Từ quý 4/2008, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ được giảm ngay 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, 70% số thuế còn lại sẽ được giãn trong năm 2009.
Từ quý 4/2008, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ được giảm ngay 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, 70% số thuế còn lại sẽ được giãn trong năm 2009.
Vậy, đâu là các tiêu chí "phân loại" doanh nghiệp nằm trong diện giảm thuế?
Trả lời câu hỏi này khi trao đổi với báo giới bên lề hội nghị đánh giá công tác thuế năm 2008, diễn ra ngày 4/12 tại Hà Nội, Tổng cục phó Tổng cục Thuế Phạm Văn Huyến nói:
- Tiêu chí để đánh giá doanh nghiệp vừa và nhỏ được giảm thuế là vốn đăng ký kinh doanh dưới 10 tỷ đồng, sử dụng lao động bình quân dưới 300 người, đây là hai tiêu chí cơ bản.
Ngoài ra, đối với một số ngành, doanh nghiệp có khó khăn đặc thù, Chính phủ sẽ xem xét để quyết định loại hình doanh nghiệp được áp dụng ưu đãi miễn giảm hoặc giãn thuế. Bộ Tài chính sẽ có văn bản và sẽ hướng dẫn kịp thời, minh bạch để các cơ quan thuế thực hiện đúng và không gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Số giảm thu từ nguồn này đã được dự tính khoảng vài chục nghìn tỷ đồng.
Thế quy trình đánh giá là gì, thưa ông?
Bộ Tài chính sẽ có văn bản, sau đó Tổng cục Thuế sẽ triển khai một cách kịp thời, minh bạch để các cơ quan thuế thực hiện đúng và không gây khó khăn cho doanh nghiệp trên cơ sở những tiêu chí được xác định.
Việc giảm, giãn thuế đối với những doanh nghiệp khó khăn liệu có nảy sinh ra cơ chế xin cho và tiêu cực không?
Chúng tôi đã nhận thức được điều này và kiên quyết gạt bỏ việc xin cho cũng như cơ chế không rõ ràng dẫn đến việc nhiều người kể cả cán bộ thuế lợi dụng việc đó để làm khó cho doanh nghiệp hoặc tiêu cực.
Cụ thể chúng tôi sẽ đưa ra các tiêu chí minh bạch và hướng dẫn công khai trên các phương tiện để mọi đối tượng, doanh nghiệp kiểm soát và tự khẳng định mình có thuộc đối tượng hay không.
Nhưng được biết, giải pháp giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiêp cho các đối tượng doanh nghiệp này mới đang được Bộ Tài chính đề xuất, thưa ông?
Vấn đề giảm và giãn nợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội bàn thảo và đã được thể hiện trong nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ chỉ đưa ra các qui định hướng dẫn cụ thể.
Thực tế chính sách này chỉ chờ văn bản đưa ra, còn mức qui định này sẽ chính thức được áp dụng từ quý 4 năm nay. Năm 2009 sẽ tiếp tục áp dụng giảm 30% và giãn 70% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đối tượng đó; và có thể xem xét thêm lĩnh vực ngành và doanh nghiệp cần áp dụng cơ chế đó.
Quốc hội đã phê duyệt nhiệm vụ thu thuế đối với ngành thuế năm 2009. Cũng trong năm này, có nhiều chính sách thuế được điều chỉnh theo hướng giảm xuống, đặc biệt là việc giãn, giảm thuế trên. Vậy điều này có gây khó khăn cho ngành thuế?
Đúng là nhìn từ phía doanh nghiệp thì đây sẽ là thuận lợi lớn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất. Nhưng đối với ngành thuế thì đây lại là thách thức lớn, vì nhiệm vụ được giao của ngành thu năm 2009 là 300.000 nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, số nợ thuế năm 2009 tăng cao hơn so với năm 2008, do có nhiều doanh nghiệp khó khăn về tài chính nên thua lỗ, không có khả năng nộp thuế. Vậy Tổng cục Thuế đã thống kê số doanh nghiệp thua lỗ này là bao nhiêu?
Về số doanh nghiệp lỗ, hiện nay, tôi được biết theo phản ánh của các hiệp hội ngành và các địa phương thì hiện tượng này tương đối lớn, nhưng con số lỗ bao nhiêu thì phải chờ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 mới biết.
Hiện chưa có quyết toán nhưng chúng tôi đã dự báo năm nay sẽ khá cao, đơn cử như có rất nhiều doanh nghiệp thép đứng trên bờ phá sản, điều này đã rõ rồi.
Vậy số doanh nghiệp thua lỗ không có khả năng trả nợ thì sẽ xử lý như thế nào?
Đối với số nợ do các doanh nghiệp thua lỗ không có khả năng trả thì ở đây phải phân biệt: nếu là không có khả năng trả do hoạt động kinh doanh khó khăn thì theo pháp luật vẫn cứ phải ghi nợ và khi nào có điều kiện thì doanh nghiệp phải trả.
Còn nếu doanh nghiệp không hoạt động kinh doanh được, phải phá sản hoặc giải thể thì sẽ xử lý theo luật giải thể và phá sản.
Theo vneconomy
btp