Tin ngành điện

Gánh nặng vốn đầu tư- Cần chung tay chia sẻ

Thứ sáu, 10/4/2009 | 09:43 GMT+7
Nổi bật tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính, kế toán năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009 của EVN tiếp tục là vấn đề thu xếp vốn đầu tư để thực hiện Quy hoạch điện VI và đảm bảo tiếp nhận, cải tạo lưới điện nông thôn. Theo Phó TGĐ EVN Đinh Quang Tri thì đây cũng là những công việc trọng tâm của toàn Tập đoàn từ nay đến năm 2010.

Nổi bật tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính, kế toán năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009 của EVN tiếp tục là vấn đề thu xếp vốn đầu tư để thực hiện Quy hoạch điện VI và đảm bảo tiếp nhận, cải tạo lưới điện nông thôn. Theo Phó TGĐ EVN Đinh Quang Tri thì đây cũng là những công việc trọng tâm của toàn Tập đoàn từ nay đến năm 2010.

2008- Sử dụng vốn hiệu quả

Con số trên 38 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư thực hiện trong năm 2008 của toàn Tập đoàn được đưa ra tại Hội nghị đã khẳng định nỗ lực vượt bậc của EVN trong việc thu xếp vốn đầu tư trong bối cảnh có rất nhiều biến động của tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam thời gian vừa qua. Theo ông Mai Quốc Hội - Trưởng ban Tài chính Kế toán EVN thì 2008 có thể nói là năm khó khăn nhất của Tập đoàn trong công tác huy động vốn từ trước tới nay. Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, khi các doanh nghiệp nhà nước khác được phép cắt giảm chi phí đầu tư, thì EVN phải tiếp tục duy trì tiến độ đầu tư của các dự án, nhằm đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế trong những năm tiếp theo. Do đó, mặc dù đã cố gắng cắt giảm tối đa hoặc tạm dừng các công trình đầu tư chưa thật sự cấp bách, nhưng với yêu cầu đầu tư lên đến trên 40 nghìn tỷ đồng (theo kế hoạch) vẫn tạo sức ép nặng nề trong việc huy động vốn. Hơn nữa, trong quý II và quý III năm 2008, từ chính sách thắt chặt tiền tệ, các ngân hàng thương mại đã yêu cầu điều chỉnh lãi suất và chi phí vay ngân hàng, một số khoản vay thương mại trong nước và ngoài nước đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp như huy động vốn tạm thời nhàn rỗi của các đơn vị thành viên, sử dụng linh hoạt vốn sản xuất kinh doanh, chấp nhận điều chỉnh lãi suất nhằm ưu tiên tập trung vốn cho các công trình trọng điểm và các hạng mục cấp bách trên các công trình thủy điện,… đến quý IV năm 2008, EVN đã cơ bản giải quyết đủ vốn cho các nhu cầu đầu tư thiết yếu, duy trì tiến độ các công trình trọng điểm. Việc giải ngân vốn đầu tư của EVN luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định của Nhà nước và đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ. EVN được các nhà tài trợ đánh giá cao trong việc tổ chức thực hiện dự án, cũng như sử dụng nguồn vốn vay một cách hiệu quả. Năm 2008, một điểm sáng rất đáng tự hào trong công tác tài chính, kế toán của EVN là trong đợt kiểm toán các mặt hoạt động của EVN với kỷ lục về thời gian và số lượng kiểm toán viên tham gia, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định: Hoạt động tài chính của EVN lành mạnh, rõ ràng, và minh bạch.

2009- Tiếp tục giải bài toán vốn đầu tư

Năm 2009 sẽ là một năm tiếp tục khó khăn của công tác tài chính nói chung và công tác thu xếp vốn nói riêng - Phó TGÐ Ðinh Quang Tri khẳng định tại Hội nghị. Ông Tri phân tích: Khủng hoảng kinh tế sẽ tác động xấu đến thị trường tài chính chứng khoán. Ðây là nguyên nhân khiến cho việc huy động vốn đầu tư qua kênh chứng khoán như bán cổ phần, phát hành trái phiếu rất khó thực hiện và đạt kết quả mong muốn. Hệ thống lưới điện truyền tải để đáp ứng cho hàng nghìn MW công suất nguồn đi vào vận hành mỗi năm, chương trình đầu tư điện nông thôn và tiếp nhận bán lẻ đến năm 2010 (là một chương trình lớn đòi hỏi lượng vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn, đảm bảo cấp điện an toàn hiệu quả) đều cần lượng vốn khổng lồ. Tổng số vốn đầu tư theo kế hoạch của EVN năm 2009 lên đến trên 50,4 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn tự có là trên 13,5 nghìn tỷ. Việc thu xếp vốn hiện rất khó khăn do EVN đã vay vượt 15% vốn đối ứng, cho nên muốn vay thêm các ngân hàng thương mại thì phải có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (điều kiện cho vay vì vậy sẽ khắt khe hơn). Còn đối với nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại quốc tế sẽ rất khó tiếp cận do các “ngân hàng mẹ” ở nước ngoài cũng đang rất khó khăn do khủng hoảng kinh tế.

Tuy nhiên, bối cảnh khủng hoảng cũng tạo cho EVN cơ hội có thể tiếp cận với nguồn vốn vay ODA (nguồn vốn tài trợ này đang chảy về các lĩnh vực hạ tầng để kích thích tăng trưởng kinh tế). Dự kiến từ nay đến năm 2015, EVN sẽ vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khoảng 6-7 tỷ USD, vay của Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 3-5 tỷ USD, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JBIC khoảng 5-6 tỷ USD, nguồn ODA của Trung Quốc cũng đang được đàm phán để vay phát triển nguồn điện. Tuy nhiên, với các nguồn tài trợ ODA, cũng cần có thời gian chuẩn bị để xét duyệt dự án và dự án cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về quản lý cũng như nhiều vấn đề kỹ thuật liên quan khác.

Như vậy, lời giải cho bài toán đáp ứng vốn đầu tư trong năm 2009 này theo ông Tri là phải tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp về quản lý tài chính. Ðó là tiếp tục tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, chi phí quản lý, nâng cao năng suất lao động... Bên cạnh đó, ông Tri nhấn mạnh: Cần tận dụng tối đa các nguồn vốn đầu tư, cần có sự thay đổi căn bản trong quan niệm của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc EVN trong việc tích cực và chủ động tìm kiếm các nguồn vốn. Ðồng thời, hiện EVN đã có Công ty tài chính cổ phần Ðiện lực (EVNFC), đây là một kênh huy động vốn rất hiệu quả và tích cực cho các công trình điện cần được tận dụng tối đa.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác Tài chính kế toán năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009 của EVN, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh yêu cầu: 2009 là năm tập trung đầu tư thực hiện Quy hoạch điện VI của EVN. Theo đó, từ nay đến 2015, EVN còn thiếu tới 382 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư. Việc thu xếp vốn sẽ còn khó khăn. Do đó, các ban quản lý dự án, các đơn vị trực thuộc EVN cần chủ động đề xuất hoặc triển khai công tác thu xếp vốn đầu tư để đảm bảo tiếp cận được các nguồn vốn đầu tư hiệu quả, giảm gánh nặng thu xếp vốn cho EVN. Trong năm nay EVN cũng sẽ hoàn tất các thủ tục tăng vốn điều lệ của Tập đoàn lên 100.000 tỷ đồng để có điều kiện tiếp tục vay vốn đầu tư.

Trong năm 2009, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất lao động, đảm bảo đời sống người lao động ngày càng tốt hơn, xem xét lại cơ chế trả lương theo định mức để đảm bảo công bằng giữa các lĩnh vực sản xuất và giữa các vùng miền. Tiếp tục nâng cao trình độ quản lý nói chung và tài chính nói riêng đối với lãnh đạo các đơn vị. Các doanh nghiệp cần từng bước xây dựng một đội ngũ những chuyên gia tài chính giỏi để có thể quản lý tài chính hiệu quả hơn nữa. 2010 dự kiến sẽ được chọn là năm quản trị doanh nghiệp của EVN. Do đó, Ban Tổ chức Cán bộ và Nhân sự của EVN, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc EVN cần có những kế hoạch tổ chức đào tạo và tự đào tạo về công tác quản trị doanh nghiệp. Cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra trong lĩnh vực tài chính, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, minh bạch tình hình tài chính của mỗi đơn vị.

TGÐ EVN Phạm Lê Thanh biểu dương đội ngũ CB, NV làm công tác tài chính trong toàn Tập đoàn đã có nhiều cố gắng nhằm đảm bảo thu xếp đủ lượng vốn đầu tư, cũng như quản lý tài chính một cách hiệu quả. Năm 2009, Tập đoàn vừa phải đảm bảo cung cấp đủ điện, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, vừa đảm bảo vốn cho đầu tư xây dựng. Ðiều này cần sự nỗ lực cao hơn nữa của mỗi cán bộ lãnh đạo, CBCNV đặc biệt là những người làm công tác tài chính kế toán để giúp Tập đoàn và các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2009.
                                                                                                          TCĐL số 3/2009

btp