Từ đầu năm nay, giá bán lẻ 14 mặt hàng nhạy cảm như gạo, sữa, đường, phân bón, thuốc trừ sâu, cước vận tải, điện, nước... sẽ được giao cho doanh nghiệp quyết định, thay vì lâu nay do Chính phủ điều tiết.
Từ đầu năm nay, giá bán lẻ 14 mặt hàng nhạy cảm như gạo, sữa, đường, phân bón, thuốc trừ sâu, cước vận tải, điện, nước... sẽ được giao cho doanh nghiệp quyết định, thay vì lâu nay do Chính phủ điều tiết.
Tại Hội nghị triển khai pháp lệnh giá sáng 5/1 diễn ra tại TP HCM, Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho biết tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, việc quản lý giá sẽ thoáng hơn trong năm nay song nhà nước cũng giám sát chặt hơn để bình ổn thị trường.
Theo ông Thỏa, từ đầu năm, các doanh nghiệp kinh doanh những ngành hàng vốn do Chính phủ quyết định mức giá bán lẻ nay được tự quyết giá, có thể cao hơn giá quy định của Nhà nước nhưng không được quá cao và phải phù hợp với tình hình kinh doanh của đơn vị. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đăng ký giá với cơ quan quản lý Nhà nước, trong vòng 3-7 ngày nếu cơ quan quản lý không có ý kiến gì thì đơn vị được thực hiện giá đăng ký mới.
Ví dụ, Nhà nước sẽ không bao cấp một số tuyến xe buýt nội đô nữa mà cho đấu thầu kinh doanh vận tải. Giá nước cũng sẽ được điều hành theo hai nội dung: nước sinh hoạt cung cấp cho người dân sẽ do Nhà nước điều tiết giá, trong khi doanh nghiệp cung cấp nước dành cho sản xuất thì được quyết định mức bán. Cả cước vận tải xe buýt và giá nước điều chỉnh đều phải được sự đồng ý của UBND tỉnh, thành.
"Mô hình quản lý giá theo xu hướng mở nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng cho ngân sách và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào những lĩnh vực mà nhà nước chi phối giá cả đầu ra", ông Thỏa nói.
Trên thực tế từ năm 2008, Nhà nước đã "thả" mặt hàng xăng dầu cho doanh nghiệp tự quyết giá.
Theo vnexpress
btp