Tin ngành điện

EVN đề xuất chia thưởng 1.000 tỷ đồng là phản cảm'

Thứ tư, 22/10/2008 | 07:25 GMT+7
Trao đổi với báo chí sáng 21/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, Hà Văn Hiền cho biết, sẽ thực hiện việc giám sát hoạt động của ngành điện.

Trao đổi với báo chí sáng 21/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, Hà Văn Hiền cho biết, sẽ thực hiện việc giám sát hoạt động của ngành điện.

- Với vai trò giám sát, phản biện các vấn đề kinh tế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có động thái gì trước những phàn nàn của cử tri về ngành điện?

- Trong báo cáo tại Quốc hội vừa qua, Ủy ban Kinh tế có đặt vấn đề hiệu quả đầu tư khu vực doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Chính phủ cần sớm đánh giá lại các hoạt động của các doanh nghiệp này trong đó có việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong đầu tư và trong quản lý.

Có một vấn đề tôi rất suy nghĩ là tại sao trong những năm qua, điện liên tục thiếu ngay cả khi thời tiết thuận lợi cho thủy điện. Cần phải làm rõ hiệu quả đầu tư các dự án điện, từ khâu quy hoạch cho đến khâu tổ chức thực hiện. Năm ngoái Ủy ban Kinh tế đã có kế hoạch giám sát hoạt động của ngành điện nhưng chưa làm được, năm nay chúng tôi sẽ thực hiện vấn đề này.

- Vừa qua dư luận xôn xao khi Tập đoàn Điện lực đề nghị xin trích 1.002 tỷ đồng (chiếm 36% tổng số tiền từ nguồn thu chênh lệch giá điện năm 2007) để khen thưởng cán bộ, nhân viên trong ngành. Quan điểm của ông thế nào?

- Ngành điện vừa đề nghị tăng giá điện, vừa đề nghị tăng quỹ phúc lợi dễ gây phản cảm trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Nhà nước phải có ý kiến về vấn đề này. Theo tôi biết, Chính phủ chưa có ý kiến trả lời về đề xuất của ngành điện.

Ngành điện đang có hơn 80.000 cán bộ, nhân viên. Ảnh: Hoàng Hà.

- Trong khi có 1.000 tỷ đồng để chia thưởng, EVN lại kêu thiếu vốn và xin trả lại 13 dự án điện. Vậy, có thể hiểu động thái này như thế nào?

- Tôi có suy nghĩ vì sao ngành điện lại trả lại các dự án đó? Với những dự án nhà nước đã dành cho ngành điện đầu tư nghĩa là nhà nước đã tin cậy. Vì vậy EVN phải tự thấy trách nhiệm, tập trung mọi nguồn lực, nguồn vốn đáp ứng nhu cầu về điện cho ngành kinh tế. Việc trả lại, tôi nghĩ ngành điện phải nên tính toán lại.

- Nhưng thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng, cần phải có chế độ đãi ngộ với cán bộ, nhân viên ngành điện để động viện họ làm việc tốt hơn?

- Việc khen thưởng phải xuất phát từ kết quả sản xuất của đơn vị. Hiện chúng tôi chưa thể kết luận về hiệu quả hoạt động của Tập đoàn điện lực vì Ủy ban Kinh tế chưa giám sát. Tới đây, khi có kết quả giám sát, chúng tôi sẽ có căn cứ để khẳng định.

- Ông vừa cho rằng, đề xuất khen thưởng song song với tăng giá điện của EVN là phản cảm. Vậy xin hỏi, nếu làm Tổng giám đốc EVN, ông sẽ xử lý thế nào với số tiền 1.000 tỷ này?

- Nhu cầu về điện hiện rất lớn, trong khi chúng ta chưa đáp ứng được. Vì vậy, lúc này mọi nguồn vốn phải tập trung cho đầu tư phát triển nguồn điện. Phần chăm lo đời sống nhân viên cũng cần thiết nhưng dựa trên mặt bằng chung của các ngành kinh tế. Nếu tôi là lãnh đạo ngành điện, có nguồn tiền 1.000 tỷ đồng, sẽ tập trung đầu tư dự án điện, thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao.

Theo vnexpress

btp