Tin ngành điện

Sốt nhà đất: Coi chừng mắc bẫy!

Thứ tư, 17/6/2009 | 08:35 GMT+7
Dường như kịch bản chứng khoán nóng kéo thị trường nhà đất nóng theo của năm 2007 đang được lặp lại. Liệu kết cục của cơn sốt nhà đất mới có giống kết cục của cơn sốt nhà đất năm 2007?

Dường như kịch bản chứng khoán nóng kéo thị trường nhà đất nóng theo của năm 2007 đang được lặp lại. Liệu kết cục của cơn sốt nhà đất mới có giống kết cục của cơn sốt nhà đất năm 2007?

Báo Lao Động trong các ngày gần đây đã liên tục phản ánh hiện tượng nền đất trong các dự án phát triển đô thị ở các khu đô thị mới Nam Sài Gòn và Đông Sài Gòn liên tục tăng giá. Sang đến tuần này, đến lượt căn hộ chung cư trong một số dự án được đánh giá tốt cũng rục rịch tăng giá theo. Dường như kịch bản chứng khoán nóng kéo thị trường nhà đất nóng theo của năm 2007 đang được lặp lại. Liệu kết cục của cơn sốt nhà đất mới có giống kết cục của cơn sốt nhà đất năm 2007?

Sốt lan rộng

Một tuần trước, trên thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM hầu như chỉ có đất dự án tăng giá, thì nay đến lượt căn hộ chung cư trong một số dự án hàng top cũng bắt đầu rục rịch tăng giá theo.

Mức tăng giá mạnh nhất là dự án Sunrise City của Novaland. Giá chuyển nhượng lại có mức chênh lệch thấp nhất là 200USD/m2. Những căn hộ có view tốt giá chuyển nhượng lại chênh lệch giá gốc lên đến 300-400USD/m2.

Các chung cư của Cty Liên doanh Phú Mỹ Hưng cũng được lùng mua ráo riết, tuy nhiên giá chênh lệch chỉ ở mức 100USD/m2. Mặc dù có một vài chuyển động nhưng nhìn chung đối với phân khúc thị trường căn hộ trung và cao cấp không có biến động đáng kể.

Theo giới phân tích, sở dĩ căn hộ trung cao cấp khó có thể nóng lên được bởi nguồn cung hiện nay quá nhiều. Trong khi đó, nền đất dự án tiếp tục tăng giá nhưng giao dịch thành công rất ít.

Ghi nhận tại một số trung tâm môi giới ở Nam Sài Gòn, có tình trạng treo giá cao, khách mua được thì mua, còn người bán ở thế thượng phong. Chẳng hạn, dự án Trung Sơn trước đây luôn thấp hơn Him Lam - Kênh Tẻ nay thì tình hình ngược lại, giá nền đất trong dự án Trung Sơn cao hơn cả chục triệu đồng/m2 so với Him Lam - Kênh Tẻ.

Theo ông Bùi Tất Thắng - Phó TGĐ Sacomreal, những người đang muốn đầu tư vào BĐS có tâm lý chứng khoán sốt thì thế nào BĐS cũng sẽ sốt theo. Chính vì tâm lý muốn mua được BĐS ngay thời kỳ đầu của cơn sốt nên nhiều nhà đầu tư đổ vốn vào làm cho thị trường biến dạng nhanh chóng.

Nguy cơ bong bóng nhà đất

Đồ thị biểu diễn giá nền đất trong 1 tháng qua liên tục đi lên một cách mạnh mẽ. Những biểu hiện về một cơn sốt nhà đất mới ngày càng trở nên rõ nét. Kịch bản TTCK nóng kéo theo thị trường BĐS đang lặp lại. Trước mối lợi dễ dàng và nhanh chóng, mọi nguồn vốn ngắn hạn đang thẳng tiến vào thị trường BĐS.

Trong tình hình thị trường BĐS đang quá lạc quan thì dường như những người có ý định "lướt sóng" BĐS lại quên bi kịch bong bóng BĐS xì hơi trong năm 2008. Trong cơn sốt nhà đất cuối 2007 đầu 2008, chỉ trong vòng 1 năm giá nhà đất, đặc biệt là giá nền đất trong các dự án ở khu đô thị mới Nam Sài Gòn và lân cận khu đô thị mới Thủ Thiêm đã tăng tới 300%.

Thế nhưng chỉ sau 6 tháng kể từ khi áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, giá nhà đất đã giảm 70% so với đỉnh điểm cơn sốt. Điều đó đồng nghĩa với việc giá nhà đất hầu như đã trở lại với mặt bằng giá trước cơn sốt.

Ở khu đô thị mới Nam Sài Gòn, lúc đỉnh điểm đầu năm 2009, nền đất mặt tiền đường 35m trong dự án Him Lam - Kênh Tẻ đã lên đến đỉnh điểm 90 triệu đồng/m2. Thế nhưng đến tháng 9.2008, lúc thị trường bình ổn trở lại (chạm đáy) thì giá chỉ còn quanh ngưỡng 30 triệu đồng/m2.

Tương tự, nền đất trong các dự án tọa lạc lân cận khu đô thị mới Thủ Thiêm như An Phú - An Khánh, Huy Hoàng, Thế Kỷ 21... trước khi bùng phát cơn sốt chỉ nằm trong ngưỡng dưới 20 triệu đồng/m2. Thế nhưng khi cơn sốt lên đến đỉnh điểm giá mỗi mét vuông đất trong các dự án này đều nằm quanh ngưỡng 50 triệu đồng/m2. Thậm chí, có nơi lên đến 70 triệu đồng/m2. Sau cơn sốt 10 tháng (cuối năm 2008) giá đất trong các dự án này đã trở về quanh mốc 25 triệu đồng/m2.

Rõ ràng, đối với những người đầu tư lướt sóng lỡ ôm đất trong giai đoạn cuối của cơn sốt giá nhà đất cuối năm 2007 đầu năm 2008 đã bị mất tương đương 70% giá trị của lô đất. Khúc dạo đầu của 2 cơn sốt nhà đất năm 2007 và 2009 hoàn toàn giống nhau, khúc cuối như thế nào phải cần một thời gian nữa.

(Theo báo Lao động số 133)

btp