Ngày 22 đến 24.4, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị doanh nghiệp Châu Á lần thứ 19, do Asia Society (Hoa Kỳ) phối hợp với Bộ KHĐT tổ chức, với sự tham gia của khoảng 1.500 đại biểu đến từ 21 quốc gia trên thế giới.
Ngày 22 đến 24.4, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị doanh nghiệp Châu Á lần thứ 19, do Asia Society (Hoa Kỳ) phối hợp với Bộ KHĐT tổ chức, với sự tham gia của khoảng 1.500 đại biểu đến từ 21 quốc gia trên thế giới.
Hội nghị đã thu hút hơn 60 quan chức cao cấp, diễn giả nổi tiếng, lãnh đạo các DN từ nhiều nước đến thảo luận cùng tìm hiểu về những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với các nền kinh tế Châu Á...
Khủng hoảng tài chính đè nặng Châu Á
Các đại biểu tham dự hội nghị đều có chung một nhận định: Đây là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, sau nhiều thập niên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra vào năm 1937. Hàng ngàn tỉ USD đã phải đổ ra để cứu các ngân hàng, tập đoàn đang lâm vào cảnh phá sản... Song, chính phủ các nước có nền kinh tế hùng mạnh nhất vẫn chưa tìm ra lối thoát. Khủng hoảng trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nền kinh tế của Châu Á.
Bà Charlenne Barshefsky - từng là Đại diện thương mại Hoa Kỳ năm 1997-2001, nay là đại sứ cấp cao Hãng luật Wilmer Hale - phát biểu tại hội nghị rằng: "Khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động mạnh đến các nước Châu Á. Nó làm biến mất của nhiều người tài sản, công ăn việc làm... Cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài. Vấn đề đặt ra ở đây là chính phủ các nước phải kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm, giữ việc làm và nâng cao mức sống cho người dân bằng giải pháp nào đây?".
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Trẻ VN - băn khoăn: "Có vẻ toàn cầu hoá mà các nước lớn hô hào sẽ mang lại lợi ích cho những nước nhỏ, thì nay trở nên phản tác dụng, khi có không ít quốc gia đang quay lại duy trì bảo hộ mậu dịch cho thị trường nội địa. VN phải làm gì đây?".
|
Các đại biểu thảo luận tại hội nghị. ảnh: Công bằng |
Sự trỗi dậy của Trung Quốc và vai trò mới của Việt Nam
Khá nhiều ý kiến phát biểu tại hội nghị đã xoay quanh sự phát triển bất ngờ của nền kinh tế Trung Quốc, giữa lúc cả thế giới liêu xiêu trong cơn khủng hoảng. Bà Charlene Barshefsky cho rằng: "Việc Trung Quốc dự trữ một số lượng ngoại tệ 2.000 tỉ USD và các ngân hàng vẫn không bị nguy khốn trong khủng hoảng như tại Hoa Kỳ, Châu Âu..., tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đã được Chính phủ Trung Quốc kìm hãm, qua việc không phá giá đồng nhân dân tệ, kìm hãm mức lạm phát... là điều rất bất ngờ. Các nước cần phải học hỏi kinh nghiệm Trung Quốc. Trung Quốc sẽ có cơ hội phát triển tốt trong bối cảnh khủng hoảng này".
Tương tự, đề cập đến VN chèo lái vượt qua khủng hoảng kinh tế hiện nay, có không ít bạn bè quốc tế đã bày tỏ sự thán phục... Ông Ronnie C.Chan - Chủ tịch Tập đoàn Hang Lung, Phó Chủ tịch Asia Society - nói: "Những thành tựu về thu hút đầu tư nước ngoài, giải pháp kiềm chế đà lạm phát trong năm 2008 của VN đã hoàn toàn tạo được một niềm tin trong chúng tôi; giúp các nhà đầu tư yên lòng hơn khi đầu tư vào VN".
Ông Chan tỏ ra tâm đắc khi nghe Thứ trưởng Bộ KHĐT Cao Viết Sinh cho biết, trong cơn khủng hoảng kinh tế chung, Chính phủ VN đã đưa ra hàng loạt giải pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế như: Tung ra các gói kích cầu, miễn - giảm - dãn thuế cho DN và người dân vay vốn, luôn quan tâm hỗ trợ người nghèo, chăm lo an sinh xã hội...
|
Doanh nghiệp VN đang cố gắng vượt qua giai đoạn suy thoái. ảnh: C.B |
Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan - Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển - cho rằng: "VN cũng như ASEAN, vẫn còn nhiều người dân sống trong mức nghèo. Do đó, cần phải đặt ra những bước phát triển cao hơn nữa. VN cũng phải vậy. Vấn đề là làm sao cải thiện chất lượng tăng trưởng tại các quốc gia ASEAN? ASEAN đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đòi hỏi các chính phủ phải không ngừng cải tổ cơ chế, cải tổ thiết chế để chuyển sang cơ chế thị trường. Nền kinh tế phải minh bạch, công khai...".
Ông John Bussey - Trưởng đại diện Toà soạn báo The Wall Street Journal (Hoa Kỳ) - phát biểu: "Một nền kinh tế phát triển bền vững cần phải đa dạng hoá; không nên phụ thuộc quá nhiều vào một lĩnh vực như xuất khẩu, hay đầu tư nước ngoài... Mặt khác, phải hết sức chú trọng phát triển nội địa, quan tâm hơn đến con người, nguồn nhân lực... Chính phủ cần có những bước khai thác hợp lý tài nguyên đất nước, tài nguyên con người...; có như thế mới đưa được đất nước ra khỏi khủng hoảng. Khủng hoảng kinh tế, nhưng đây cũng là cơ hội để các nước như VN tái cấu trúc lại nền kinh tế. Chúng tôi tin rằng Chính phủ VN đã có những bước đi đúng hướng. Với các nhà đầu tư, đây cũng là lúc tốt nhất đầu tư ở VN".
Chiều 23.4, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu giới thiệu về những thay đổi và hướng phát triển của hệ thống GDĐT ở VN. Theo Phó Thủ tướng: Trong những năm vừa qua, GDĐT ở VN đã có những bước phát triển vượt bậc. Tỉ lệ người biết chữ ở VN không ngừng tăng cao, chất lượng GDĐT ngày càng được cải thiện
Song, trong giai đoạn đến năm 20020, VN vẫn còn nhiều việc phải làm để làm sao đào tạo cho đất nước một nguồn lực lao động giỏi, đủ đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế đất nước.
(Theo báo Lao động)
btp