Tin ngành điện

Phát triển năng lượng mới và tái tạo: Cần có bước đi từ nhỏ đến lớn

Thứ sáu, 5/12/2008 | 11:11 GMT+7
Phát triển các nguồn năng lượng (NL) mới và tái tạo là một trong những mục tiêu cơ bản của Chiến lược phát triển NL quốc gia của Việt Nam (VN) đến năm 2020, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, VN phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn NL mới và tái tạo lên khoảng 5% tổng NL thương mại sơ cấp vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050.
Phát triển các nguồn năng lượng (NL) mới và tái tạo là một trong những mục tiêu cơ bản của Chiến lược phát triển NL quốc gia của Việt Nam (VN) đến năm 2020, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, VN phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn NL mới và tái tạo lên khoảng 5% tổng NL thương mại sơ cấp vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050.

Tính toán của GS.TS Bùi Huy Phùng, Viện Khoa học Công nghệ VN về vấn đề sử dụng NL tái tạo trong thời gian tới cho thấy, hàng năm phải xây dựng khoảng 500 MW nguồn NL này với khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư mỗi năm. Do vậy phải hết sức thận trọng khi tính toán đầu tư để đầu tư lĩnh vực nào cho hiệu quả, trong đó, phát triển NL địa nhiệt có cơ hội lớn hơn nhưng cần phải quy hoạch và có lộ trình phát triển bền vững.

Ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ NL (Bộ Công Thương) cho biết, VN có hơn 300 nguồn nước khoáng nóng có nhiệt độ bề mặt từ 30 độ C đến 105 độ C, tập trung nhiều tại khu vực Tây Bắc, Trung bộ. Tuy nhiên, do chưa có các nghiên cứu đầy đủ nên chưa có các đánh giá đúng về tiềm năng và khả năng khai thác nguồn NL địa nhiệt này, trong khi dự báo đến năm 2020 có thể phát triển khoảng 200MW.

Đối với NL mặt trời, do đặc thù nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, số giờ nắng trung bình khoảng 2000-2500 giờ/năm với tổng NL bức xạ mặt trời trung bình khoảng 150kCal/cm2.năm, tiềm năng lý thuyết được đánh giá khoảng 43,9 tỷ tấn dầu tương đương (TOE)/năm. NL mặt trời được sử dụng để cấp điện qua các tấm pin mặt trời, các thiết bị biến đổi quang năng thành nhiệt năng trong các bình đun nước, sấy nông sản… NL mặt trời hiện đã phát triển khá mạnh ở các tỉnh phía Nam.

Tiềm năng NL gió của Việt Nam cũng không nhỏ. Các dự án phong điện Phương Mai 2 (15MW) và Phương Mai 3 (50MW) đã được Công ty EDICO và Viện NL lập dưới dạng Trang trại điện gió. Ngoài ra, một số tua bin điện gió bố trí thành Cụm phong điện cũng được lập tại các hải đảo như Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Phú Quý (Bình Thuận)… Dự báo tổng công suất điện gió có thể phát triển đến năm 2025 có thể đạt tới 400-600 MW nếu được khuyến khích đầu tư.

Về NL sinh khối của VN vào khoảng 43-46 triệu TOE/năm, trong đó, 60% là NL gỗ củi và 40% là NL rơm rác, phụ phẩm nông nghiệp. Riêng NL khí sinh học, tiềm năng lý thuyết được đánh giá sơ bộ khoảng 0,4 triệu TOE/năm. Sử dụng khí sinh học đang ngày càng mở rộng tại những vùng nông thôn có chăn nuôi để tạo nguồn nhiệt năng sạch, trực tiếp dùng trong sinh hoạt gia đình của nhiều hộ nông dân.

Ngoài ra, VN còn là quốc gia có tiềm năng về Uranium. Theo đánh giá của các chuyên gia, trữ lượng Uranium của nước ta tập trung trong các mỏ đất hiếm (xấp xỉ 100.000 tấn) và trong cát kết (>100.000 tấn). Với trữ lượng này, nếu khai thác có khả năng đảm bảo nguyên liệu cho những lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất 2.000 MW hoạt động trong 40 năm.

Mặc dù tiềm năng sử dụng NL tái tạo ở nước ta khá dồi dào nhưng trên thực tế phát triển lại rất chậm và chưa tạo được thành tựu đáng kể đóng góp vào cân bằng NL quốc gia cũng như an ninh NL và an sinh xã hội cho đất nước.

Tại hội thảo ngành NL Việt Nam trước những tác động sau hai năm gia nhập WTO và yêu cầu phát triển bền vững do Bộ Công Thương phối hợp với Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức cuối tuần qua, nhiều chuyên gia phân tích: trong giá thành điện năng từ gió và ánh nắng mặt trời không có yếu tố nhiên liệu nên thành phần chính là giá thiết bị. Trong khi VN chưa chế tạo được hàng loạt các tuabin phong điện công suất lớn mà phải nhập khẩu hàng loạt thiết bị từ các nước G7 thì tất yếu giá thành điện năng sẽ không còn là 5 USC/kWh nữa mà sẽ đội lên khá cao bởi lãi suất của người cung cấp thiết bị, thuế xuất khẩu của nước chế tạo và giá trị chuyển giao công nghệ cho VN.

Dự kiến nếu được khuyến khích phát triển, có thể đưa công suất các dạng nguồn NL mới và tái tạo lên khoảng 3.500-4.000 MW vào năm 2025. Do vậy ứng dụng NL tái tạo ở Việt Nam chính là bước đi đúng và thích hợp. Điều quan trọng hiện nay là lựa chọn hướng phát triển như thế nào cho phù hợp ?

Các dạng NL mới và tái tạo hiện chưa được đánh giá đầy đủ bởi vậy cần có kế hoạch và đầu tư thích đáng cho điều tra bổ sung các số liệu, tiến tới quy hoạch, phân vùng các dạng NL này để có kế hoạch đầu tư, khai thác hợp lý. Song song với đó, nhà nước cần hỗ trợ đầu tư cho các chương trình điều tra, nghiên cứu, chế thử, xây dựng các điểm điển hình sử dụng NL mới và tái tạo cũng như có chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị và bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật có giá trị.

Các nhà khoa học cho rằng không nhất thiết phải xây dựng các nhà máy điện gió tập trung công suất lớn. Điện gió và NL mặt trời cần được khuyến khích phát triển dưới hình thức phân tán là chủ yếu, dùng vào giải quyết nhu cầu điện ánh sáng và điện sinh hoạt + sản xuất nhỏ tại chỗ ở những nơi vốn có gió và nắng. Việc phát triển nguồn NL này cũng phải đi từ nhỏ đến lớn, từ thí điểm đến mở diện rộng, phù hợp với điều kiện thời tiết của VN.

Theo Bộ Công Thương, cùng với việc lồng ghép sử dụng NL mới và tái tạo vào chương trình tiết kiệm NL và các chương trình mục tiêu quốc gia khác như điện khí hoá nông thôn, trồng rừng, xoá đói giảm nghèo, nước sạch, VAC…, cần khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở thích hợp để sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các loại thiết bị NL mới như đun nước nóng, thuỷ điện nhỏ, hầm khí sinh vật… ở nhưng nơi có điều kiện. Bên cạnh đó, hợp tác mua công nghệ của các nước đã phát triển để lắp ráp các thiết bị công nghệ cao như điện gió, pin mặt trời…, tiến tới lắp ráp và chất tạo trong nước.

Một giải pháp không kém phần quan trọng để phát triển nguồn NL mới và tái tạo trong những năm tới chính là tăng cường tuyên truyền sử dụng các nguồn NL này để cấp cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, đặc biệt là xây dựng cơ chế quản lý để duy trì và phát triển các nguồn điện ở những khu vực này./.

btp