Theo ông Nguyễn Huy Tưởng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - người nông dân hiện phải sử dụng nguồn năng lượng điện chất lượng thấp với giá cao. Nếu theo đúng lộ trình, đến năm 2010, trên toàn TP.Hà Nội sẽ không còn tồn tại các hình thức trung gian, cai thầu điện. Nông dân sẽ được sử dụng điện có chất lượng đảm bảo với giá quy định.
Người dân đang phải mua điện giá cao
Theo UBND TP, hiện có 572 tổ chức quản lý điện nông thôn làm trung gian, mua điện của Cty điện lực TP và bán lại cho trên 537.133 hộ dân. Mặc dù công tác chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn đã hoàn thành được gần 5 năm, nhưng phần lớn các tổ chức, cá nhân đều không thực hiện đúng quy định.
Tính đến tháng 10.2008, có 353 tổ chức đã hết hạn giấy phép hoạt động điện lực. Hầu hết các tổ chức này đều chỉ được cấp phép tạm từ 1 - 2 năm, dù đã được thông báo nhiều lần, nhưng vẫn cố tình trì hoãn làm hồ sơ xin gia hạn giấy phép, cố tình hoạt động bất hợp pháp.
Hiện nay, giá bán điện sinh hoạt đến hộ nông dân phần lớn đều vượt mức giá trần 700/kWh. Thậm chí, có những địa phương như xã Phú Lương, quận Hà Đông có gần 2.000 hộ dân phải mua điện với giá 900đ/kWh, chưa kể các khoản đóng góp hàng tháng khác, thực chất giá điện người dân phải trả cho 1kWh còn cao hơn nhiều.
Huyện Hoài Đức có 20 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã làng nghề. Mỗi tháng, sản lượng tiêu thụ điện đạt khoảng 13,25 triệu kWh. Giá bán điện bình quân của Chi nhánh điện lực huyện Hoài Đức là 593đ/kWh. Từ nhiều năm nay, các cấp liên tục nhận được đơn khiếu nại của người dân ở khu vực này, vì họ phải mua điện giá từ 1.300đ/kWh - 1.600đ/kWh. Như vậy, phần chênh lệch giữa giá của điện lực huyện và giá người dân thực trả đã rơi vào tay trung gian, cai thầu điện.
Đứng đầu danh sách về thất thoát điện năng là các huyện của Hà Tây (cũ). Hệ thống đo đếm điện hiện đều do tư nhân, HTX dịch vụ điện năng, doanh nghiệp tư nhân... lắp đặt, hầu hết đều mua trôi nổi trên thị trường, không được kiểm định định kỳ. Vì vậy, tổn thất điện năng của các địa phương rất cao, từ 30-40%.
Theo ông Trần Đức Hùng - GĐ Cty điện lực HN - năm 2008 dự kiến mức tổn thất điện tại các huyện ngoại thành của Hà Nội sẽ khoảng 0,24 tỉ kwh - tương đương 168 tỉ đồng (trung bình 14 tỉ đồng/tháng).
Đến năm 2012, giảm tổn thất điện năng xuống dưới 8%
Trong đề án nói trên, TP.Hà Nội sẽ chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ thế tại 13 xã miền núi, với số vốn khoảng 75 tỉ đồng nhằm giảm tổn thất điện năng xuống dưới 8%. Sau khi đầu tư xong, giao cho Cty điện lực HN quản lý và bán điện trực tiếp cho các hộ dân. 78 xã sẽ được tiếp tục triển khai Dự án năng lượng nông thôn, với tổng mức đầu tư 348 tỉ đồng.
Đối với 214 xã, phường, thị trấn còn lại, Cty điện lực sẽ có trách nhiệm tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và tổ chức ký hợp đồng bán điện trực tiếp đến từng hộ dân, theo đúng giá quy định của Nhà nước và hoàn trả kinh phí đầu tư lưới điện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh điện trước đó.
Dự kiến, lộ trình và số xã sẽ được Cty điện lực chuyển giao từ năm 2008 đến 2012 là 260 xã - trong đó có 13 xã miền núi, 50 xã trong dự án năng lượng nông thôn giai đoạn 3 về cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp.