Từ năm 2007 đến nay, Viện Năng lượng đã và đang chủ trì thực hiện đề án “Khảo sát thực trạng tiêu thụ và quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc các chuyên ngành lựa chọn” nằm trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ông Trần Mạnh Hùng-Trưởng phòng Kinh tế Dự báo phụ tải-Viện Năng lượng cung cấp một số thông tin về đề án
PV: Được biết đề án “Khảo sát thực trạng tiêu thụ và quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc các chuyên ngành lựa chọn” nằm trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Viện Năng lượng chủ trì thực hiện. Đại diện đơn vị trực tiếp thực hiện, ông có thể giới thiệu về quy mô, thời gian triển khai cũng như nhiệm vụ chính của đề án?
Ông Hùng: Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006. Để triển khai thực hiện các nhóm nội dung của chương trình, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã có Quyết định số 08 /QĐ-BCĐ ngày 29/12/2006 giao nhiệm vụ cho Viện Năng Lượng triển khai thực hiện một trong các nhóm nội dung của chương trình với nhiệm vụ chính là:
- Đề án thứ nhất “Khảo sát thực trạng tiêu thụ và Quản lý năng lượng tại các cơ sở công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc các chuyên ngành lựa chọn”
- Đề án thứ hai “Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nâng cấp, cải tiến, hợp lý hoá dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”
Trong năm 2007, Viện Năng Lượng đã triển khai đồng bộ cả 2 đề án trên để có thể phối hợp thực hiện tốt nhất các nội dung liên quan. Đề án sẽ kết thúc vào năm 2010.
PV: Viện đã chủ trì khảo sát, điều tra theo những phương thức nào? Có nhiều trường hợp đơn vị, tổ chức, hộ sản xuất trong diện khảo sát điều tra trả lời qua loa hoặc cung cấp thông tin không chính xác vì nhiều lý do chủ quan không thưa ông?
Ông Hùng: Cùng với phương thức điều tra khách hàng (phát phiếu câu hỏi và thu thập câu trả lời), Viện Năng Lượng cũng tiến hành đồng thời công tác khảo sát thu thập thêm số liệu ở các Bộ, Ban, Ngành, đặc biệt là các Tổng công ty lớn quản lý các doanh nghiệp trọng điểm như Bộ Xây dựng, Tổng công ty Thép, Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Giấy, ... nhằm xác định hiện trạng công nghệ, xu hướng phát triển công nghệ tương ứng với các chỉ số tiêu thụ năng lượng trong tương lai.
Theo lộ trình của đề án, trong năm đầu tiên, Viện Năng lượng lựa chọn và khảo sát trực tiếp hơn 250 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trọng điểm thuộc tất cả các ngành nghề khác nhau trên phạm vi trên toàn quốc. Trong những năm tiếp theo, dự kiến mỗi năm sẽ có thêm 200 doanh nghiệp khác sẽ tham gia chương trình, đồng thời các doanh nghiệp đã tham gia dự án của năm trước sẽ được gửi phiếu điều tra cập nhật về tình trạng của doanh nghiệp đó.
Thực tế, các đơn vị trong diện khảo sát rất hợp tác với Viện trong quá trình điều tra, không có trường hợp né tránh hoặc không phản hồi. Kết thúc năm 2007, bộ cơ sở dữ liệu của hơn 200 khách hàng công nghiệp trọng điểm đã được xây dựng và được đưa lên trang web của chương trình để chia sẻ thông tin cho các cơ quan quản lí, nghiên cứu, các đơn vị làm tư vấn trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Theo đánh giá của Viện Năng lượng thì kết quả trả lời từ các phiếu điều tra của doanh nghiệp có thể tin cậy, tuy nhiên do lượng mẫu điều tra còn hạn chế nên định mức tiêu thụ sản phẩm chưa thể đại diện được cho toàn bộ nhóm ngành.
PV: Năm nay là năm thứ 2 thực hiện đề án, xin ông cho biết Viện đã làm được những gì? Kế hoạch tiếp theo của dự án?
Ông Hùng: Tháng 7 năm 2007, Viện Năng Lượng cùng với một số đơn vị hỗ trợ đã bắt đầu triển khai công tác điều tra. Tổng cộng đã có 267 phiếu điều tra được gửi tới các doanh nghiệp trọng điểm trên phạm vi 7 tỉnh có các khu công nghiệp tập trung, bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Phú Thọ. Kết quả là đã có 241 phiếu điều tra từ 252 doanh nghiệp được gửi về, đạt tỷ lệ tham gia là 90.2 %.
Trong năm 2008, dự án đang tiếp tục mở rộng với việc điều tra thêm 250 khách hàng trọng điểm khác, nhưng có thể sẽ thay đổi phương thức điều tra hoặc nội dung trong phiếu điều tra nhằm tăng cường tiếp cận các doanh nghiệp. Ngoài ra, Viện Năng lượng dự kiến sẽ xây dựng đường cơ sở định mức; bộ cơ sở dữ liệu định mức tiêu thụ/sản phẩm và sẽ tiến hành so sánh định mức của Việt Nam với một số quốc gia tiên tiến khác nhằm ước lượng tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam so với trình độ chung của thế giới; đồng thời giúp Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hoạch định được những biện pháp cụ thể áp dụng cho các ngành nghề, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí năng lượng và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia phục vụ phát triển bền vững.
PV: Tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở các doanh nghiệp sản xuất của ta hiện nay còn rất lớn, thưa ông? Sau khi có kết quả dự báo khả năng tiết kiệm năng lượng của các cơ sở, bước tiếp theo để hiện thực hóa khâu khảo sát là gì?
Ông Hùng: Theo thống kê đến nay cả nước có trên 1000 cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm trên tổng số gần 130.000 doanh nghiệp công nghiệp, mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng chưa tới 1% nhưng lượng điện tiêu thụ đã chiếm gần 48% tổng tiêu thụ cho toàn ngành công nghiệp. Trong số các doanh nghiệp này có rất nhiều nhà máy xí nghiệp đã vận hành trong một thời gian khá dài, công nghệ và quy trình sản xuất khá lạc hậu, thiếu đồng bộ dẫn đến hiệu suất tiêu thụ năng lượng thấp, chi phí vận hành cao và làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Vì vậy tiềm năng tiết kiệm năng lượng của đối tượng khách hàng trọng điểm này là tương đối lớn.
Dựa vào kết quả dự báo tiềm năng tiết kiệm năng lượng và đơn đăng ký tham gia thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp, Viện Năng lượng đã lựa chọn 13 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc các ngành Dệt may, Xi măng-Vật liệu xây dựng, Chế biến thực phẩm, Hoá chất - nhựa và ngành Giấy và bột giấy ở cả ba miền tham gia vào đề án số 2- đề án “Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nâng cấp, cải tiến, hợp lý hoá dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Mục tiêu của đề án thứ hai là xây dựng báo cáo kiểm toán năng lượng chi tiết, báo cáo quản lí năng lượng cho các doanh nghiệp. Các báo cáo kiểm toán năng lượng chi tiết đã thực hiện cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp là khá lớn như: Sản xuất xi măng theo công nghệ cũ là trên 30%, Hoá chất - nhựa: trên 15%, Chế biến thực phẩm, dệt may, giấy – bột giấy: trên 10%.
Trên cơ sở các giải pháp tiết kiệm năng lượng đã xác định trong báo cáo kiểm toán năng lượng chi tiết sẽ ưu tiên lựa chọn các giải pháp có tiềm năng tiết kiệm năng lượng cao, chi phí đầu tư phù hợp với khả năng tài chính của các doanh nghiệp, thời gian thu hồi vốn nhanh để lập báo cáo đầu tư. Các báo cáo đầu tư này sẽ được trình lên Văn phòng Tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương để thẩm định, phê duyệt và quyết định mức hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp theo qui định của chương trình mục tiêu quốc gia.
PV: Cám ơn ông! |