Kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ được Vietcombank đưa ra xin ý kiến cổ đông ngày 28/4, trong đó hàm ý bù đắp thua thiệt cho những nhà đầu tư trót ôm cổ phiếu giá cao tại phiên IPO cách đây một năm rưỡi.
Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dự định phát hành tăng vốn điều lệ từ hơn 12.100 tỷ đồng hiện nay lên 13.223 tỷ đồng. Hơn 112 triệu cổ phiếu phát hành thêm sẽ chỉ dành cho cổ đông hiện hữu.
Trong tờ trình Đại hội cổ đông thường niên lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội hôm nay - 28/4, Vietcombank lý giải vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng mới đạt 81% so với kế hoạch cổ phần hóa đã được duyệt. Theo phương án cổ phần hóa do Thủ tướng duyệt, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ là 15.000 tỷ đồng. Hơn nữa, với số vốn hiện nay, Vietcombank ít dư địa để đầu tư, kinh doanh sau khi phải trích lập đủ tỷ lệ an toàn. Tăng vốn điều lệ cũng được lý giải nhằm đảo bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu, mở rộng hoạt động.
Kế hoạch phát hành cổ phiếu trên đây nghe qua cũng không khác gì vô vàn đợt tăng vốn của các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, Vietcombank đang mong chờ nó được duyệt và coi đây như một phương sách chia sẻ ưu tư của cổ đông về trượt giá cổ phiếu.
|
Doanh thu từ mảng xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu nhập của Vietcombank. Ảnh: Hoàng Hà |
Cách đây tròn 17 tháng, giữa cơn sốt đùng đùng của thị trường chứng khoán Việt Nam, 97,5 triệu cổ phiếu Vietcombank đã được vét sạch trong phiên IPO với giá trúng bình quân 107.860 đồng. Kẻ quyết mua đã trả giá cao nhất tới 250.000 đồng, gấp 25 lần mệnh giá. Người tính toán kỹ lưỡng cũng cố gắng trở thành cổ đông của ngân hàng quốc doanh lớn nhất nhì Việt Nam với giá 102.000 đồng, cao hơn giá khởi điểm 2.000 đồng. Phần thặng dư sau đợt phát hành này lên tới gần 11.000 tỷ đồng, trong đó trả lại Nhà nước gần 10.000 tỷ, con số mơ ước của tất cả các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh nhiều năm qua.
Theo bảng giá OTC tham khảo tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chiều 28/4, cổ phiếu Vietcombank đang được mua bán trong khoảng 30.000-32.000 đồng. Không phải đến bây giờ, mà chỉ vài tháng sau phiên đấu giá, nhiều nhà đầu tư ngộ ra mình đang ôm trái đắng trong tay. Trong số này, không ít người là cán bộ, nhân viên của chính Vietcombank.
Một quan chức cấp cao của Vietcombank cho biết, với kế hoạch tăng vốn mới, ngân hàng đang xin ý kiến Chính phủ chỉ phát hành cho cổ đông không phải Nhà nước (Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối với hơn 90% vốn tại Vietcombank). Theo tỷ lệ dự kiến, cổ đông sở hữu một cổ phiếu có quyền mua một đồng thời được tặng thêm một cổ phiếu.
Vietcombank chưa tiết lộ giá bán. Song giả dụ phương án của Vietcombank được duyệt, và bán bằng mệnh giá (10.000 đồng), nhà đầu tư có thể thấy bớt thua thiệt hơn, bởi trung bình giá sau đợt phát hành này chỉ ngót nghét 40.000 đồng.
"Thực ra nếu phát hành bình thường, cổ đông nào cũng được mua sẽ không có gì vướng mắc cả. Nhưng ở đây là tập trung cho một số đối tượng, Nhà nước không tăng vốn lên chẳng hạn. Đề xuất này có được duyệt hay không còn chờ ý kiến Chính phủ. Về nguyên tắc, muốn xin thì ngân hàng phải làm ăn không đến nỗi tồi", vị quan chức cấp cao của Vietcombank trao đổi với báo chí bên lề đại hội sáng 28/4.
Hiện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - đơn vị đại diện vốn Nhà nước tại Vietcombank chưa có ý kiến về đề xuất của Vietcombank. Bên lề đại hội cổ đông sáng 28/4, Tổng giám đốc SCIC Trần Văn Tá cho biết vấn đề này chưa có tiền lệ vì vậy cần có sự chấp thuận của Chính phủ.
Giới chuyên môn nhìn nhận đợt phát hành của Vietcombank không quá hiếm thấy ở các doanh nghiệp tư nhân, song chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử nhiều năm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Dẫu vậy, về mặt kỹ thuật, Vietcombank hoàn toàn có thể tiến hành một cách hợp pháp nếu Chính phủ đồng ý. Ngân hàng vẫn công bố phát hành cho cổ đông hiện hữu như bình thường, sau đó cổ đông Nhà nước có văn bản từ chối mua. Phần cổ phiếu thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước sẽ phân phối cho các cổ đông hiện hữu khác.
Đề xuất của Vietcombank, ngoài mục đích bù đắp thua thiệt cho các cổ đông từng trúng đấu giá cao, cũng được hiểu như một động thái trung bình giá trước khi niêm yết. Khối lượng niêm yết chỉ chiếm chưa đầy 10% vốn điều lệ của Vietcombank, song sẽ là hàng khủng với thị trường (112 triệu cổ phiếu). Chỉ cần cổ phiếu Vietcombank tăng hoặc giảm nhẹ, toàn thị trường sẽ nổi sóng lớn.
Động thái này cũng có thể phát đi tín hiệu nào đó với các tập đoàn quốc tế đang quan tâm trở thành đối tác chiến lược trong Vietcombank. Gần một năm rưỡi sau IPO, Vietcombank vẫn chưa lựa chọn được đối tác chiến lược. Lúc cao giá, "cô nàng" Vietcombank kỹ tính "kén chồng", đòi hỏi đối tác lớn và giá chào mua hậu hĩnh. Đến lúc chợ chiều, các đối tác phải đương đầu với khủng hoảng tài chính toàn cầu nên lòng nhiệt tình đã phần nào giảm bớt. Và dĩ nhiên, mức giá chào của họ không thể cao như trước.
Kế hoạch niêm yết của Vietcombank cũng nhiều lần lỗi hẹn. Ban đầu ngân hàng dự kiến chọn đối tác chiến lược trước khi lên sàn, song sau nhiều lần trễ hẹn nay đã quyết định đảo ngược trình tự. Hôm 1/4, Vietcombank đã được chấp thuận về nguyên tắc niêm yết trên sàn TP HCM. Dự kiến ngân hàng sẽ lên sàn ngay năm nay sau khi bổ sung hồ sơ và được cấp phép chính thức.
Vietcombank là ngân hàng quốc doanh đầu tiên chào bán cổ phiếu ra công chúng. Tiến trình cổ phần hóa nhà băng này trải qua hai bước, phát hành trái phiếu chuyển đổi (tháng 12/2005) và chào bán cổ phiếu ra công chúng hai năm sau đó (tháng 12/2007).
(Theo trang Vnexpress)