Tin ngành điện

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm 10%

Thứ tư, 8/7/2009 | 14:14 GMT+7
Ngày 7.7, theo thống kê sơ bộ của Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt 27,6 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2008 và bằng 42,6% kế hoạch năm.

Ngày 7.7, theo thống kê sơ bộ của Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt 27,6 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2008 và bằng 42,6% kế hoạch năm.

Trong đó, XK của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt hơn 13,55 tỉ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2008; các DN vốn đầu tư trong nước XK gần 14 tỉ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2008.

Nhiều mặt hàng phải chịu giảm giá

Về hàng hóa, đã có một số mặt hàng chủ lực có giá trị XK cao hơn so với cùng kỳ năm 2008 là: Gạo, chè, sắn và sản phẩm sắn, tàu thủy, vàng, sản phẩm từ thủy tinh, sản phẩm hóa chất...

Một số mặt hàng có khối lượng tăng khá so với cùng kỳ năm 2008, nhưng do giá cả giảm nên giá trị XK vẫn đạt thấp như: Càphê, hạt tiêu, hạt điều, dầu thô và thủy sản...

Nhìn chung, giá cả hàng hóa XK những tháng đầu năm vẫn còn ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2008. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến kim ngạch XK năm nay giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tính sơ bộ, giá cả hàng hóa XK 6 tháng đầu năm đã giảm trung bình 24% so với cùng kỳ năm 2008 làm cho kim ngạch XK chung giảm tới 8,7 tỉ USD.

Ngược lại, nhờ có khối lượng một số mặt hàng XK tăng, đã góp phần làm cho kim ngạch XK tăng trên 18%, tương đương với giá trị XK tăng 5,6 tỉ USD. Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm tới 3,1 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2008.

Về nhóm hàng XK, kim ngạch XK của nhóm nông - lâm - thuỷ sản trong 6 tháng 2009 ước đạt 6,08 tỉ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2008 và chiếm tỉ trọng 22% kim ngạch XK. Lượng XK của hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng mạnh như càphê đạt 736 nghìn tấn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2008; gạo đạt 3,8 triệu tấn, tăng 56,2%. Nhưng do giá XK bình quân của các mặt hàng nông sản đều giảm, làm cho XK nhóm hàng này giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, giá điều giảm 17%, giá càphê giảm 28%, hạt tiêu giảm 17%, gạo giảm 21%, caosu giảm 44%.

Nhóm khoáng sản ước đạt 4,41 tỉ USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2008 và chiếm tỉ trọng 16%. Trong nhóm này, đáng chú ý là lượng XK dầu thô tăng 23,4%, nhưng do giá XK giảm 53%, nên trị giá XK giảm 42%; mặt hàng than đá giảm cả về lượng và trị giá đã làm cho XK nhóm hàng này giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Những tín hiệu đáng mừng


Một tín hiệu khá tích cực đó là kim ngạch một số mặt hàng chủ lực đang có xu hướng tăng qua các tháng. Mặt hàng dệt may do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới trong những tháng đầu năm, nên thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.

Sang các tháng 5 và 6, ngành dệt may đã có dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt trong tháng 6, nhiều DN đã ký được hợp đồng XK đến hết năm 2009. Kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 4 tỉ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng như ngành dệt may, sang quý II, sản xuất của ngành da giày đã có dấu hiệu hồi phục. Kim ngạch XK giày dép các loại 6 tháng đầu năm mặc dù chỉ đạt hơn 2 tỉ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ, nhưng tín hiệu đáng quan tâm là XK của ngành da giày sang thị trường Hoa Kỳ tăng khoảng 9% so với cùng kỳ.

Kim ngạch NK trong tháng 6.2009 ước đạt 5,9 tỉ USD, tuy có giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng lại tăng hơn 4,1% so kết quả thực hiện được trong tháng 5, đây là tháng có kim ngạch NK cao nhất từ đầu năm đến nay. Tính chung, kim ngạch NK 6 tháng đầu năm 2009 đạt gần 29,7 tỉ USD, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2008.

Nhập siêu về hàng hóa 6 tháng đầu năm ở mức thấp, chủ yếu do mới phát sinh từ đầu quý II đến nay. Nhập siêu 5 tháng đầu năm 2009 ở mức 908 triệu USD, sang tháng 6 ước tính có thể đạt khoảng 1,2 tỉ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2009, tổng mức nhập siêu về hàng hóa là 2,1 tỉ USD, bằng 14,7% mức nhập siêu 6 tháng đầu năm 2008.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2009 mức nhập siêu chỉ bằng 7,6% kim ngạch XK, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước là 46,8%.

(Theo báo lao động số 151)

 

btp