Đến nay, câu khẩu hiệu "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" đã trở thành một định hướng đang được xã hội quan tâm. Và đông đảo dư luận đã vào cuộc nhưng có vẻ chưa biết bắt đầu từ đâu.
Đến nay, câu khẩu hiệu "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" đã trở thành một định hướng đang được xã hội quan tâm. Và đông đảo dư luận đã vào cuộc nhưng có vẻ chưa biết bắt đầu từ đâu.
Cách đây dăm năm, cá ba sa của nước ta đang bị thị trường Hoa Kỳ gây sự, mà suy cho cùng là những người nuôi cá bên kia Thái Bình Dương tìm cách gây sức ép với Chính phủ nước họ dùng hàng rào thuế quan và pháp lý để ngăn cản cá từ đồng bằng Nam Bộ nước ta lội biển sang làm tổn hại lợi ích của họ, cho dù nó mang lại cho bàn ăn của nước Mỹ một thức ăn ngon lại rẻ hơn cá bản địa.
Không lẽ Chính phủ họ chỉ bảo vệ người sản xuất mà ít quan tâm đến người tiêu dùng! Vì thế mà Hội Tiêu dùng của họ lại trở thành đồng minh với ta trong cuộc tranh đấu cho con cá ba sa Việt Nam trở lại với bàn ăn người Mỹ. Hỏi kỹ thì người ta giải thích rằng những người nuôi cá bên Mỹ họ ép nghị sĩ rồi nghị sĩ ép chính phủ phải vào cuộc...
Hồi đó, nghĩ ngợi về chuyện này, mình cứ băn khoăn tự hỏi tại sao mình vẫn chưa bao giờ được ăn loại cá này cho dù nó được nuôi đại trà ngay trên đất nước mình. Đến một quán ăn, thấy trong thực đơn có món cá "saba", nghĩ tưởng chỉ là lỗi chính tả. Gọi món thì té ra đây lại là loại cá nhập từ Nhật Bản, ăn cũng ngon nhưng giá không rẻ chút nào.
Như thế có nghĩa là con cá ba sa ngay từ khi được nuôi nó đã được cấp visa để xuất ngoại rồi cho dù nó cũng chẳng phải "sơn hào hải vị" mà cũng chỉ là một thức bình dân.
Khi đó tôi có viết một bài báo "chê" dân Mỹ dại không chịu ăn thì tại sao ta không để cho dân mình hay dân các nước khác ăn. Bây giờ thì những người nuôi cá basa đã tìm ra nhiều thị trường ngoài nước Mỹ, nhưng dường như vẫn chưa thật phổ biến trên mâm cơm nước mình.
Đến nay, câu khẩu hiệu "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" đã trở thành một định hướng đang được xã hội quan tâm. Chính phủ không thể là người khởi xướng vì nó dễ hiểu lệch là bảo hộ hàng trong nước và đối xử không bình đẳng với hàng nước ngoài, vi phạm những cam kết kể từ khi ta vào WTO. Nhưng Chính phủ vẫn mạnh tay bước đầu chi cả nửa trăm tỉ cho việc xúc tiến mở rộng thị trường nội địa. Mặt trận Tổ quốc cũng vào cuộc như một cuộc vận động xã hội hướng vào tinh thần yêu nước...
Và đông đảo dư luận đã vào cuộc nhưng có vẻ chưa biết bắt đầu từ đâu. Bởi ai cũng thấy rằng về căn bản sức cạnh tranh của ta còn kém phản ánh vào sản phẩm nội hoá là chất lượng kém, giá cả cao và viêc quảng bá còn hạn chế... Và hơn thế cái tâm lý sùng hàng ngoại đã có từ lâu.
Nhớ lại chuyện xưa, cách đây đúng môt thế kỷ, ở nước ta đã diễn ra một cuộc vận động "tẩy chay hàng nước ngoài". Bắt nguồn vụ việc có thể là từ cách làm của người Ấn Độ. Họ không thích chuyện bạo lực nên theo gương ông Thánh Cam Địa (M.Ganghi) chủ truơng đấu tranh ôn hoà, bất bạo động. Họ mở phong trào "tẩy chay"(boycots) hàng của nước Anh là xứ đang cai trị họ và chọn sử dụng hàng nội hoá cũng để khích lệ tầng lớp tư sản bản địa đang trưởng thành trên cả thương trường và chính trường.
Lan sang nước ta nó thành khẩu hiệu "Để chế Bắc Hoá" (Tẩy chay hàng hoá của phương Bắc), không nhằm vào hàng của Tây, kẻ đang cai trị, bòn rút tài nguyên nước mình, mà lại hướng vào hàng của Tàu đang cạnh tranh với hàng mình. Kích thích cho cuộc vận động này người ta hay nhắc đến cái hình ảnh "Gánh vàng đi đổ sông Ngô" để tác động vào tâm lý dân chúng...
Nhưng cũng rất nhanh, các nhà Duy Tân đầu thế kỷ trước đã tỉnh táo nhận ra kẻ đứng đằng sau cuộc vận động này lại chính là chính quyền thực dân nhằm đánh lạc huớng tinh thần dân tộc Việt Nam. Một vài cuộc xung đột diễn ra giữa hai cộng đồng Việt-Hoa cũng khiến chính quyền thực dân giật mình mà ra lệnh chấm dứt... ủng hộ cuộc vận động này...
Nhưng các nhà Duy Tân không dừng lại mà hướng nó vào cuộc vận động chấn hưng nội hoá. Tự thân Phan Châu Trinh - linh hồn của cuộc vận động Duy Tân - cũng quảng bá cho hàng nội hoá. Cụ đã chọn loại đũi dệt bằng tơ tằm của xứ Quảng may bộ cánh (complet) tân thời để mặc mà đương thời được gọi là "mốt Tây Hồ" (tên chữ của cụ Phan). Chính cụ Thục trưởng Đông Kinh Nghĩa Thục - cụ cử Lương Văn Can - đã khởi xướng "Đạo làm giàu" trong đó cụ vạch ra một trong những tập tính xấu của chính những doanh nhân Việt Nam lại là "coi khinh nội hoá".
Cái tinh thần chấn hưng nội hoá này đã mang lại một phong khí cho các doanh nghiệp Việt. Ông Bạch Thái Bưởi để cạnh tranh với các hãng của cả Tây lẫn Tàu trên lĩnh vực vận tải đường sông không chỉ đóng tàu mới, đặt cho con tàu của mình những cái tên làm phấn chấn lòng người như "Bạch Đằng"," Đinh Tiên Hoàng" v.v...
Để tăng cường chất lượng dịch vụ, hãng tàu của ông chủ họ Bạch chu cấp miễn phí "bánh giò" cho khách điểm tâm để cạnh tranh với "bánh bao" trên những con tàu của người Hoa, hay bánh mì của người Tây.
Rồi ông còn sáng tác những ca từ giới thiệu công ty và lịch trình các tuyến tàu để cho những gánh hát sẩm quảng bá nơi đầu chợ cuối sông... Hồi ấy duờng như cũng không ai đề ra khẩu hiệu "người Việt dùng hàng Việt".
Từ chuyện xưa trở lại với chuyện nay, cái mục tiêu "người Việt ưu tiên hàng Việt" còn e còn khó hơn xưa. Thế giới đã nằm trên một mặt phẳng rồi, ngồi một chỗ nhìn thấy cả thế giới, muốn mua hàng ở đâu cũng được chỉ qua một cái "ckick" máy tính mà thôi. Giá cả cũng rõ ràng lại thêm các chiêu thức kích thích người mua, chiều chuộng khách hàng e rằng người sản xuất hàng hoá ở ta khó mà theo kịp...
Lòng yêu nước không chỉ có tự hào suông. Chẳng ai chấp nhận dùng đồ kém phẩm chất lại đắt giá để thể hiện nghĩa vụ tinh thần đối với quốc gia. Đừng nói đến những thị trường cao cấp, ngay cả đến thị trường nông thôn lâu nay thả nổi, nơi có sức mua tuy không lớn nhưng lại có số lượng khổng lồ chiếm hơn 70% của một quốc gia có dân số đứng thứ 13 thế giới, thì hàng Việt cũng chưa hẳn có ưu thế khi tiếp cận. Người nông dân thu nhập ít càng chắt chiu khi lựa chọn cho khoản chi ít ỏi của mình.
Có lần, một cử tri khi bàn về chủ đề này đưa ra một ý nghĩ tựa như một lời chất vấn: Nếu các nhà lãnh đạo chấp nhận chỉ chữa bệnh trong nước và cho con em mình học trong nước thì chắc chắn nền y tế và giáo dục trong nước sẽ chấn hưng? Do vậy, nếu quý vị ấy mà sẵn sàng sử dụng hàng nội thì chắc chắn hàng nội sẽ lên ngôi.
Mới hôm nay, báo đang tin nhạc sĩ Trần Văn Khê đặt câu hỏi vì sao ta không có "quốc tửu" và trên diễn đàn Quốc hội, một đại biểu đưa ra sự việc một doanh nghiệp nước ngoài đã kiếm lời không biết bao nhiêu mà kể bằng cách lách vào những kẽ hở quản lý của chúng ta. Doanh nghiệp ấy từng đưa ra một cái "slogan" rất dễ mủi lòng: "Tôi yêu Việt Nam"... Có biết bao điều đáng nghĩ ngợi để làm cho người Việt Nam yêu hàng Việt Nam.
Cách đây không lâu, tôi được dự một lễ kỷ niệm một doanh nghiệp ở Bình Dương thành đạt trên lĩnh vực các loại nước giải khát. Doanh nghiệp này đã từng hỗ trợ cho giới trẻ Việt Nam chinh phục ngọn núi Everest cao nhất thế giới. Giờ đây họ đưa ra ý tưởng bắt nguồn từ ý tứ: Cái gì cao hơn đỉnh Everest? Chỉ có thể là Thượng đế. Và Thượng đế chính là ý niệm khi nói về khách hàng.
Vậy, chinh phục khách hàng chính là lẽ sống của doanh nghiệp. Cách tiếp cận ấy gợi cho chúng ta liên hệ đến cái mục tiêu "Ngườì Việt ưu tiên dùng hàng Việt" để nhận ra cái phải làm chính là "Hàng Việt chinh phục người Việt".
(Theo báo lao động cuố tuần số 44)
btp