Trong cuộc sống hàng ngày, con người luôn phải ứng phó với rất nhiều tình huống xảy ra, trong đó có không ít tình huống phức tạp và khó xử. Xã hội càng phát triển, nhu cầu về văn hóa ứng xử ngày càng cao. Ứng xử một cách thông minh, khôn khéo, tế nhị đạt tới mức độ nghệ thuật lại càng là vấn đề khó. Mỗi cán bộ công chức, viên chức và người lao động một ngày làm việc 8 giờ tại công sở. Thời gian chúng ta tiếp xúc với đồng nghiệp đôi khi còn nhiều hơn cả người thân trong gia đình. Vậy đã bao giờ mọi người đặt câu hỏi nên giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.
Có thể nói, giao tiếp ứng xử là một trong những băn khoăn của không ít “dân công sở”. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp là một việc làm hết sức cần thiết. Ứng xử có văn hóa nơi công sở là điều mỗi cán bộ, CNVC phải học hỏi và thay đổi từng ngày.
Ở Việt Nam, nét đẹp văn hóa của lời chào đã được ông cha ta đúc kết thành bài học quý báu trong kho tàng tục ngữ, ca dao:“Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Chào hỏi đã trở thành một phần không thể thiếu trong nghi lễ giao tiếp của người Việt, một truyền thống Văn hoá của tộc Việt với bản sắc riêng và sự đa dạng của nó. Chào hỏi không chỉ được con người thực hiện ở ngoài đường khi gặp nhau mà còn diễn ra ở công sở và tại gia đình… Ở nước ngoài lời chào xem ra thật giản đơn. Người ta có thể nói ngắn gọn: “Chào buổi sáng, Chào buổi chiều hoặc Chào buổi tối,…”. Điều đặc biệt là ở Việt Nam đôi khi hỏi là để chào. Ví dụ: Anh khỏe không? Cô đang làm gì đấy?,...v.v… Nên thuật ngữ chào hỏi có thể hiểu chào và hỏi là để chào. Để chào nhau người ta không chỉ dùng lời mà còn thực hiện bằng một cử chỉ, một hành động chẳng hạn như: bằng một nụ cười, một cái bắt tay hay cúi đầu trước người khác; trong nhiều trường hợp được thể hiện bằng sự kết hợp giữa ngôn ngữ cử chỉ điệu bộ và ngôn ngữ nói.
Thực hiện hành vi chào như thế nào? Hiệu quả hay không qua đó có thể xác định trình độ văn hoá ứng xử của người giao tiếp. Cũng có khi chào khiến nguời khác bực bội, chẳng hạn các trường hợp sau đây: Chào nhưng không nhìn vào người mình chào, chào với giọng nói có vẻ bỡn cợt châm chọc hoặc chào không bộc lộ tình cảm…Như vậy khi chào phải nhìn vào người giao tiếp, niềm nở, cung kính mới gây được cảm xúc và thái độ thân thiện.
Thường trong chúng ta hay có quan niệm người trẻ phải chào người lớn trước, cấp dưới chào cấp trên trước. Ví dụ: Nó ít tuổi không chào mình trước thì việc gì mình phải chào nó; hoặc nó cấp dưới chẳng chào mình thì thôi. Hãy đừng coi: già chào trẻ, cấp trên chào cấp dưới trước như một sự hạ cố. Rất nhiều trường hợp có được sự nể phục, kính trọng của người khác với mình khi người lớn tuổi chủ động chào hoặc cấp trên chủ động chào cấp dưới.
Thế hệ trẻ hiện nay nhiều người xem nhẹ lời chào là do họ đề cao tính thực dụng, không biết không chào. Thậm chí, nếu người xa lạ đụng độ ở đâu đấy họ còn giương mắt lên nhìn. Còn có hiện tượng vì cái nhìn mà thách thức, khinh thị, thậm chí đánh nhau… chung quy cũng bởi họ lãng quên, thiếu đi lời chào, văn hóa xã giao. Chính vì vậy, khi con người không để ý đến nét văn hóa này cũng là một điều ái ngại và đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại.
Chào hỏi có tác dụng gì?
Không thể phủ nhận, thái độ vui vẻ, trọng thị khi chào hỏi gây cảm xúc thân thiện giữa những người tham gia giao tiếp, xác nhận mối quan hệ thân hữu, khích lệ phát triển tình cảm đồng nghiệp, thậm chí thúc đẩy ý thức trách nhiệm và xây dựng tính đoàn kết trong doanh nghiệp. Chào có thể là dấu chấm hết cho sự hằn thù giữa con người, một biểu hiện của lòng khoan dung độ lượng. Con nguời biết lễ nghi, khuôn phép, trên dưới, biết cương vị của mình khi thực hiện văn hoá này cũng thường là những con người hiếu nghĩa, biết sống tích cực cho bản thân và cho cộng đồng.
Như vậy chào hỏi không chỉ là một phần lễ nghi của giao tiếp, tác dụng của nó thật lớn vượt ra ngoài khung cảnh giao tiếp hiện thời, góp phần xây dựng tình cảm, nếp sống văn hoá, tôn ti trật tự của cộng đồng. Do đó, văn hóa chào hỏi không thể thiếu trong giao tiếp xã hội.
Hiểu được ý nghĩa quan trọng đó nên tại các công sở những giá trị văn hóa của lời chào được nâng lên như một nghệ thuật trong giao tiếp, nó không chỉ biểu hiện sự tôn trọng với những người xung quanh mà còn là sự tôn trọng với chính mình. Nhưng không phải ai cũng biết cách áp dụng để lời chào hỏi trở nên lịch sự nhất, đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc. Trong chào hỏi phải thể hiện sự thân thiện, lời chào nên đi kèm với nụ cười. Nở nụ cười với ai, coi như mình đã gieo được tình cảm với người đó. Chẳng hạn như khi đối tác đến cơ quan, nhìn thấy nụ cười tươi tắn của các chị Văn thư hay khi làm việc với dân, cán bộ có thái độ chào hỏi niềm nở không chỉ khiến người giao tiếp cảm thấy ấm áp, thân thiện mà nó còn thể hiện rất rõ trình độ, phẩm chất của người cán bộ, thể hiện sự tôn trọng, quan tâm và sẵn sàng phục vụ yêu cầu của dân, góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ thân thiện, nhiệt tình, gần dân và vì dân. Các đồng nghiệp buổi sáng thường nở nụ cười chào, chúc nhau một ngày vui vẻ... Kết thúc một tuần làm việc, chúc nhau "Cuối tuần ấm áp bên gia đình", hay một cái bắt tay, một câu hỏi thăm sau những ngày công tác dài trở về đều tạo nên không khí thân thiện, sôi nổi, đầy sức sống trong cơ quan.
Vì thế mỗi người phải học cách chào hỏi để người khác có ấn tượng tốt đẹp về mình ngay từ buổi gặp đầu tiên. Tạo được thiện cảm trong giao tiếp, sẽ dễ dàng thực hiện được nhiều điều mong muốn.
Nguyễn Thị Thu Trang - PX. Hóa nghiệm
Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa