Tin ngành điện

Phòng cháy, chữa cháy tại Hà Nội và TPHCM:Kém & thiếu chuyên nghiệp

Thứ sáu, 5/6/2009 | 09:17 GMT+7
Thời gian qua, tại hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM đã liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn lớn, gây thiệt hại nặng nề. Vụ  cháy tại ga Giáp Bát (Hà Nội) khiến 5 người chết, vụ cháy tại kho hàng Hoa Việt (cũng ở Hà Nội) thiệt hại tài sản tới cả trăm tỉ đồng.

Thời gian qua, tại hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM đã liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn lớn, gây thiệt hại nặng nề. Vụ cháy tại ga Giáp Bát (Hà Nội) khiến 5 người chết, vụ cháy tại kho hàng Hoa Việt (cũng ở Hà Nội) thiệt hại tài sản tới cả trăm tỉ đồng.

Vụ cháy tại tòa nhà 32 tầng Kumho Asiana Plaza (TPHCM) gây náo loạn dân cư... Qua kiểm tra, tất cả vẫn chung một tâm lý chủ quan: Chưa cháy, chưa lo!

Không nhớ điện thoại cứu hỏa khẩn cấp

Ai cũng hiểu một điều đối với công tác an toàn PCCC thì vế "phòng cháy" được đặt lên hàng đầu, chữa cháy chỉ là coi là thứ yếu. Vụ cháy kho hàng Hoa Việt vừa qua tại Hà Nội cùng với vụ cháy ga Giáp Bát tưởng chừng là một lời cảnh báo cho những người có tâm lý chủ quan nhất; thế nhưng, qua kiểm tra đột xuất của lực lượng CS PCCC - CA TP.Hà Nội (PC 23), dường như những bài học đắt giá này vẫn chưa được tiếp thu.

Ngày 4.6, lực lượng PC 23 kiểm tra tổng kho của Cty CP nông sản Agrexim (số 505 Minh Khai, HN). Đây là một tổng kho vào loại lớn của Hà Nội, với tổng diện tích gần 16.000m2, đang cho hơn 20 đơn vị, doanh nghiệp thuê làm kho chứa hàng. Với một diện tích rộng lớn như vậy, hàng hóa của các Cty cũng luôn chất đầy trong kho, đấy là chưa kể một kho xăng nằm ngay phía trước cổng kho; vậy mà, theo lực lượng bảo vệ tại kho, toàn nhà kho chỉ có 2 chiếc máy bơm để phục vụ công tác chữa cháy.

Tuy nhiên, điều đáng nói là một chiếc thì không ai biết đang nằm ở đâu. Chiếc còn lại - nằm phía sâu trong sân kho - lại... không hoạt động được nữa. Hơn 10 chiếc bình bọt cũng có cái dùng được, cái hỏng.

Khung cảnh tan hoang của kho hàng Hoa Việt sau khi cháy. ảnh: Lê Đạt

Kho chung đã vậy, tình hình chấp hành an toàn PCCC tại những kho đơn lẻ do các đơn vị, doanh nghiệp cũng chẳng khá hơn mấy. Kiểm tra tại kho hàng của Cty TNHH Phúc Tiến - kho chứa nhiều loại phương tiện, đồ điện gia dụng - lực lượng CS PCCC phát hiện hàng loạt sai phạm như hàng hóa trong kho sắp xếp lộn xộn, không có lối đi để chữa cháy, hàng hóa xếp chồng, che lấp cả hệ thống dây điện, bình bọt hết tác dụng, hệ thống biển báo, nội quy bị che lấp.

Nhân viên thủ kho cho biết là đã từng được tập huấn về công tác PCCC và có giấy chứng nhận hẳn hoi, nhưng khi cán bộ CS PCCC hỏi về số điện thoại cứu hỏa khẩn cấp thì anh này... đứng im chịu trận.

Lực lượng chữa cháy tại chỗ yếu kém

TPHCM là nơi đầu tiên trong cả nước thí điểm mô hình sở cảnh sát PCCC với sự chuyên nghiệp khá cao, cho thấy TP cũng nhận thức rõ về tầm quan trọng của lực lượng PCCC chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, số vụ cháy lớn vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây. Mới đây nhất, vụ cháy tòa nhà 32 tầng Kumho Asiana Plaza (Q.1) - theo đánh giá, một phần nguyên nhân do lực lượng chữa cháy tại chỗ yếu kém, không kịp thời. Theo Thiếu tướng Trần Triều Dương - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM - nguyên nhân của các vụ cháy đa số là do sự cố về điện, như sử dụng điện quá tải, hệ thống điện hư cũ dẫn đến chập điện, vệ sinh công nghiệp kém dẫn đến cháy lan nhanh.

Cũng theo Thiếu tướng Trần Triều Dương, đặc biệt các vụ cháy trong các nhà máy, xí nghiệp, Cty trong các KCK, CN, trung tâm thương mại, chợ... do lực lượng PCCC tại chỗ thiếu kiểm tra, phát hiện kịp thời, khả năng chữa cháy kém, điển hình vụ cháy tại DNTN sản xuất mực in Dy Khang trong KCN Vĩnh Lộc B, Q.Bình Tân.

Dù DN này đã trang bị đầy đủ hệ thống PCCC, nhưng không có người trực bảo vệ, dẫn đến không có người vận hành thiết bị chữa cháy, nên toàn bộ 2.268m2 nhà xưởng bị thiêu rụi, thiệt hại trên 20 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hiện thành phố còn hàng trăm khu dân cư nằm trong nguy cơ cháy cao, vì hẻm sâu, thiếu trụ nước PCCC.

Thượng tá Tô Xuân Thiều - Trưởng phòng PC 23 CA TP.Hà Nội cho biết : Hiện CS PCCC của TP chỉ được trang bị xe chữa cháy, cứu nạn hiệu quả giỏi lắm chỉ tới tầng 10 của một tòa nhà, trong khi càng ngày càng có nhiều tòa nhà cao 20-30 tầng, thậm chí cả trên 70 tầng. Lực lượng PCCC thiếu chuyên nghiệp do phần lớn là các chiến sĩ nghĩa vụ, đào tạo xong 3 năm vừa biết việc thì cũng hết hạn, phải xuất ngũ.

Theo Sở Cảnh sát PCCC TPHCM , 5 năm qua, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.495 vụ cháy, thiệt hại hơn 400 tỉ đồng, 40 người chết và 212 người bị thương. Riêng năm 2008, có 195 vụ cháy, làm 5 người chết và 44 người bị thương, tài sản thiệt hại trên 88 tỉ đồng. Trong tổng số 1.495 vụ cháy thì các KCN, chế xuất, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ và các cơ sở trọng điểm quốc gia chỉ chiếm tỉ lệ 2,88% (43/1.495 vụ), nhưng về kinh tế đã gây thiệt hại trên 93 tỉ đồng, chết 1 người và bị thương 10 người.

(Theo báo Lao động số 123)

btp