Tuy nhiên, cho đến nay, giá điện vẫn chưa được phê duyệt cơ chế để doanh nghiệp tự điều chỉnh giá bán lẻ theo các yếu tố đầu vào và thị trường phát điện cạnh tranh chưa hoạt động, thì đề xuất tăng giá than đang đưa ngành điện vào thế khó.
Cú sốc giá
Theo lý giải của TKV, việc tăng giá than nêu trên là do ngành than thực hiện đúng lộ trình về giá bán than cho nhu cầu tiêu thụ trong nước đã được Thủ tướng có ý kiến kết luận và Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn. Theo đó, kể từ 1.1.2010 sẽ áp dụng giá bán than cho hộ tiêu thụ cuối cùng trong nước (hộ điện) với mức thấp hơn giá than xuất khẩu (XK) tối đa là 10%. Với đề nghị tăng giá này, giá bán than cám 4b sẽ tăng lên 1,1 triệu đồng/tấn (giá hiện hành 442.000 đồng/tấn); than cám 5 là 960.000 đồng/tấn (giá hiện hành 405.500 đồng/tấn). Tương tự, than cám 6a là 830.000đồng/tấn và than cám 6b là 690.000 đồng/tấn, đều cao hơn mức giá hiện hành khoảng 50%.
Theo một quan chức của TKV cho biết: Lý do để TKV quyết định tăng giá bán than cho hộ điện thực hiện lộ trình (như đã thực hiện với các hộ tiêu thụ than khác trong nước) là xuất phát từ những bất cập của cơ chế giá hiện hành khiến giá than xuất khẩu (XK) và than tiêu thụ nội địa chênh lệch rõ rệt. Do giá thành than khai thác tăng, trong khi giá bán than cho điện, từ 1.3.2009, áp dụng theo thông tư 05 của Bộ Công Thương, giá than cám 4b mới bằng 62% giá thành; cám 5 mới bằng 71% giá thành năm 2009.
Mức giá than cho điện tại thông tư 05 vẫn thấp hơn giá do TKV đề nghị đã được đoàn công tác liên bộ Tài chính - Công Thương thẩm định báo cáo Chính phủ từ cuối năm 2008. Theo tính toán của TKV, năm 2008, TKV bán cho EVN 5,6 triệu tấn than thì số lỗ là 1.428 tỉ đồng; năm 2009, tổng số than cung ứng là 7,5 triệu tấn, lỗ ước tính 1.582 tỉ, gây mất cân đối tài chính cho TKV.
Tuy nhiên, đối với ngành điện đây sẽ là "cú sốc" lớn. Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), nếu thực hiện giá than cho điện theo đề nghị của TKV, giá than cám 4 sẽ tăng 149%; than cám 5 tăng 137% so với hiện hành. Từ đó ảnh hưởng lớn đến chi phí phát điện năm 2010. Ước tính của Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL), tổng khối lượng chi phí tăng thêm của EVN lên tới 4.229 tỉ đồng so với phương án giá điện năm 2010 của EVN đề xuất.
Giá bán điện bình quân sẽ phải tăng từ mức 948.5 đồng/kWh năm 2009 lên mức 1.110,8 đồng/kWh năm 2010, tương đương với mức tăng 17,11% so với giá bán điện bình quân năm 2009. Trong một văn bản gửi lãnh đạo Bộ Công Thương mới đây, Cục ĐTĐL lên tiếng: "Mức tăng này sẽ gây sốc, làm giảm tốc độ phát triển kinh tế, giảm thu hút đầu tư, ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân".
Giá than cho điện không phụ thuộc giá XK
Cục ĐTĐL cho biết: Theo chỉ đạo của Chính phủ, cơ chế giá than cho điện sẽ áp dụng khác với cơ chế giá than cho các nhu cầu tiêu thụ khác trong nước. Từ năm 2010 giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ khác trong nước sẽ thực hiện theo giá thị trường, trong khi đó giá than cho điện sẽ áp dụng giá thị trường khi giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường và phải được tăng dần theo lộ trình đến giá thị trường, để tránh giá điện tăng đột biến, gây sốc đến nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Quan điểm của Cục ĐTĐL là kể cả khi giá điện thực hiện theo cơ chế thị trường, cần phải có thị trường phát điện cạnh tranh để giá phát điện sẽ do thị trường quyết định. Nhưng sớm nhất thì thị trường phát điện cạnh tranh cũng chỉ có thể đi vào hoạt động đầu năm 2010. Tuy nhiên, ngay cả khi giá điện đã thực hiện theo cơ chế thị trường thì giá than cho điện cũng không thể thay đổi liên tục hàng tháng, hàng quý theo giá thế giới vì sẽ gây biến động liên tục giá điện trong nước, ảnh hưởng tới giá thành các ngành sản xuất và lạm phát trong nước.
Thực tế các nước trên thế giới, giữa đơn vị cung cấp than và đơn vị phát điện cần có các biện pháp chia sẻ rủi ro (ký các hợp đồng hạn chế rủi ro trên các thị trường tài chính) nhằm ổn định giá than cho sản xuất điện, từ đó ổn định giá điện.
Cục đề nghị Bộ Công Thương không chấp nhận kiến nghị của TKV áp dụng giá than cho điện năm 2010 theo giá than xuất khẩu trừ 10%. Để ổn định giá điện trong nước, giá than cho điện phải được Chính phủ điều chỉnh hàng năm, không phụ thuộc vào giá than xuất khẩu.
Giá than cho điện cần được xác định trên cơ sở giá thành sản xuất than cộng lợi nhuận cho ngành than ở mức tương quan hợp lý so với lợi nhuận của ngành điện để đảm bảo tính hợp lý cân đối liên ngành.
(Theo báo lao động)