Tin ngành điện

15 năm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thứ năm, 28/5/2009 | 08:05 GMT+7
Cách đây đúng tròn 15 năm, (27/5/1994-27/5/2009), hệ thống đường dây tải điện cao cáp 500kV Bắc-Nam đã chính thức được vận hành. Với việc truyền tải được gần 148 tỷ kWh điện trong suốt 15 năm qua, đường dây tải điện 500 kV Bắc-Nam đã khẳng định vai trò không thể thiếu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, đồng thời trở thành huyết mạch của hệ thống lưới điện quốc gia.

Cách đây đúng tròn 15 năm, (27/5/1994-27/5/2009), hệ thống đường dây tải điện cao cáp 500kV Bắc-Nam đã chính thức được vận hành. Với việc truyền tải được gần 148 tỷ kWh điện trong suốt 15 năm qua, đường dây tải điện 500 kV Bắc-Nam đã khẳng định vai trò không thể thiếu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, đồng thời trở thành huyết mạch của hệ thống lưới điện quốc gia.

Có tổng chiều dài 1.462,5km, hầu hết tuyến đường dây truyền tải điện cao áp 500 kV Bắc - Nam đi qua vùng rừng rậm, núi cao, sông sâu và sình lầy. Đường dây 500kV Bắc-Nam có nhiệm vụ truyền tải điện từ hệ thống điện miền Bắc cung cấp cho các tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên và ngược lại.

Lần đầu tiên kết nối hệ thống điện quốc gia

Nhìn lại thời điểm cuối những năm 80 của thế kỷ XX, khi vận hành một số tổ máy của Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã xuất hiện tình trạng thừa điện ở miền Bắc, trong khi đó, dấu hiệu thiếu điện ở miền Nam và miền Trung bắt đầu xuất hiện từ năm 1990 và ngày càng trở nên gay gắt. Trước tình hình trên, Chính phủ đã quyết định xây dựng hệ thống tải điện 500 kV Bắc- Nam. Khởi công ngày 5/4/1992, vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, sau 2 năm, toàn bộ đường dây và hệ thống trạm 500 kV đã hoàn thành, đi vào vận hành để kịp thời đáp ứng nhu cầu phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia - NPT Nguyễn Hà Đông chia sẻ về chặng đường 15 năm vận hành đường dây điện quốc gia, một trong những cái được lớn nhất mà công trình thế kỷ này mang lại đó là thực hiện nhiệm vụ chính trị, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đổi mới đất nước. Cùng với đó, ngành truyền tải điện đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành tốt, và quan trọng là thống nhất được quá trình tổ chức sản xuất của lưới truyền tải trong cả nước.

Đội ngũ những người công nhân quản lý, vận hành đường dây 500 kV trưởng thành trong suốt quá trình vận hành hệ thống lưới điện này, giờ đều đã bước sang tuổi gần trung niên. Vượt qua bao khó khăn, gian khổ, những người lính truyền tải ngày đêm "bám" từng km đường dây, kịp thời khắc phục từng sự cố, đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, thông suốt, đạt hiệu quả cao nhất.

"Việc đường dây 500kV thực hiện nhiệm vụ truyền tải điện từ Bắc vào Nam, điều hoà lưới điện giữa các vùng miền đã đánh dấu sự phát triển đột phá của ngành điện Việt Nam - lần đầu tiên kết nối hệ thống điện quốc gia trong toàn quốc", Tổng Giám đốc Nguyễn Hà Đông nói.

Không chỉ đem lại hiệu quả về điện

Các chuyên gia kinh tế đã từng ví công trình 500 kV Bắc -Nam vừa là "xa lộ" truyền tải điện năng, vừa là "xa lộ" truyền tải thông tin trên toàn quốc. Hiện các công ty viễn thông như Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT), Tổng công ty viễn thông quân đội (Viettel), Công ty thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom),... đã sử dụng sợi quang trên đường dây truyền tải điện này để thiết lập nền tảng truyền dẫn thông tin xuyên quốc gia, kết nối hàng chục triệu thuê bao điện thoại trên cả nước, mang văn hóa đến các vùng miền nghèo của miền Trung.

Ban đầu, nếu đường dây 500 kV phải thuê chuyên gia nước ngoài cho các khâu từ lập dự án đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát đến vật tư nhập ngoại, thì dần dần, những đoạn đường dây 500 kV từ Pleiku-Phú Lâm, Yaly-Pleiku, Pleiku-Đà Nẵng-Nho Quan, Phú Mỹ-Nhà Bè-Phú Lâm,... các khâu đều do trong nước thực hiện. Bằng việc ngành cơ khí chế tạo trong nước gia công hầu hết các cột, dây dẫn, dây chống sét (trước đây phải nhập khẩu),... nhờ đó mà cũng có bước trưởng thành.

Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, giá trị công trình đường dây 500kV Bắc - Nam đem lại thực sự không chỉ tính bằng lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, khẳng định sự trưởng thành của ngành Điện Việt Nam.

(Chinhphu.vn)

btp