Tin ngành điện

Bán gạo theo kiểu mới

Thứ ba, 29/12/2009 | 15:24 GMT+7
Ít nhất hai lần, Công ty HV, đơn vị tư vấn cho Qatar tìm tới Cty nông nghiệp Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ để bàn thảo cách cung cấp gạo dài hạn.

Ít nhất hai lần, Công ty HV, đơn vị tư vấn cho Qatar tìm tới Cty nông nghiệp Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ để bàn thảo cách cung cấp gạo dài hạn.

Mỗi năm, Cty nông nghiệp Cở Đỏ điều hành sản xuất trên diện tích 6.000ha đất trồng lúa tại huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ, chủ động sấy, chế biến khép kín 65.000 tấn lúa thơm Jasmine 85, VD20 và ST1, TP5, TP6... và có thể huy động lúa thơm xuất khẩu từ các vùng phụ cận. Do đó hợp đồng bảo đảm “an ninh lương thực” cho một quốc gia có dân số khoảng 1 triệu người như Qatar dễ như trở bàn tay.

Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Cty nông nghiệp Cờ Đỏ (COAGRICO) nói: “Họ chọn gạo ngon để đặt hàng, giữ thương hiệu của nhà cung cấp, hợp đồng nhiều năm. Cách làm này gợi ra suy nghĩ mới trong cách tiếp cận thị trường lúa gạo và nhà cung cấp có thể thực hiện giá mua – bán “tương lai với nông dân”.

Qatar ở phía đông bán đảo Ả-rập, nơi có sa mạc mênh mông, mùa hè nhiệt độ lên tới 440C, mùa đông nhiệt độ trung bình từ 10-20 độ C, nông nghiệp chỉ chiếm 0,1% trong cơ cấu kinh tế của vương quốc này. Họ cần gạo nhưng không mở thầu cho các nhà cung cấp như Philippines, cũng không giống như Iraq liên doanh với Cty lương thực của Việt Nam để mở nhà máy tại ĐBSCL mà Qatar thẳng thắn đề nghị “liên kết kinh tế thông qua phương thức mua cổ phần của Cty Cổ phần nông nghiệp Cờ Đỏ”.

Đối với họ, như vậy sẽ “kiên cố hóa” hoạt động cung cấp dài hạn. Ngược lại, đối với Cty nông nghiệp Cờ Đỏ vốn là nông trường quốc doanh chuyển thành Cty cổ phần, việc tổ chức hệ thống sản xuất của nông trường Cờ Đỏ, hợp đồng với nông dân khá tốt, nhưng cơ chế chưa cho phép bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Năm 2008, GDP bình quân đầu người của Qatar tính theo sức mua tương đương khoảng 101.000 USD (số liệu của Bộ Ngoại giao 2008), chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu khí. Qatar có mức sống không thua kém các nước Tây Âu và là nơi có mức thuế thấp nhất thế giới. Với tiềm lực đó, Qatar tìm kiếm một nhà cung cấp đủ lớn để ký kết dài hạn ở đâu đó trong các cường quốc xuất khẩu gạo chẳng được. Nhưng họ thích tìm tới ĐBSCL.

Năm 2009, Việt Nam và Qatar ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, thỏa thuận hợp tác nông nghiệp giữa tập đoàn Hassad với Bộ NNPTNT. Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Qatar trong năm 2008 là 79,5 triệu USD, trong đó VN xuất khẩu chỉ 19,5 triệu USD. Ít ra, gợi ý kiểu Qatar, mua bán gạo theo hợp đồng bảo đảm an ninh lương thực, cũng gợi ra cơ chế tiếp cận thị trường năng động và “biết phải quấy” hơn chứ không chỉ có cách xách cặp táp đi dự thầu, hạ giá để may mắn giành được quyền bán gạo.

(Theo báo lao động)

btp