Điều tưởng chừng như không thể đã xảy ra, Vn-Index chọc thủng đáy cũ 366 điểm và đang lần dò đáy mới, bất chấp những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô.
Những tưởng giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã qua đi khi chỉ số chứng khoán sàn TP HCM chạm đáy 366 điểm ngày 20/6. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng tích lũy với nhiều hy vọng bứt phá lên mốc 500, Vn-Index lại phủ sạch những nỗ lực ấy để xuyên thủng đáy cũ, rơi tõm xuống mức mà ít nhà đầu tư ngờ tới, 345,11 điểm, thấp nhất kể từ đầu năm. Liệu số vốn này tuần sau có bị xén bớt hay được bồi thêm vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Đi hết tuần với những phiên trượt dốc gần hết biên độ cho phép, ngoại trừ phiên đảo chiều ngày 21/10, tổng quỹ Vn-Index vơi gần 38 điểm, nhanh chóng phá đáy 366 và đang lần dò đáy mới. Qua 5 ngày giao dịch, có tổng cộng 69,8 triệu chứng khoán chuyển nhượng thành công (giảm nhẹ so với tuần trước), tương ứng 2.442 tỷ đồng. Như vậy, thanh khoản không bị co lại nhiều dù điểm số Vn-Index "bốc hơi" hơn 30 điểm.
Song song cùng diễn biến thị trường trong tuần là thông tin từng được mong chờ nhất, lãi suất cơ bản xuống còn 13% một năm, nhà băng được thanh toán tiền mua tín phiếu trước hạn, tăng gấp đôi lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc. Lãi suất cho vay ngay lập tức rớt xuống gần 16%, góp phần tháo dỡ áp lực vốn vay cho doanh nghiệp. Ngoài ra, tốc độ tăng lạm phát của hai thành phố lớn TP HCM và Hà Nội cho những tín hiệu khả quan khi tiếp tục hạ nhiệt. Thế nhưng, Vn-Index gần như "vô cảm" trước các thông tin ấy để trượt dài trên con dốc giảm điểm.
Ngoài ảnh hưởng tâm lý từ thị trường chứng khoán toàn cầu, nguyên nhân khiến nhà đầu tư chùn tay gom vào thời điểm này chính là động thái xả ra ở phần lớn các mã của nhà đầu tư nước ngoài. Qua đó, cơ cấu lại danh mục và thu hồi vốn về tập đoàn mẹ ở chính quốc đang lao đao vì cuộc khủng hoảng tài chính. Đây là tác nhân ảnh hưởng mạnh nhất đến thị trường ngoại tệ trong tuần, khiến tỷ giá liên ngân hàng nhích lên, đôla chợ đen phá mốc 17.000 đồng.
Các cổ phiếu xả ra của khối ngoại lại tập trung chủ yếu vào blue-chip như DPM, FPT, ITA, PPC, VNM... vốn là đối tượng nhắm đến trước đây. Bình quân mỗi phiên lượng bán ra đạt 2,5 triệu chứng khoán, trong khi mua vào chưa đến 1 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ.
Một điểm đặc biệt trong tuần là lượng giao dịch trái phiếu cao gấp đôi so với tuần trước, với hơn 6,85 triệu, đạt giá trị 591 tỷ đồng. Trưởng phòng phân tích Hoàng Thạch Lân, công ty chứng khoán SME cho biết, nhà đầu tư nước ngoài bán trái phiếu trong nhiều ngày liền, thậm chí dưới mệnh giá 100.000 đồng dấy lên e ngại cho nhà đầu tư trong nước về triển vọng kinh tế sắp tới của Việt Nam. Tuy nhiên, việc bán ra này cũng dễ hiểu khi các quỹ gặp khó khăn về tài chính. Theo VAFI, động thái này của khối ngoại không ảnh hưởng đến vĩ mô cũng như cán cân thanh toán ngoại tệ khi trị giá trái phiếu ngắn hạn mà khối ngoại nắm giữ không nhiều (còn lại khoảng 2 tỷ đôla).
Ngoài ra, các báo cáo tài chính quý III của doanh nghiệp cũng đã lộ diện ở mức khả quan. Chuyên gia Lê Đạt Chí (Đại học Kinh tế TP HCM) cho rằng, đây là một tín hiệu tốt cho xu hướng chứng khoán trong thời gian tới. Tuy nhiên, lợi nhuận này có thật sự bền vững và tiếp tục duy trì trong quý IV là điều mà thị trường đang kỳ vọng. Do vậy, nhà đầu tư cần nhận diện rõ nội dung thông tin từ bản báo cáo để cân nhắc đầu tư vào những cổ phiếu tiềm năng trong giai đoạn này.
Trải qua một tuần không mấy thuận lợi, HaSTC-Index của sàn Hà Nội có 4 phiên đi xuống, với 1,74 điểm mất đi, hiện đang hãm phanh ở 111,58, cách đáy cũ của ngày 20/6 có 1,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trong tuần đạt 37,2 triệu chứng khoán, xấp xỉ so với tuần trước, trị giá 1 nghìn tỷ đồng.
Theo vnexpress