Lấy căn cứ tổng vốn 2 dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ chưa đến 20.000 tỷ đồng không nằm trong tiêu chí "công trình quan trọng", Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lý giải, vì sao dự án đang dành được sự quan tâm đặc biệt này không đưa ra xin ý kiến Quốc hội.
Mở đầu, đại biểu (ĐB) Nguyễn Đăng Trừng chất vấn: "Nghị quyết 66 của Quốc hội ghi rõ quy mô đầu tư dự án từ 20.000 tỷ trở lên phải xin ý kiến Quốc hội. Vậy dự án bô xít tại Tây Nguyên có quy mô cao hơn 20.000 tỷ đồng tại sao không được xin ý kiến Quốc hội thông qua?".
Không chút ngập ngừng, người đứng đầu ngành công thương dẫn giải, dự án bô-xít tại Tây Nguyên được Chính phủ phê duyệt gồm nhiều dự án khác nhau, như: dự án về khai thác, chế biến bô xit thành alumine; sản xuất alumine thành nhôm nguyên liệu; dự án đường sắt từ Tây Nguyên xuống biển... "Những dự án này độc lập và không phụ thuộc lẫn nhau".
Ông cho rằng, sẽ có những dự án tổng mức đầu tư vượt con số 20.000 tỷ đồng, nhưng cũng có những dự án không đến. "Tại dự án bô xit Tân Rai và Nhân Cơ, vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, do đó không thuộc diện công trình quan trọng phải đưa ra Quốc hội".
Theo ông, các dự án khác như Đắk Nông 2, Đắk Nông 3... nếu công suất chế biến từ 1,5 triệu đến 2 triệu tấn alumine một năm, vốn đầu tư có khả năng sẽ vượt 20.000 tỷ đồng thì chắc chắn sẽ phải trình với Quốc hội...
Chưa đồng tình, Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng cho rằng, không thể nói các dự án nằm trong một quần thể là độc lập và không có sự gắn kết với nhau. "Nó chỉ độc lập khi Bộ Công thương tách nhỏ ra để khỏi vượt quá 20.000 tỷ", ông nói.
Dẫn ra kết luận của Bộ Chính trị trong đó khẳng định, Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh quốc phòng cả trước mắt lẫn lâu dài, ông cho rằng: "Toàn bộ dự án khai thác Boxit cần phải được trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư".
Cương quyết bảo vệ quan điểm, Bộ trưởng Hoàng khẳng định, việc chia thành các dự án không phải là ý kiến của Bộ Công thương. "Chúng tôi cũng không có thẩm quyền để chia nhỏ các dự án". Ông nhấn mạnh, dự án này nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp Bô xit đã được Chính phủ phê duyệt.
"Dự án alumine có thể không có đường sắt vẫn hoạt động được, bởi khi công suất alumine nhỏ thì vận chuyển bằng ô tô. Còn sau này nếu việc sản xuất alumine tiếp tục có hiệu quả thì mới tính phương án đường sắt "phục vụ đa dụng", ông trình bày thêm và: "Sẵn sàng báo cáo trực tiếp với các đại biểu Quốc hội về vấn đề kỹ thuật".
"Tôi không đồng ý với giải trình của Bộ trưởng và cũng không đồng ý tách rời các dự án trong quần thể dự án bô xít tại Tây Nguyên. Vì nếu không có dự án bô xit thì liệu có xây dựng đường tàu hay không. Do vậy việc nói 2 dự án này tách rời nhau là không đúng", ĐB Nguyễn Văn Ba lên tiếng.
Chung mối quan tâm về vấn đề bô xít, ĐB Nguyễn Thị Loan nêu ý kiến, dự án sản xuất alumin, không phải là sản phẩm nhôm thành phẩm. Theo bà, đó là xuất khẩu nguyên liệu khoáng sản dạng thô, chưa phải là sản phẩm chế biến dạng tinh. "Xin hỏi Bộ trưởng, việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dạng thô như vậy có đi ngược lại chính sách hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô hay không?", bà Loan chất vấn.
Không nhìn vào bất cứ tài liệu nào, Bộ trưởng Hoàng phản bác, với hàm lượng oxit nhôm Al2O3 là 98,2% thì sản phẩm alumine không thể gọi là quặng thô. "Trong các tài liệu của quốc tế không tài liệu nào nói rằng alumine là nguyên liệu thô. Chúng tôi nghĩ rằng dự án này là một bước đi phù hợp trong điều kiện hiện nay", ông Hoàng nhấn mạnh.
Trong số hơn hàng chục câu hỏi được gửi tới Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chiều nay, ngoài chất vấn liên quan đến dự án bô xít, nhiều đại biểu còn đặc biệt quan tâm tới tình trạng điện thiếu, giá tăng ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Đưa ra các ví dụ về đời sống của những người lao động nghèo phải đi thuê nhà ở, những người đang chịu sức ép về giá, cũng như việc thay đổi cách tính giá điện giờ cao điểm khiến doanh nghiệp khốn đốn, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương nêu câu hỏi: "Khi điều chỉnh giá bán điện, Bộ trưởng nghĩ gì?", " Bộ trưởng đã tính đến hết yếu tố chưa?".
Đồng tình với cách đặt vấn đề của bà Hương, Bộ trưởng công nhận, điện là sản phẩm có liên quan đến mọi thành phần và ngành nghề trong xã hội, do vậy việc điều chỉnh giá bán sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên ông vẫn cho rằng, khi ban hành khung giá là đã tính toán được tất cả các yếu tố gồm chỉ số giá tiêu dùng, tác động đến đời sống dân sinh, hoạt động sản xuất... Lộ trình tăng giá điện lẽ ra được thực hiện từ giữa năm 2008. Tuy nhiên, do lo ngại lạm phát, giá cả tăng cao... nên lộ trình phải lùi lại đến tháng 3/2009.
Ông Hoàng cho biết, tăng giá là không đừng, vì điện đang bán với giá rất thấp so với khu vực nên không khuyến khích được đầu tư và tiết kiệm năng lượng. Các phương án giá cũng được tính toán thận trọng theo hướng hỗ trợ đúng đối tượng nghèo bằng giá điện bậc thang. "Theo tính toán của chúng tôi với giá bán mới, chi phí của các hộ gia đình nghèo tăng thêm khoảng 2.500 đồng một tháng còn các hộ tiêu dùng khác chi phí tăng thêm 18.000 đồng", ông Hoàng nêu con số.
Cảm thông với những bức xúc của người dân liên quan đến vấn đề điện cắt giảm khắp nơi, người đứng đầu ngành công thương khẳng định, mất điện không phải thiếu mà chủ yếu do sự cố đường dây. "Chúng tôi đã yêu cầu EVN báo cáo tình trạng trên và khắc phục các sự cố để đảm bảo việc cung ứng điện được thông suốt", ông Hoàng hứa trước khi kết thúc phiên chất vấn chiều nay.
20 câu hỏi khác, trong đó có việc điều hành xuất khẩu gạo, gian lận thương mại, tính cước taxi gian, giá ôtô... đang chờ người đứng đầu ngành công thương tiếp tục đăng đàn trong sáng mai (12/6).
(Theo VNexpress)