Chuỗi thực phẩm an toàn sau 2 năm thực hiện cũng chỉ phục vụ cho... người giàu. Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận đã kêu gọi người dân tố giác các cơ sở sản xuất mất vệ sinh. Nhưng dư luận đang thắc mắc, đến bao giờ Việt Nam mới có chế tài mạnh để “trảm” sạch các cơ sở này...
Khó kiểm soát nguồn gốc thực phẩm
Thống kê của ngành y tế cho thấy, trong năm 2010, toàn TPHCM có 700 nạn nhân trong 13 vụ ngộ độc tập thể phải nhập viện cấp cứu do ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Số liệu trên chưa phản ánh thực chất, vì đây là những ca trong các vụ ngộ độc có đông người bị, trên thực tế, các ca ngộ độc lẻ tẻ cấp cứu đến BV hằng ngày chắc chắn chiếm số lượng không nhỏ.
|
Cơ sở sản xuất chưa tuân thủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn nhan nhản tại TPHCM. Ảnh: Võ Tuấn |
Mối lo ngại hiện nay chính là nguồn gốc các loại rau củ quả, thuỷ - hải sản hằng ngày nhập về các chợ đầu mối tại TPHCM. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM, lượng rau, củ quả được trồng trên địa bàn TP chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Gần 80% lượng rau, củ quả còn lại được cung cấp từ các tỉnh, thành lân cận và từ Trung Quốc. Mỗi ngày, lượng rau, củ quả từ các tỉnh, thành tập trung tại 3 chợ đầu mối để phân phối từ 1,5-2 triệu tấn. Trong số đó, chỉ có khoảng 20-30% xác định được nguồn gốc. Số còn lại đành thả nổi...
Qua công tác giám sát dư lượng thuốc trừ sâu bằng cách test nhanh trong 4.500-5.000 mẫu rau, củ quả cho thấy, dư lượng thuốc trừ sâu vẫn còn 3,9%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đức Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM - đây cũng chỉ là con số trên lý thuyết, còn thực tế thì cao hơn nhiều.
Thực phẩm an toàn đến bữa ăn gia đình: Chưa biết bao giờ!
Để bảo vệ người tiêu dùng, cách đây 2 năm, TPHCM đã xây dựng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, theo Sở Y tế TPHCM, mô hình chuỗi này đang được triển khai nhưng chiếm thị phần rất thấp. TS BS Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế - cho biết, một chuỗi thực phẩm chỉ an toàn khi có sự phối hợp quản lý chặt chẽ từ nuôi trồng, đánh bắt, lưu thông, chế biến... Mỗi công đoạn đều chứng minh được nguồn gốc sản phẩm. Hai năm qua, TPHCM đã xây dựng và công nhận được chuỗi trứng, chuỗi rau củ quả và chuỗi thịt heo an toàn.
TP cũng đang xây dựng và thẩm định chuỗi trà, chuỗi thuỷ sản, chuỗi trứng... an toàn. Cụ thể, chuỗi thực phẩm an toàn như: Trứng gà năng suất 800.000 quả/ngày, rau củ quả năng suất 2 tấn/ngày, thịt heo năng suất khoảng 2.000kg/ngày. Với số lượng ít ỏi trên, các sản phẩm thuộc chuỗi an toàn cũng mới chỉ cung cấp cho các khách sạn 5 sao, không đủ đáp ứng nhu cầu các siêu thị, bếp ăn tập thể trong các trường học.
|
Khó mà kiểm soát được nguồn gốc rau củ quả hiện nay. Ảnh: K.A |
Nhiều ý kiến cho rằng, chuỗi thực phẩm an toàn hiện nay chỉ phục vụ cho... người giàu. Trong khi đó, những nơi có nguy cơ ngộ độc cao như trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất... với các đối tượng ảnh hưởng trực tiếp là học sinh, sinh viên, công nhân thì vẫn phải đối mặt với sản phẩm không an toàn. Đó là chưa kể đến các cơ sở chế biến, cung cấp mua thực phẩm rẻ, ôi thiu về để chế biến.
Trước mắt, khi chuỗi thực phẩm an toàn chưa đến được từng bữa ăn trong gia đình, thì TP khuyến cáo người dân từ chối mua những sản phẩm kém chất lượng, chỉ sử dụng thực phẩm tại các điểm bán được cấp phép, rõ nguồn gốc, có uy tín và kêu gọi mọi người tích cực tố giác các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm - nhận định: “Việc người dân ham giá rẻ, sử dụng những mặt hàng không rõ nguồn gốc, đã “tiếp tay” cho các loại thực phẩm kém chất lượng tồn tại trên thị trường”.
Được biết, từ ngày 15.4, chi cục tiến hành thanh - kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm, đơn vị chế biến thức ăn tập thể, chợ đầu mối trên địa bàn. Đoàn thanh tra sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những doanh nghiệp không chấp hành Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.
(Theo báo lao động)