Theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/6/2011, giá bán điện sẽ được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Đây là quyết định được mong đợi từ lâu nhằm đưa giá điện ngày càng công khai và minh bạch, chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, để giá điện thực sự vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn không ít khó khăn.
Điện phải được coi như các loại hàng hóa khác
Theo các chuyên gia, hiện nay giá bán điện của Việt Nam đang thấp một cách không hợp lý và chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện. Trong khi giá phát điện của các nguồn điện mới đã tới 7-8 cent, thậm chí giá điện gió lên tới 12 cent/kWh thì giá điện bán lẻ ở Việt Nam theo tỷ giá đầu năm 2010 là 5,3 cent/kWh, với tỷ giá hiện nay thì chỉ còn hơn 4 cent/kWh. Giá điện rẻ không phải do ngành điện cân đối được thu chi mà do chính sách giá hiện nay đã bao cấp cho cả xã hội, kể cả người giàu và các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó đã hạn chế sự thu hút đầu tư vào ngành điện. Hậu quả là tình trạng thiếu nguồn điện kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Giá bán điện thấp cũng khiến nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến việc đổi mới công nghệ, thậm chí đưa công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, việc vận hành giá điện theo cơ chế thị trường nhằm mục tiêu đưa giá điện tiến tới mức hợp lý để thu hút đầu tư vào các dự án điện, có đủ nguồn điện cung cấp cho nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng chính là cơ sở để tiến hành tái cơ cấu ngành điện, từng bước thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh ở những bước tiếp theo.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, với trách nhiệm bình ổn, điều tiết thị trường và trợ giúp cho nền kinh tế, nhiều năm nay EVN vẫn phải kinh doanh điện trong điều kiện chi phí đầu vào phụ thuộc vào giá thị trường, đầu ra là giá điện bao cấp theo khung giá trần do Chính phủ quy định. Vì vậy, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của EVN chỉ bằng 1-2%, điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến bức tranh tài chính của EVN. Kể cả khi đã tăng giá bán điện bình quân lên 15,28% từ 1/3 vừa qua, năm 2011, EVN vẫn phải tiếp tục chịu lỗ thêm 3.366 tỷ đồng, đưa tổng mức nợ treo lại sau khi tăng giá điện là 41.851 tỷ đồng. Đó cũng là lý do từ năm 2003 đến nay, chúng ta không có thêm dự án BOT nào lớn của nước ngoài đầu tư vào ngành điện. Hệ lụy của nó là tình trạng thiếu điện triền miên, chất lượng cung ứng điện thấp. Vì vậy, đã đến lúc phải nhìn nhận giá bán điện như giá bán các loại hàng hóa khác. Nếu giá bán điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư tạo ra nhiều nguồn điện mới, đủ cung cấp cho phát triển kinh tế - xã hội thì lợi ích còn lớn hơn nhiều so với định giá bán thấp mà thiếu điện. Đồng thời giúp nâng cao ý thức sử dụng điện một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn từ người dân đến các doanh nghiệp.
Giá bán điện được điều chỉnh theo giá nhiên liệu, tỉ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát
Theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg, giá bán điện bình quân được xác định theo nguyên tắc tính bình quân cho 1kWh điện thương phẩm, bao gồm 4 thành phần: giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, chi phí điều hành-quản lý dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Các yếu tố này có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm cho phù hợp với thị trường. Thực tế, giá bán điện phụ thuộc chủ yếu vào giá nhiên liệu, tỉ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát. Như vậy, việc công khai, minh bạch các yếu tố trên đã được thể hiện rõ, như: giá nhiên liệu và tỉ giá ngoại tệ được tính toán theo giá niêm yết tại thời điểm tính toán. Việc huy động các nhà máy để phát điện lên hệ thống sẽ thực hiện theo nguyên tắc đơn vị nào có giá chào thấp hơn sẽ được huy động trước. Các nhà máy điện nhỏ đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN sẽ vẫn phát điện theo hợp đồng đã ký. Khi đã có thị trường chính thức sẽ có những quy định công khai để các nhà sản xuất đều có thể tham gia chào giá. Cơ cấu sản lượng điện phát phải căn cứ vào kế hoạch phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt. Hàng năm, EVN phải báo cáo Bộ Công Thương, Bộ tài chính giá thành sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và giá bán điện của năm tài chính. Căn cứ vào số liệu quyết toán, kiểm toán và kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật của EVN, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quyết định việc điều chỉnh giá bán điện. Quỹ bình ổn giá điện sẽ được hình thành dưới sự quản lý của Bộ Tài Chính và đước ử dụng vào mục đích bình ổn giá bán điện, giảm thiểu tác động bất lợi của việc điều chỉnh giá điện đến đời sống sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Tăng cường khuyến khích tiết kiệm điện
Quyết định đưa giá điện vận hành theo cơ chế thị trường được coi như tháo gỡ “nút thắt” về giá điện, giải quyết được căn bản những nguyên nhân tồn tại như thu hút vốn đầu tư, thiếu điện, tổn thất, lãng phí điện năng, sự chậm trễ trong đầu tư các dự án điện…. Tạo điều kiện đưa ngành điện vào cạnh tranh minh bạch và hiệu quả hơn, đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chủ động tính toán để thay đổi công nghệ, cách thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thực tế hiện nay, việc sử dụng điện ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp, địa phương còn lãng phí tới 15-20%, tương đương từ 1.500-2.800 MW/năm. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài như sản xuất sắt, thép, xi măng tranh thủ giá điện thấp đã đem công nghệ lạc hậu tiêu thụ điện cao đến Việt Nam, vừa gây hao tốn điện, vừa gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, do giá điện rẻ hơn các loại nhiên liệu khác như than, củi, khí, gas nên nhiều hộ gia đình đã chuyển sang dùng điện để đun nấu, góp phần làm phụ tải gia tăng đột biến, nhất là vào giờ cao điểm. Đối phó với tình trạng này, EVN phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu có giá thành cao để cung ứng điện cho xã hội khiến cho cân đối tài chính của EVN ngày càng gặp khó khăn hơn.
Việc đưa giá điện vận hành theo cơ chế thị trường là rất cần thiết, tuy nhiên, vấn đề nhiều người quan tâm là có thể có thị trường điện thật sự không khi cơ quan mua bán điện duy nhất vẫn thuộc quyền quản lý của EVN?. Trong điều kiện “bão giá” hiện nay, liệu giá điện có được thả nổi và “phi mã” để theo kịp thị trường hay không?. Khi đó thì vấn đề hỗ trợ giá điện cho người nghèo sẽ được thực hiện như thế nào? Về vấn đề này, Thứ Trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, để tiến tới thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo phải trải qua một quãng đường dài. Trong điều kiện cầu đang lớn hơn cung thì rất khó thể hiện được bản chất cạnh tranh của thị trường. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần chuẩn bị từ bây giờ để đến khi có đủ điều kiện cho thị trường phát điện cạnh tranh, chúng ta sẽ thực hiện nó một cách thực sự có hiệu quả. Trong đó, việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, tái cơ cấu ngành điện… là những bước đi quan trọng. Là doanh nghiệp nhà nước, EVN vẫn phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước và có trách nhiệm bảo đảm lợi ích cho xã hội. Nhà nước sẽ tính toán một cách hợp lý nhất sao cho có lợi cho xã hội, cho người dân và cho đất nước.
(Theo trang thông tin ngành điện)