Đã hơn 1 tháng Thanh tra y tế vào cuộc kiểm tra hoạt động các phòng khám đông y Trung Quốc, song kết quả ra sao vẫn chưa được công bố. Cùng thời điểm này, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chính thức công bố hàng loạt những sai phạm của các phòng khám đông y Trung Quốc tại Hà Nội.
Đã hơn 1 tháng Thanh tra y tế vào cuộc kiểm tra hoạt động các phòng khám đông y Trung Quốc, song kết quả ra sao vẫn chưa được công bố. Cùng thời điểm này, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chính thức công bố hàng loạt những sai phạm của các phòng khám đông y Trung Quốc tại Hà Nội.
Phát hiện hàng loạt sai phạm
Khảo sát mới đây của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tại 23 phòng khám đông y Trung Quốc (PKĐYTQ) cho thấy, hầu hết các phòng khám này đều mắc sai phạm là các bác sĩ (BS) Trung Quốc hành nghề chưa được cấp phép của Bộ Y tế.
Kiểm tra phòng khám Trường Giang Trung Quốc - 709 đường Giải Phóng, có 2 BS Trung Quốc không có giấy phép hành nghề. Phòng khám đông y Hoa Việt - 601 đường Giải phóng, có 1 BS Trung Quốc hành nghề không phép. Phòng khám đông y Việt Trung - 77 đường Giải Phóng có 1 BS người Việt Nam sử dụng giấy phép hành nghề đã hết hạn.
Tại phòng khám đông y Trung Quốc - 62 Đại Cồ Việt 100% vốn nước ngoài phát hiện 4 người Trung Quốc thì chỉ có 1 BS khám bệnh đã được phép và là chủ phòng khám, 1 phụ tá chưa xuất trình được giấy tờ liên quan, 1 người làm quản lý và 1 người thu ngân chưa xuất trình được quyết định phân công và giấy phép lao động.
Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội còn phát hiện một sai phạm nghiêm trọng tại PKĐYTQ - 298 Nguyễn Trãi sử dụng loại thuốc đông y đã bị mốc, mối mọt và hàng loạt các sai phạm khác cũng đã được phát hiện như: Treo biển hiệu không đúng quy định, không niêm yết giá dịch vụ y tế, bán thuốc giá cao hơn niêm yết, không có đơn thuốc bằng tiếng Việt...
|
Phòng khám này chỉ có 1 BS Trung Quốc được cấp phép. |
Ngành y tế chưa công bố
Sau khi báo chí phản ánh rầm rộ về sự hỗn loạn của các PKĐYTQ, Đầu tháng 11.2009, Thanh tra Bộ Y tế cùng sở y tế các thành phố lớn đã thành lập các đoàn thanh - kiểm tra để tiến hành kiểm tra đột xuất các PKĐYTQ nhưng cho đến nay kết quả kiểm tra đó như thế nào chưa được công bố chính thức.
Trong khi đó, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội sau khi thanh - kiểm tra, đã công bố hàng loạt những sai phạm của các PKĐYTQ. Thật bất ngờ, một cơ quan không phải quản lý chuyên ngành y tế đã đưa ra những thông tin mà người dân đang chờ đợi.
Vậy ngành y tế đang ở đâu và đang làm gì? Chỉ biết rằng, ngày 10.11 đoàn kiểm tra đã “âm thầm” đi kiểm tra một số PKĐYTQ trên địa bàn Hà Nội mà không cho báo chí đi cùng, với lý do sợ “lộ”. Thế nhưng, trước đó Bộ Y tế đã tung ra thông tin kiểm tra các PKĐYTQ. Việc này chẳng khác nào “đánh rắn động cỏ” cho các phòng khám. Chính vì thế mà việc kiểm tra đã gặp khó khăn như một số phòng khám đóng cửa tạm nghỉ, đặc biệt là những phòng khám được báo chí phản ánh đã thông báo tạm nghỉ vài ngày, như phòng khám 455 đường Giải Phóng.
Một số phòng khám khác quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được kiểm tra, nhưng những thông tin quảng cáo đó đúng hay sai phải đợi đoàn thanh tra thẩm tra lại. Đến cuối ngày 10.11, thông tin chính thức về ngày kiểm tra này đã không được Bộ Y tế thông báo. Đại diện Thanh tra Bộ Y tế trả lời rằng: Kết quả kiểm tra các PKĐYTQ sẽ được Bộ Y tế thông báo sau khi quá trình kiểm tra kết thúc.
Cho đến ngày 15.12, Thanh tra Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra một thông tin nào về việc kiểm tra các PKĐYTQ. Người dân đã đặt dấu hỏi nghi ngờ, vì sao các PKĐYTQ đã tồn tại từ lâu, thì việc kiểm tra phải được Bộ Y tế tiến hành thường xuyên chứ không phải khi các phương tiện thông tin đại chúng “bới” ra rồi, bộ mới chỉ đạo các đơn vị vào cuộc.
Hà Nội có nhiều PKĐYTQ nhất
Cả nước hiện có 62 bác sĩ đông y Trung Quốc đang tham gia hành nghề khám - chữa bệnh tại 54 cơ sở y học cổ truyền ở Việt Nam. Trong đó, Hà Nội là nơi có nhiều phòng khám nhất : 21 cơ sở với 23 bác sĩ. Tại TPHCM có 4 cơ sở, với 6 bác sĩ. 29 cơ sở cùng 33 bác sĩ còn lại đang hành nghề ở các địa phương khác trong cả nước.
Sở Y tế phải chịu trách nhiệm về hoạt động các PKĐYTQ
Ông Phạm Vũ Khánh - Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho rằng: Việc các PKĐYTQ hoạt động không đảm bảo chất lượng và nền nếp, sở y tế các địa phương phải có trách nhiệm vì từ năm 2007 Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về việc này cho các sở. Ngay từ tháng 8.2009, Vụ Y dược cổ truyền đã có công văn nhắc nhở các sở y tế trong cả nước. Ông Khánh khẳng định, việc “can thiệp” vào tình hình các PKĐYTQ của Vụ Y học cổ truyền là không chậm.
(Theo báo lao động số 288)
btp