Sự bất thường trong diễn biến giá cả hàng hóa năm 2008 khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam rất khó đoán trước, dù trong ngắn hạn.
Nhưng với năm 2009, báo cáo của các tổ chức quốc tế như IMF hay WB, cũng như quan điểm của nhiều chuyên gia trong nước đều cho rằng CPI chắc chắn không thể vượt quá 10%.
Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Đức Thắng - Phó vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại, dịch vụ và giá cả (Tổng cục Thống kê), người rà soát và chịu trách nhiệm về con số CPI - cho rằng có cơ sở để tin vào điều này.
CPI 2008 bất thường, khó đoán
Có thể cho rằng diễn biến giá cả năm 2008 là nằm ngoài mọi dự đoán, thưa ông?
Năm 2008 là năm giá cả biến động bất thường ở mức cao, chia thành hai giai đoạn rõ rệt với sáu tháng đầu năm tăng rất cao, sáu tháng cuối năm thì dịu dần ở quý 3, và 3 tháng cuối năm giảm, đạt dưới 100%.
Diễn biến giá của năm vừa qua có sự nối tiếp của năm 2007, mức tăng cao của nửa đầu năm 2008 đã có đà từ 6 tháng cuối năm trước đó. Trong 2 quý cuối năm 2007, chỉ số giá tăng trung bình khoảng 1,14%/tháng. Như chúng ta đã biết, việc tăng chỉ số giá mạnh vào cuối năm 2007 đã đẩy CPI năm này lên 12,63%.
Đà tăng vẫn tiếp tục kéo sang đến năm 2008, mặc dù đã có một số biện pháp để cố gắng kìm hãm như thắt chặt tiền tệ... Trong 6 tháng này, chúng tôi tính bình quân chỉ số CPI tăng 2,86%/tháng. Đây là tốc độ tăng bình quân cực cao. Trong cả chục năm mới có chuyện tăng như vậy. Trước đây, bình quân mỗi tháng chỉ trên 1% đã là cao rồi.
Như thế thì qua 6 tháng, chỉ số giá đã lên đến hơn 18%, nếu so với tháng 12 năm 2007. Khi đó, nhiều lo ngại đã nảy sinh và có những ý kiến cho rằng chỉ số giá cả năm 2008 sẽ lên đến 30%.
Với chỉ số giá tăng trên 12% vào năm 2007, Việt Nam đã đặt mục tiêu khống chế CPI năm 2008 chỉ tăng ở mức 1 con số. Vậy khi nào thì các ông nhận thấy nguy cơ không thể đạt mục tiêu này?
Tôi nhớ hồi ấy đâu khoảng tháng 3. Theo quy luật thì tháng 2 tăng rất cao, sau đó đến tháng 3 thì chỉ số giá giảm tốc, hoặc âm, đến tháng 4, tháng 5 bằng bằng, hoặc âm một chút. Thế nhưng năm 2008 lại tăng cao liên tục, đến hết tháng 3, chúng tôi đã thấy nguy cơ không thể giữ được ở mức một con số.
Báo cáo với cấp lãnh đạo cơ quan, chúng tôi cũng nói không thể đạt mức tăng một con số như dự kiến được. Tại thời điểm đó, CPI đã tăng khoảng 9%. Trong câu chuyện vui, chúng tôi lúc đó vẫn nói đùa là “quota đã gần hết rồi”.
Theo như chúng tôi theo dõi thì thường CPI tăng mạnh nhất vào quý 1. Quý 4 tăng mạnh thứ nhì. Quý 3,4 thì thường là ổn định hoặc tăng nhẹ. Nhưng năm 2008, chỉ mới 3 tháng đã tăng mạnh như thế, còn cả một đoạn 9 tháng còn lại với quý 4 thường là tăng cao, cho nên chúng tôi khi ấy chỉ biết là CPI năm 2008 sẽ tăng rất cao.
Sau đó, quý 2 đã chẳng giảm mà lại tiếp tục tăng. Thực tế là sau này nhìn lại, quý 2 cũng tăng rất cao.
Đủ "bộ" nguyên nhân
Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến mức lạm phát cao của nửa đầu năm 2008?
Lạm phát năm 2008 ở mức cao là tổng hòa của các loại nguyên nhân, cả chi phí đẩy, cầu kéo, lạm phát tiền tệ và cộng thêm yếu tố tâm lý.
Về chi phí đẩy, giá nguyên liệu đầu vào hồi quý 1/2008 tăng rất cao, ví dụ thép, vật liệu xây dựng... tăng giá liên tục. Năm nay, giá nhiều mặt hàng chịu sự tác động từ giá thế giới.
Cụ thể là việc tăng giá dầu đã ảnh hưởng đến giá cả nhiều mặt hàng như thép, xi măng, lương thực... Đặc biệt là lúc đó, thị trường thế giới thiếu lương thực. Do đó, gạo từ mức giá 400-500 USD/tấn đã tăng đến hơn nghìn, thậm chí 1.200 USD/tấn.
Nền kinh tế chúng ta là nền kinh tế mở, và Việt Nam phải nhập nhiều nguyên liệu, nên khi giá thế giới tăng đã như cơn bão ập vào ngay, khiến chúng ta phải gánh chi phí đầu vào tăng mạnh.
Nhưng, thậm chí có những mặt hàng chẳng phải nhập khẩu gì cả mà giá vẫn tăng rất cao như gạch chẳng hạn, tăng gấp đôi, gấp ba. Nhiều lúc, tốc độ tăng giá của gạch còn cao hơn cả thép. Rõ ràng, đã có một tác động dây chuyền nào đó.
Về cầu kéo, nếu nhìn cả năm thì nhu cầu tiêu dùng năm 2008 so với các năm trước đó không thay đổi nhiều, nhưng giai đoạn 6 tháng đầu năm lại tăng khá cao, mặc dù giai đoạn này giá hàng hóa tăng.
Một đặc điểm nữa là năm nay, thị trường chứng khoán kém sôi động hơn trước, thị trường bất động sản cũng đóng băng nên một lượng tiền đã đổ vào thị trường hàng tiêu dùng, chuyển thành tích trữ hàng hóa, khiến giá hàng hóa tăng.
Tiền tệ thì đúng là nguyên nhân dẫn tới lạm phát trong năm 2008 vì năm 2007 trước đó, khi lượng USD vào nhiều theo kênh FII thì các ngân hàng đã phải đưa một lượng tiền mặt ra để đối ứng, giữ vững tỷ giá.
Nhưng mặt khác, động thái đó lại làm mất giá đồng tiền nội tệ. Sau này, Ngân hàng Nhà nước đã có một loạt động thái thu tiền về bằng tăng dự trữ bắt buộc, bán trái phiếu... nhưng cũng không thể thu ngay về được. Lượng tiền trong lưu thông còn rất lớn gây áp lực lạm phát.
Năm 2008, yếu tố tâm lý cũng có đóng góp đáng kể vào mức tăng của chỉ số giá...
Yếu tố tâm lý nổi lên ở mấy đợt sốt giá cả trong năm 2008, liên quan đến xi măng, sắt thép, đặc biệt là các lần sốt gạo. Riêng về sốt gạo, tôi có thể khẳng định là hoàn toàn do yếu tố tâm lý, vì nước ta là nước xuất khẩu gạo, không hề thiếu nguồn cung.
Cơn sốt gạo năm vừa qua phát đi từ Tp.HCM và lan ra cả nước. Trong thời điểm giá gạo tăng đột biến, tại Tp.HCM, có hiện tượng người dân tranh nhau đi mua gạo giá cao, thậm chí mỗi người chỉ được mua vài kg. Điều này càng kích thích giá cả tăng cao hơn.
Sau đó, cũng có một số biện pháp bình ổn lại, nhưng rõ ràng giá cả đã lên rất cao và ảnh hưởng từ giá gạo đã kéo theo hàng loạt hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo. Kết quả là vào tháng 5, chỉ số giá đã tăng cao nhất trong năm vừa qua, tới 3,91%.
Thêm vào đó là xăng dầu, theo chúng tôi thống kê được thì năm vừa qua, Nhà nước đã 15 lần điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó chỉ có hai lần tăng giá, 13 lần giảm giá. Tuy tăng giá hai lần nhưng biên độ điều chỉnh rất cao, nhất là lần điều chỉnh hồi tháng 7, tới gần 30%.
Giá xăng dầu tăng đã tác động mạnh đến nền kinh tế. Dầu diezen tăng thì các tầu đánh cá phải nằm bờ hết. Cứ thế, sản xuất bị đình đốn, hàng hóa ít đi, khó khăn trồng chất lên.
Một yếu tố nữa có thể đề cập thêm là thời tiết. Mặc dù các năm đều có bị ảnh hưởng của thời tiết đến các hoạt động kinh tế, thế nhưng năm vừa qua có quá nhiều diễn biến bất thường. Ví dụ như trận rét hồi đầu năm, hay cuối năm có trận lụt tại Hà Nội... đều là mấy chục năm mới có một lần, tác hại rất lớn.
Tháng 11, tại các tỉnh chỉ số giá đã xuống rồi thì Hà Nội vẫn tăng. Đây lại là trung tâm kinh tế, có sức lan tỏa mạnh. Chính vì thế thiệt hại càng nặng nề hơn.
Bất ngờ với giá giảm
Đối với giai đoạn sau này, khi chỉ số giá giảm thì như thế nào?
Việc chỉ số giá giảm, đối với cá nhân tôi cũng là điều bất ngờ. Chúng tôi cũng nghĩ là nó sẽ xuống, nhưng không nghĩ là xuống nhanh thế.
Sau 6 tháng đầu năm tăng rất cao, đến quý 3, chỉ số giá giảm tốc, chỉ còn tăng trên 1%, và đến tháng 9 thì chỉ tăng 0,18%. Lúc đó, chúng tôi nghĩ quý 4 có thể tăng nhẹ chứ không thể giảm được. Vì theo dõi những năm trước đây, xưa nay không bao giờ có chuyện giảm giá vào quý 4, nhất là các tháng 11 và 12.
Tháng 10 thì còn có thể vì thường là tháng 9 tăng cao do ảnh hưởng từ Tết Trung Thu, rồi ngày khai giảng, bố mẹ các em học sinh phải mua nhiều sách vở... theo biểu đồ chung thì tháng 9 lên cao, tháng 10 dịu xuống, rồi tháng 11, 12 lại tăng lên.
Nguyên nhân giảm này, chúng tôi cũng xem kỹ thì thứ nhất là chính sách tiền tệ thắt chặt có tác dụng kiềm chế lạm phát, nhưng hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp làm ra lại cũng không bán được, rất khó khăn, dấn tới giảm giá.
Nguyên nhân nữa là giá thế giới giảm. Nhiều loại hàng hóa đều bắt đầu giảm giá trong nửa cuối năm 2008, đặc biệt là giá dầu giảm rất mạnh, đến gần đây chỉ còn trên 40 USD, thậm chí có lúc dưới 40 USD/thùng.
Giá thép cũng giảm rất mạnh, rồi giá lương thực. Gạo, sau một thời gian tăng giá mạnh thì thế giới họ bắt đầu tăng sản xuất lên, đẩy giá gạo giảm. Việt Nam có chuyện lo mất an ninh lương thực thì giãn xuất khẩu.
Hơn nữa, sau những thiên tai hồi đầu năm, ta phải gieo cấy lại, cứ nghĩ có lẽ mất mùa nhưng năm nay lại được mua, nguồn cung thừa thãi khiến giá gạo xuống nhanh. Ngoài ế thừa do không xuất được, ta lại nhập khẩu gạo ngon qua Campuchia, khiến nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước càng giảm hơn nữa.
Một chuyện nữa liên quan đến thịt lợn, mặt hàng quan trọng trong tiêu dùng của người dân Việt Nam, có trọng số khá cao trong rổ hàng hóa tính CPI. Hồi đầu năm, giá thịt lợn tăng rất cao, nguyên nhân do dịch bệnh. Lúc đó, ta xuất mạnh lợn sữa sang Trung Quốc, nguồn cung càng thiếu.
Để bình ổn giá, Chính phủ cho nhập thịt về, sau đó thì hàng về quá nhiều. Giai đoạn sau này thì mặt hàng này lại kéo chỉ số giá đi xuống. Vì vậy, ngành chăn nuôi năm vừa qua cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi nhập khẩu thịt lợn, thịt gà...
Theo dõi các địa phương, trong khi nhiều nơi tăng vừa phải thì Tp.HCM tăng rất cao, và khi xuống thì cũng xuống mạnh. Ông có lý giải gì không?
Về câu chuyện này, chúng tôi có vào kiểm tra tại Tp.HCM thì đúng là như thế. TpHCM là một trung tâm lớn, nên sự lên xuống của chỉ số giá tại đây ảnh hưởng đến chỉ số giá chung.
Riêng năm vừa rồi, khi cả nước còn tăng vừa phải thì Tp.HCM lại tăng vọt hẳn lên. Có thể nói năm 2008, chỉ số giá tại Tp.HCM có sự đột biến lớn. Ngay so với các tỉnh xung quanh nó như Đồng Nai, Bình Dương... thì Tp.HCM luôn tăng cao hơn.
Chúng tôi cũng chưa tìm được nguyên nhân cụ thể, nhưng có thể cho rằng Tp.HCM là nơi phát luồng, là đầu tàu, nó sẽ đi trước. Trong đợt sốt giá gạo thì đúng là Tp.HCM tăng giá đầu tiên.
Cũng có thể cho rằng TpHCM nhanh nhạy thông tin hơn, hay có thế lực nào đó điều chỉnh giá thị trường... Chúng tôi có kiểm tra tính toán, rà soát lại thị trường thì đúng như thế, nó tăng cao thật.
Một hiện tượng nữa là CPI khu vực nông thôn tăng cao hơn khu vực thành thị...
Nhìn chung, khu vực nông thôn tăng cao hơn một chút. Điều này cũng đúng, vì với các gia đình ở nông thôn, trọng số tiêu dùng mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng nhiều nên khi tăng giá các mặt hàng này lại bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Người nông thôn thì thu nhập chủ yếu chỉ dành cho ăn thôi. Mặc dù trong quá trình tính toán chúng tôi đã loại bỏ phần tự sản tự tiêu, chỉ tính những gì họ mua trên thị trường.
Có thể dự báo được xu hướng
Có thể phát hiện sớm xu hướng tăng, giảm qua quy luật CPI không, thưa ông?
Nếu muốn theo dõi, phát hiện sớm thì phải căn cứ trên chỉ tiêu lạm phát cơ bản. Chỉ tiêu này cũng căn cứ trên chỉ số giá, nhưng có loại trừ các cú sốc ngẫu nhiên, đột biến, thời vụ... Ví dụ như có sốc về gạo vừa rồi là loại được theo một tỷ lệ quyền số, theo quy tắc.
Lạm phát cơ bản phải dùng dãy số rất dài, và có thể đánh giá được nguy cơ lạm phát là do cái gì, từ đấy có xu hướng dự báo được tương lai. Ví dụ thắt chặt tín dụng bây giờ thì độ trễ của nó đến bao lâu...
Hiện nay, chúng tôi đang cùng với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu về chỉ số này, đã 3 năm rồi, cũng khá là phức tạp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế có hỗ trợ về kỹ thuật, vừa rồi đã đưa ra được cách tính. Cố gắng trong năm nay làm được thì tốt.
Nhân nói về câu chuyện dự báo, tôi còn nhớ là tại thời điểm họp báo công bố số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2008, lãnh đạo Tổng cục Thống kê có đưa con số dự báo lạm phát năm 2008 khoảng 24%-25%, trái với nhiều người dự đoán là khoảng 30%...
Câu chuyện ấy, tôi còn nhớ lúc tháng 6, tháng 7, giá đã có xu hướng giảm dần. Nếu không bị trận sốt gạo hồi tháng 5 thì đúng là xu hướng đang xuống và nó bắt đầu từ tháng 4 trước đó. Chúng tôi giả định giá gạo tháng 5 chỉ tăng theo tỷ lệ như tháng 4 thì CPI tháng 5/2008 chỉ tăng 2,2% thôi.
Cho nên chúng tôi cho rằng trong 6 tháng đầu năm, CPI so tháng 12/2007 là 18,4%, thì giả định các tháng còn lại tăng khoảng hơn 1% mỗi tháng thì ra con số 24-25% ấy. Lúc đó, giá cả thế giới đang xuống, giá gạo xuống, chúng tôi cũng hy vọng 8 nhóm giải pháp của Chính phủ phát huy tác dụng vào những tháng tiếp theo.
CPI năm 2009, chỉ một con số
Theo ông, xu hướng giảm của 3 tháng cuối năm 2008 có kéo tiếp sang năm 2009?
Ngay tháng 1, tháng giáp Tết Nguyên đán, bình thường ra, thời điểm này đã sôi động rồi. Nhưng nếu nhìn thị tường tiêu thụ hiện nay thì chưa thấy sôi động lắm. Tp.HCM thì các phố kinh doanh người ta đi lại tấp nập hơn, không khí hơn một chút.
Theo dõi những năm gần đây thì thấy dịp Tết Nguyên đán, tiêu dùng vẫn tăng ghê đấy, nhưng thường là tăng mạnh vào những ngày cận Tết. Trước kia thì còn lo tích trữ, lo Tết tăng giá, hiện nay thì không còn như thế nữa. Bản thân tôi cũng nghĩ thôi cứ từ từ, sát Tết mua cũng được. Độ chục ngày nữa thì chắc thị trường Hà Nội sẽ tăng mạnh tiêu dùng.
Tháng 1 lấy số liệu đến ngày 15, như vậy là không nằm trong tháng có Tết, nhưng chắc chắn vẫn tăng chứ không thể không tăng được. Tôi dự báo tăng khoảng 0,5% gì đó. Còn tháng 2 là tháng có Tết thì có thể tăng đến 1% hoặc trên dưới một chút.
Nhìn rộng ra cả năm thì tôi nghĩ là dưới 10%. Với biến động thế này thì giá cả khó tăng đột biến được. Nhiều người thì dự báo khoảng 10-12%.
Với một số yếu tố như tồn kho khoảng 5% GDP, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt..., có thể cho rằng CPI năm 2009 vào khoảng 7-8% không thưa ông?
Không. Tôi không cho là như vậy. Sẽ cỡ khoảng 9% chứ không thể xuống nhanh đột ngột được. Nhưng cũng không biết thế nào, vì năm 2008 cũng là một năm đột ngột.
Nhưng dự báo dài thì khó, dự báo ngắn thì dễ hơn. Quý 1 chắc chắn tăng, vào khoảng 1,5%, theo cách ước tính là tháng 1 tăng 0,5, tháng hai 1%, tháng 3 có thể bẳng bằng hoặc giảm một ít.
Như thế là có thể quay về quy luật những năm trước 2008?
Tôi cũng hy vọng vậy. Vì năm 2008 là năm đột ngột quá, không theo quy luật gì cả.
Từ năm 2003-2004, giai đoạn bắt đầu có dịch SARS, CPI đã có dấu hiệu mất tính quy luật, nhưng đến năm 2007-2008 thì rõ nét hơn, tăng đột biến, vượt xa dự tính.
Năm nay, với đà suy thoái kinh tế thế giới, nước ta tăng trưởng cũng không thể cao, hàng hóa làm ra không bán được nhiều thì chắc chắn CPI không thể tăng cao được.