Đi cùng với đó, Tập đoàn điện lực sẽ thực hiện bán điện trực tiếp đến người dân qua mạng điện lưới này, thay cho việc kinh doanh điện gián tiếp của các hợp tác xã, tổ bán điện và hộ kinh doanh điện nông thôn như trước đây.
Đây là chủ trương đúng đắn và thiết thực bởi vấn đề quản lý và kinh doanh điện của các hợp tác xã, hộ cá thể đang lộ rõ nhiều nhược điểm. Bước đầu Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có Công văn "cho phép Điện lực Lào Cai được tiếp nhận lưới điện 0,4 KV nông thôn của 39 xã hiện ngành điện đang bán điện qua công tơ tổng và 19 xã thuộc Dự án năng lượng nông thôn 2-RE với hình thức chuyển giao tài sản cho ngành điện theo "nguyên tắc ghi tăng giảm vốn". Việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp nhận hạ tầng lưới điện nông thôn đang diễn ra khá khẩn trương ở Điện lực Lào Cai.
Thực trạng lưới điện nông thôn
Tính đến cuối tháng 9/2008, Lào Cai có 119/144 xã, phường có điện lưới Quốc gia. Điện lực Lào Cai đang tổ chức bán điện trực tiếp tới các hộ dân tại 86 xã, phường, số 41 xã, phường còn lại (chiếm 1/3) thuộc 8 huyện, thành phố, do 12 hợp tác xã dịch vụ điện nông thôn, 2 hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, 19 hộ kinh doanh cá thể quản lý và khai thác. Các đơn vị này đang nắm giữ 426 km chiều dài đường dây hạ thế với tổng công suất tới 11.666 KVA. Hình thức kinh doanh là mua điện năng của ngành điện lực thông qua công tơ tổng để bán lẻ cho 23 nghìn hộ dân.
Thực trạng lưới điện hạ thế tại 41 xã, phường nói trên là khá nhiều bất cập. Trong quá trình xây, do nguồn vốn có hạn, nhiều địa phương lại xây dựng chắp vá, không tuân thủ thiết kế nên đến nay lưới điện không đạt chất lượng như quy định. Nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao trong những năm gần đây, nhất là việc hình thành một số cụm dân cư mới nên một số nơi đã kéo dài các nhánh rẽ hoặc kéo dây tạm từ hộ dân này sang hộ dân khác gây mất an toàn lưới điện.
Lưới điện nông thôn tại 41 xã, phường nói trên hầu hết đã khai thác nhiều năm nhưng không được cải tạo, sửa chữa, duy tu nên đã cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống đồng hồ điện có nhiều chủng loại, chủ yếu là đồng hồ do người dân tự mua, không được kiểm định, thay thế, sửa chữa định kỳ. Các đường dây tải điện không được phát dọn thường xuyên, các điểm đấu nối tiếp xúc kém... và tất cả những điều trên đã dẫn đến hệ quả là mức tổn thất điện năng rất cao, mức trung bình là 30%, có nơi con số này đạt tới gần 40%.
Từ năm 2003, Điện lực Lào Cai đã phối hợp với các địa phương thực hiện mô hình quản lý điện theo quy định chung của Tổng công ty điện lực Việt Nam. So với mô hình quản lý, mua bán điện theo kiểu cai thầu trước đó có một số ưu điểm nhưng công tác quản lý bán điện hiện vẫn lộ rõ những bất cập. Cụ thể là: Việc hạch toán thu chi thiếu minh bạch, nhiều hợp tác xã lấy phần lãi suất từ kinh doanh điện để bù đắp cho hoạt động, dịch vụ khác bị thua lỗ thay vì dành vốn sửa chữa, duy tu lưới điện vốn đã cũ nát. Công tác quản lý, kinh doanh điện rất lỏng lẻo, gây mất công bằng giữa những người sử dụng. Nhiều nơi bán điện cho hộ dân nhưng không có đồng hồ đo điện năng tiêu thụ mà khoán theo tháng rồi chia bình quân các hộ chịu mức phí như nhau. Cách tính toán, phân loại giữa điện sinh hoạt và điện sản xuất còn giản đơn, nhiều sai sót.
Theo anh Lưu Ngọc Phước, cán bộ phòng kinh doanh Điện lực Lào Cai thì nhiều nơi các hợp tác xã, hộ kinh doanh điện đã biến báo nguồn phụ thu gây thiệt hại cho người dân. Quy định của Nhà nước về mức tiêu thụ điện sinh hoạt đối với mỗi hộ dân cho 100 kwh đầu tiên là không quá 700 đồng nhưng ở nhiều nơi người dân vẫn phải chịu giá thành lên đến trên 1.000 đồng/kwh như xã Phú Nhuận (Bảo Thắng), Bảo Nhai (Bắc Hà) ...
Giải pháp quản lý vận hành lưới điện
Sau khi tiếp nhận ngành điện buộc phải đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện với số vốn rất lớn. Số lượng khách hàng tăng đột biến cũng gây khó khăn trong công tác tổ chức quản lý, vận hành và kinh doanh điện. Tuy nhiên, đây là chủ trương lớn của Nhà nước và là yêu cầu chính trị đặt ra đối với doanh nghiệp Nhà nước là ngành điện lực buộc phải thi hành.
Các hợp tác xã dịch vụ điện sẽ phải giải tán, trong đề án tiếp nhận lưới điện của Điện lực Lào Cai có đưa ra giả thiết: "Một số người được hưởng lợi từ kinh doanh điện có thể có những hành vi chống đối, gây khó khăn, cản trở và đòi hỏi phải hoàn trả vốn đầu tư ban đầu".
Tất nhiên là hạ tầng lưới điện nông thôn mà các hợp tác xã đang quản lý là do Nhà nước và các chương trình tài trợ đầu tư là chủ yếu. Phần còn lại (không đáng kể) là của nhân dân góp vốn, ngày công đầu tư hoặc các hợp tác xã có đầu tư sửa chữa thì đó cũng là tiền lợi nhuận từ việc kinh doanh điện và nguồn gốc là từ túi tiền của nhân dân. Người được hưởng lợi từ chủ trương này không ai khác mà chính là người dân nông thôn, đồng bào miền núi. Đời sống thấp trong khi để được làm khách hàng từ mạng điện lưới quốc gia (nhiều hộ dân ở một số nơi) lại phải đóng góp xây hạ tầng đường tải điện. Trong khi đó, vì mua điện gián tiếp qua các hợp tác xã, hộ kinh doanh điện vốn tồn tại nhiều bất cập nên giá điện cao hơn nhiều so với giá Chính phủ quy định. Sau khi lưới điện nông thôn chuyển giao cho ngành điện quản lý và kinh doanh, khai thác bà con sẽ được hưởng giá điện ở mức dưới 700 đồng/kwh cho 100 số điện đầu tiên.
Điện lực Lào Cai đã hoàn thành phương án tiếp nhận hạ tầng lưới điện hạ thế tại 19/41 xã, phường trong năm 2008. Kế hoạch có hoàn thành, còn phụ thuộc vào các cấp, ngành, nhất là chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để nhân dân ủng hộ và không để xảy ra tình trạng người dân đòi bồi hoàn vốn khi chuyển giao cho ngành điện.
Quan điểm của ngành điện Lào Cai khi thực hiện chương trình này là nếu địa phương nào không thống nhất được ý kiến chuyển giao tài sản trên nguyên tắc ghi tăng giảm vốn (không hoàn lại vốn) thì ngành điện kiên quyết không tiếp nhận để tránh rắc rối, thắc mắc. |