Thêm một phiên giao dịch ảm đạm, nguồn vốn của thị trường đang khó khăn hơn khi không chỉ riêng khối ngoại rút ra.
Một tia khác biệt đã xuất hiện trong đợt 1 phiên hôm nay, khi VN-Index tăng điểm nhẹ, thêm 0,45 điểm. Có vẻ thị trường đang tìm đến những thông tin hỗ trợ từ những điều chỉnh mới của chính sách tiền tệ, sự trở lại của chứng khoán Mỹ.
Tuy nhiên, theo nhận định chung của một số công ty chứng khoán, những điều chỉnh của chính sách tiền tệ khó chuyển nhiệt cho thị trường ngay trong ngắn hạn, mà có tác động tích cực trong dài hạn. Thực tế, nguồn tiền được cung thêm vẫn chưa chảy mạnh vào nền kinh tế, cũng như với thị trường chứng khoán nói riêng; doanh nghiệp phải có độ trễ để tiếp cận lãi vay mới.
Một trong những thông tin quan tâm nhất hiện nay là khả năng lùi thời hạn đánh thuế thu nhập cá nhân, nhưng tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ cuối chiều qua, lãnh đạo Bộ Tài chính chính thức phủ nhận khả năng lùi đến 1/7/2009, và quyết định đang phụ thuộc vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể với thị trường, một điểm được quan tâm là khối lượng và giá trị giao dịch những phiên vừa qua. Chỉ số chung đã tăng điểm trong đợt 1 nhưng lượng chứng khoán khớp thành công lại chỉ vẻn vẹn hơn 1,4 triệu đơn vị. Và khi lực cầu chưa cải thiện, hướng đi lên của thị trường khó định hình. Từ đợt 2, VN-Index lại mất điểm, giảm 2,14 điểm. Chung cuộc, chỉ số này trượt dần về mốc 300 điểm, còn 306,22 điểm, giảm 1,23 điểm.
Toàn phiên khối lượng chỉ đạt 8,9 triệu đơn vị với 232,4 tỷ đồng giá trị. Trong đó, giao dịch khớp lệnh cũng chỉ nhỉnh hơn 8 triệu đơn vị và giá trị chưa vươn lên được mốc 200 tỷ đồng, chưa tạo được sự khác biệt so với phiên hôm qua (2/12). Thị trường đang ở những phiên ảm đạm nhất kể từ đầu năm.
Sự ảm đạm đó đi cùng với lo ngại về lực vốn thời điểm này. Trước hết, đó vẫn là chuỗi bán ròng triền miên của khối đầu tư nước ngoài trải dài từ tháng 10 trở lại đây; lượng mua vào có thêm một phiên co hẹp. Cụ thể, hôm nay khối ngoại chỉ mua vào 903.925 đơn vị với gần 45,5 tỷ đồng giá trị, trong khi bán ra 1.810.965 đơn vị với giá trị gần 66,3 tỷ đồng.
Trong giao dịch của khối ngoại, riêng trường hợp của Citigroup thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Tổ chức này tiếp tục thông báo bán ra, giảm dần tỷ lệ nắm giữ tại nhiều công ty niêm yết trong khoảng vài tháng trở lại đây. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC), đây có thể là kết quả của việc các nhà đầu tư nước ngoài ủy thác cho Citigroup tiến hành rút vốn.
Diễn biến giao dịch của khối ngoại hai tháng qua cũng đang củng cố thêm nhận định dòng vốn đảo chiều được đề cập nhiều thời gian qua. Đó là một chia sẻ đối với lực vốn của thị trường thời điểm này.
Bên cạnh đó, một nguồn vốn khác cũng tạm “rút” và đứng bên lề thị trường. Nếu các dòng vốn đầu cơ, “lướt sóng” từng thúc đẩy thị trường sôi động, thì trong những phiên ảm đạm này, là sự tham gia hạn chế, bởi khả năng “lướt” trở nên khó khăn.
STB hôm nay vẫn là đầu tàu về khối lượng, nhích lên hơn 1,4 triệu đơn vị, nhưng vẫn ở mức thấp so với những phiên trong tháng 11. FPT không còn có mặt trong Top 5 giao dịch mạnh, thay vào đó là SJS, SSI, chứng chỉ quỹ VFMVF1 và DPM.
Về giá chứng khoán, phiên này lượng mã tăng đã có thêm nhiều thành viên, có 47 mã tăng giá; trong đó tăng mạnh nhất là SFC, BMP, FBT, LGC, ACL… Đáng chú ý là một số cổ phiếu có ảnh hưởng lớn cũng đã tìm hướng trở lại, như FPT tăng nhẹ 500 đồng/cổ phiếu, HPG tăng 100 đồng/cổ phiếu, PVF tăng 200 đồng/cổ phiếu, VNM tăng 1.000 đồng/cổ phiếu… Ngoài ra DPM, VIC, VPL không còn níu kéo VN-Index, một số cổ phiếu lớn như VSH, KDC… cũng đã tăng giá nhẹ.
Nhưng lượng mã giảm vẫn là nhóm áp đảo trên sàn với 92 thành viên. Giảm giá mạnh nhất lần lượt là BPC, HSI, LSS, VTB, DHA… Những cổ phiếu lớn như STB, SSI, PPC, PVD, ITA… cùng giảm giá nhẹ.
Trên sàn Hà Nội, HASTC-Index hôm nay đã có phiên đảo chiều thành công. Đầu phiên chỉ số này tăng đáng kể, lên 105,5 điểm. Nhưng kết quả này phải trải qua thử thách giữa phiên, khi chỉ số giảm nhẹ. Kết thúc phiên, HASTC-Index ở mức 104,16 điểm, tăng 0,68 điểm.
Khối lượng giao dịch tại đây cũng có bước cải thiện đáng kể, đạt hơn 6,2 triệu cổ phiếu với 158,7 tỷ đồng giá trị. Lượng mã tăng tại đây cũng đã có 57 mã, còn lại 83 mã giảm, 22 mã giá không thay đổi.
ACB giá tiếp tục giảm nhẹ, khối lượng đã giao dịch mạnh lên với gần 1,2 triệu đơn vị nhưng dư bán vẫn khá lớn (trên 3,2 triệu đơn vị). Nhưng giao dịch mạnh nhất là VCG với 1,3 triệu đơn vị. Những mã giao dịch mạnh khác là KLS, KKC, PVI.
Tăng giá mạnh nhất là PSC, kịch trần thêm 1.400 đồng/cổ phiếu. VSP có mức tăng mạnh cả về tỷ lệ lẫn giá trị tuyệt đối, thêm 3.900 đồng/cổ phiếu. KBC là blue-chip có đà tăng nối tiếp từ đầu tuần, thêm 2.800 đồng/cổ phiếu…
Theo vneconomy