Tin ngành điện

Buôn lậu được bảo kê?

Thứ ba, 7/7/2009 | 13:22 GMT+7
Chất lượng vượt trội, giá rẻ hơn 25.000đ/bao (50kg)..., đường ngoại nhập lậu đang ồ ạt tràn qua biên giới tỉnh An Giang, đi sâu vào nội địa phục vụ nhu cầu đón Tết Trung thu.

Chất lượng vượt trội, giá rẻ hơn 25.000đ/bao (50kg)..., đường ngoại nhập lậu đang ồ ạt tràn qua biên giới tỉnh An Giang, đi sâu vào nội địa phục vụ nhu cầu đón Tết Trung thu.

Trong khi đó, dù rất rõ hình trạng của đầu nậu và phương thức, thủ đoạn vận chuyển đường lậu, nhưng lực lượng chống buôn lậu vẫn đấu tranh không có hiệu quả vì trong nội bộ có người "bảo kê" cho buôn lậu.

Đến hẹn lại lên

Đã thành quy luật, bắt đầu từ tháng 5 hằng năm, tình hình buôn lậu đường cát bùng phát trên toàn tuyến biên giới, chuẩn bị cho nhu cầu đón Tết Trung thu. Theo báo cáo của thường trực BCĐ 127, mỗi ngày có khoảng 350-400 người và khoảng 50 xuồng tham gia vận chuyển đường lậu vào các nhà kho dọc khu vực biên giới, tại các "địa điểm bất tử" như: Xã Vĩnh Ngươn (Châu Đốc), thị trấn Tịnh Biên, các xã An Nông, An Phú (Tịnh Biên), Khánh Bình, Khánh An (An Phú), Vĩnh Xương (Tân Châu).

Đường ngoại lại có thêm thủ đoạn "ve sầu lột xác". Một dân đai mướn chuyên nghiệp "bật mí": Ngoại trừ những chuyến hàng gấp, hầu hết các bao đường đều được đổi vỏ in nhãn mác các Cty mía đường VN trước khi nhập lậu qua biên giới. Trường hợp không có bao in sẵn thì dùng bao trắng.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan An Giang xác nhận: Ngày 31.5, Hải quan cửa khẩu Khánh Bình tuần tra, phát hiện ghe chở đường từ bên kia biên giới sang do Nguyễn Giang Châu (xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân) điều khiển. Qua khám xét, phát hiện trong ghe chở 19.980kg - trị giá khoảng 160 triệu đồng, nhưng toàn bộ đều mang nhãn hiệu đường do Bến Tre sản xuất.

Cũng vào thời điểm này, lực lượng QLTT phát hiện tại bến sông thuộc phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc 1 ghe tải chở 445 bao đường kính trắng loại B - trị giá khoảng 178 triệu đồng, do Cty mía đường Trà Vinh sản xuất, nhưng khi kiểm tra thì phát hiện hóa đơn ghi đường vàng. Vì vậy, tuy 6 tháng đầu năm (chủ yếu là tháng 5 và tháng 6), tổng sản lượng đường bắt giữ được tăng 79% so cùng kỳ năm trước (85.236kg); nhưng theo đánh giá của BCĐ 127, đó chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm.

Buôn lậu có nội ứng

Không phải lần đầu đường ngoại "tấn công" đường nội, nhưng có lẽ đây chính là thời điểm khó khăn nhất cho việc tìm ra con đường chống đường lậu xâm nhập Việt Nam. Trong lúc đội quân buôn lậu không ngừng thay đổi phương thức, đổi mới hành vi (như mua hóa đơn từ các cuộc bán đấu giá đường, thay vỏ bao...), đòi hỏi công tác phòng, chống phải có thêm nỗ lực..., thì lực lượng chống lậu lại có bước lùi, bởi từ trước đến nay ở An Giang chỉ xử phạt hành chính mà chưa vụ buôn lậu đường nào bị xử lý hình sự, thậm chí một số đơn vị chống lậu "thua trắng tay".

Ngoài những ràng buộc do quy định không theo kịp thực tiễn, còn có nguyên nhân rất cơ bản là yếu tố con người. Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của BCĐ 127 tỉnh vào ngày 3.7 nhằm tìm ra giải pháp chống lậu, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng An Giang - đại tá Huỳnh Văn Tiến - thẳng thắn: "Trùm buôn lậu là ai, số lượng hàng bao nhiêu, tập kết ở đâu..., cơ quan chức năng đều nắm rõ, nhưng vẫn không chống buôn lậu hiệu quả được là vì ngay trong lực lượng chống buôn lậu có người "bảo kê". Vì thế mà nhiều kế hoạch vây bắt, phòng, chống bị rơi vào tình thế "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban chỉ đạo 127 Vương Bình Thạnh nêu quyết tâm: Bằng mọi giá, chúng ta phải chống buôn lậu đường. Bên cạnh việc kiến nghị Chính phủ cho phép được bán chỉ định đường lậu bắt được, nhằm tránh tình trạng lợi dụng mua hàng hóa giá để lấy hóa đơn hợp thức hóa, chúng ta cần áp dụng nhiều biện pháp cứng, như: Không cho phép mở thêm kho chứa hàng ở biên giới, tăng cường kiểm tra bất cứ lúc nào khi có dấu hiệu nghi ngờ, nhưng quan trọng nhất là khẩn trương làm trong sạch bộ máy chống lậu". Ông Thạnh nhấn mạnh: "Tỉnh cương quyết xử lý cán bộ "bảo kê" cho buôn lậu, dù bất cứ đó là ai, ở cương vị nào".

(Theo báo lao động số 150)

btp