì việc các NHTM hy vọng NHNN sẽ tăng LSCB để giúp tăng cường khả năng huy động vốn giải bài toán thanh khoản là không khả thi.

Dù không muốn, nhưng NHNN vẫn phải buộc thực hiện cho tốt chức năng người cho vay cuối cùng một cách kịp thời kèm theo là các chế tài tương xứng, thậm chí (nếu cần thiết) nên công bố thông tin về một vài NHTM thường xuyên thiếu thanh khoản, mà nguồn gốc xuất phát từ nền tảng quản trị rủi ro trong kinh doanh kém.

Điều này có thể ảnh hưởng (tạm thời) cho các NH này trong khả năng huy động vốn nhưng cũng là biện pháp mạnh nhất để buộc các NH phải chú trọng đến quản trị rủi ro và làm gương cho các NH khác.

Việc bán ngoại tệ của các tập đoàn nhà nước cho các NH cần phải thực hiện ngay, bởi như thế vừa ngăn được tình trạng găm giữ ngoại tệ, tăng cung ngoại tệ cho thị trường, vừa giúp NHTM loại bỏ phần tín dụng ảo và giúp NHTM tăng khả năng thanh khoản hiện hành.

Bên cạnh đó NHNN cần đề ra các tiêu chí nâng cao tính thanh khoản mà NHTM buộc phải thực hiện theo một lộ trình nhất định, thậm chí khuyến khích việc tăng cường mua bán sát nhập trong ngành NH nếu NHTM không thể tăng đủ vốn theo lịch trình mà NHNN đã công bố.

Để hệ thống NHTM thiếu thanh khoản khá gay gắt thời gian qua (khá giống tình hình đầu năm 2008) phần nào có trách nhiệm của khâu giám sát thanh tra đã không cảnh báo kịp thời. Đang cần những giải pháp kịp thời và căn bản, thà muộn còn hơn không vì nếu chậm trễ trong giải bài toán thanh khoản mà hệ thống NHTM đang mắc phải hiện nay thì sự trả giá của nền kinh tế là rất đắt.

(Theo báo lao động)

btp