Ngành điện và khí đốt trị giá 120 tỷ đôla Ôxtrâylia (AUD) của Ôxtrâylia đang đứng trước một triển vọng hết sức bất ổn cùng với những thay đổi phức tạp chưa từng thấy. Nó không chỉ phải đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, mà còn phải lo giải quyết những nhu cầu đang tăng lên về tiêu thụ, thay thế nhà máy, thiết bị, hệ thống phân phối đã quá cũ kỹ và thực thi nhiệm vụ giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Điện được coi là ngành quan trọng nhất của nền kinh tế Ôxtrâylia trong thế kỷ 21. Hiện tại, ngành này sử dụng trực tiếp 49.000 lao động, cung cấp một dịch vụ thiết yếu cho các nhà máy công nghiệp đói năng lượng với khoảng hơn một triệu công nhân, tức 1/8 lực lượng lao động của cả nước.
Theo báo "Người Ôxtrâylia", Chính phủ Công Đảng đã ủng hộ việc ký kết một hiệp mới thay thế cho Nghị định thư Kyôtô. Nhưng dư luận thế giới cho rằng hiệp định mới này đã chết từ lúc chưa ra đời vì các nước đang phát triển và ngay cả Mỹ, nước đang gặp khó khăn về tài chính, sẽ không sẵn sàng ủng hộ những gì gây hại thêm cho các nền kinh tế của họ. Việc thực hiện chính sách mới về môi trường sẽ chỉ gây bất lợi thêm cho nền kinh tế của Ôxtrâylia.
Chính phủ Ôxtrâylia cũng đã cam kết giữ cho nền kinh tế hạ cánh mềm khi thực hiện chính sách giảm khí thải để đảm bảo kinh tế tăng trưởng vững. Cam kết này đã trở thành một nhiệm vụ khó khăn nhất, thậm chí nhiều người coi là bất khả thi, của Chính phủ Công Đảng, trong khi Đảng Xanh và những người bảo vệ môi trường, một lực lượng quan trọng trong các cuộc bầu cử sau này, đều đòi phải có giải pháp mạnh mẽ hơn cho việc sử dụng và xuất khẩu than.
Chính sách giảm khí thải cacbon ở Ôxtrâylia khó thực thi hơn so với ở Liên minh châu Âu vì 92% nhiên liệu để sản xuất điện ở Ôxtrâylia là than đen và than nâu trong khi tỷ lệ này ở EU chỉ khoảng 30%. Ngành điện sản sinh ra hơn 35% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở Ôxtrâylia.
Mặc dù không có những vấn đề về khí thải và khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngành điện và khí đốt của Ôxtrâylia cũng đã rơi vào tình trạnh hết sức căng thẳng.Theo Tổng cục Kinh tế Tài nguyên và Nông nghiệp Ôxtrâylia, nhu cầu điện ở nước này đã tăng 6 lần kể từ năm 1965 và sẽ tăng 90% từ nay đến năm 2030. Riêng việc đáp ứng cho phần nhu cầu tăng thêm này, Ôxtrâylia cần bỏ ra nhiều tỷ AUD để mở rộng hạ tầng cơ sở cung cấp, không chỉ xây dựng thêm nhà máy mới mà phải mở rộng cả các hệ thống truyền tải và mạng lưới phân phối. Hiệp hội Kỹ sư Ôxtrâylia còn cảnh báo các nhà máy phát điện hiện nay đã quá cũ, mức độ đầu tư để tăng công suất cũng quá thấp. Các nguồn điện cho sinh hoạt và sản xuất hiện nay chủ yếu đựa vào các nhà máy cũ. Có thể từ năm 2013, Ôxtrâylia sẽ rơi vào tình trạng cầu vượt cung. Vấn đề an ninh năng lượng sẽ nảy sinh nếu chính phủ không gấp rút xây dựng thêm nhà máy mới.Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện sẽ tăng khủng khiếp với hàng lô hạng mục sửa chữa, thay thế, xây dựng mới cho toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Theo tính toán của các chuyên gia ngành điện, 70% mạng lưới phân phối điện hiện nay của Ôxtrâylia cần phải thay thế trong 20 năm tới. Các tài sản hiện nay hầu hết được xây dựng, lắp đặt từ cách đây 50 năm và đã hết hạn sử dụng.
Vốn đầu tư cho sửa chữa, nâng cấp, thay thế và mở rộng mạng lưới phân phối ở bang Nam Ôxtrâylia là khoảng 1,5 tỷ AUD cho 5 năm tới, ở bang Tây Ôxtrâylia hiện vào khoảng 1 tỷ AUD/năm và sẽ tăng lên 2 tỷ AUD/năm trong 3 năm tới, Ở bang Queensland mỗi ngày phải chi 3 triệu AUD trong khuôn khổ dự án 3,5 tỷ AUD trong 5 năm, ở bang New South Wales, riêng vùng Newcastle-Sydney-Wollongong đang yêu cầu chi khoảng 13 tỷ AUD trong 5 năm tới để thay thế thết bị cũ và đáp ứng nhu cầu gia tăng.
Những khoản chi trên chưa thấm gì so với tổng chi phí của toàn ngành điện. Điều này khiến chính phủ phải kêu gọi người tiêu dùng tham gia gánh vác chi phí và khó có thể thực thi chính sách mới về môi trường. Cho đến nay, chính phủ và các doanh nghiệp ngành điện vẫn đang bế tắc trong việc giải quyết phần chính của chính sách môi trường là chuyển sang dùng khí đốt, khí than và năng lượng thay thế để thay vì sử dụng than trong các nhà máy điện.
Ngành điện cho biết riêng việc xây dựng các nhà máy điện thông thường để đáp ứng nhu cầu tăng lên cũng đã tốn tới 13 tỷ AUD trong 10-12 năm tới, còn nếu xây dựng nhà máy điện xả ít khí thải thì tốn tới 33 tỷ AUD.
Việc thu phí khí thải cao đủ để có thể giảm đựơc khoảng 5-10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 thì có thể phải đóng cửa tới 1/4 số nhà máy chạy than hiện nay ở dọc bờ biển miền đông và phải xây dựng thêm công suất mới khoảng 6700 MW, tức là tương đương với công suất hiện có ở hai bang NSW và Tasmania.Để đạt được mục tiêu về năng lượng thay thế (khoảng 20% nhu cầu điện của Ôxtrâylia vào năm 2020), Chính phủ Ôxtrâylia cần phải chi tới 27-35 tỷ AUD để phát triển năng lượng gió và các dạng năng lượng thay thế khác.
Trong khi chính sách mới vẫn còn đang tranh cãi và mọi việc chưa có gì chắc chắn, thì hàng loạt vấn đề mới lại nảy sinh và không thể có được những giải pháp rõ ràng. Việc thúc đẩy thực hiện chính sách buôn bán hạn ngạch khí thải chắc chắn sẽ dẫn đến nhu cầu đầu tư mới. Ngoài thiết bị, công nghệ, chính phủ còn phải lo phát triển các nguồn nhiên liệu khí đốt, khí than, nhân lực... và kéo theo đó là hàng loạt hạng mục đầu tư mới cho hệ thống phân phối, kết nối mạng truyền dẫn. Chúng sẽ đẩy mức chi phí dự tính tăng lên gấp 2-3 lần. Khó khăn tài chính sẽ tăng lên đặc biệt trong bối cảnh khắc phục những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Về nhân lực, riêng việc thay thế những công nhân đã đến tuổi hưu trí hiện nay cũng đã là khó khăn, chưa nói gì đến việc tìm kiếm nguồn nhân lực có nghiệp vụ mới bổ sung. Việc chuyển sang sử dụng khí đốt sẽ làm rối loạn nguồn cung và giá khí đốt tăng lên, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đồng thời làm nản lòng các nhà đầu tư phát triển và điều quan trọng hơn là nó làm cho kinh tế nước này ngày càng sa sút, rơi vào suy thoái mà không thể hạ cánh nhẹ nhàng như Chính phủ mong đợi.
Các nhà chuyên môn cho rằng nếu chính phủ thực hiện chính sách môi trường mới, chắc chắn những thách thức về xã hội và phát triển sẽ xuất hiện ngay trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính. |