Giá dầu thô trên thị trường châu Á sáng nay tiếp tục đi lên, do tình hình chiến sự tại Dải Gaza thêm nóng sau khi bộ binh Israel tiến vào vùng đất này, và những lo ngại về nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn.
Giá dầu thô trên thị trường châu Á sáng nay tiếp tục đi lên, do tình hình chiến sự tại Dải Gaza thêm nóng sau khi bộ binh Israel tiến vào vùng đất này, và những lo ngại về nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn.
Vào đầu giờ giao dịch sáng nay, giá dầu thô giao tháng 2 đã tăng thêm 1,18 USD, lên mức 47,52 USD mỗi thùng. Có thời điểm, giá đã chạm 48,68 USD. Tại London, giá dầu thô Brent cũng tăng thêm 83 cent và giao dịch ở mức 47,74 USD.
Hiện chiến sự tại Trung Đông chưa đe dọa trực tiếp đến nguồn cung dầu từ khu vực này, nhưng đây là nơi cung ứng 1/3 nguồn dầu thô cho thị trường thế giới. Iran, một nước trong khu vực, là thành viên có tiếng nói quan trọng trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và là nhà sản xuất dầu lớn thứ tư thế giới. Mới đây OPEC cũng đã hé lộ khả năng cắt giảm sản lượng.
|
Một trạm trung chuyển khí đốt từ Nga sang Hungary chạy qua Ukraine. Ngoài Czech bị ảnh hưởng, hiện các quốc gia châu Âu mua khí đốt từ Nga vẫn có nguồn năng lượng ổn định. Ảnh: Reuters |
Mới đây một lãnh đạo quân sự của Iran đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia Hồi giáo ngừng cung cấp dầu cho Israel nhằm đáp trả những đợt tấn công của quân đội nước này vào Dải Gaza. Giới chuyên gia nhận định, trong tuần này giá dầu thô sẽ dao động mạnh, theo các diễn biến bất ổn tại vựa dầu Trung Đông.
Trong lúc này, Bộ Năng lượng Mỹ tuyên bố tái xây dựng kho dự trữ dầu khẩn cấp, và càng làm giá dầu tăng lên. Dự kiến, trong quý đầu của năm nay, cơ quan này sẽ mua khoảng 12 triệu thùng xăng cho kho dự trữ chiến lược, và trong các quý sau sẽ tiếp tục tăng nguồn dự trữ.
Mỹ là quốc gia thứ hai sau Trung Quốc quyết định bổ sung cho kho dự trữ dầu. Trước đó, cỗ máy sử dụng nhiều dầu nhất thế giới Trung Quốc đã tuyên bố tranh thủ thời điểm giá xuống thấp hiện nay để tăng nhập khẩu và xây dựng kho dự trữ.
Giá dầu bị đẩy lên một phần do những tranh cãi giữa Nga và Ukraine về giá khí đốt. Nguồn khí tự nhiên của Nga cung cấp cho Cộng hòa Czech hiện đã giảm 5%, do nước này nhận khí đốt thông qua đường ống chạy qua Ukraine. Hiện các nước châu Âu vẫn có đủ năng lượng nhờ nguồn dự trữ. Song các chuyên gia cho rằng, nếu tranh cãi giữa Nga và Ukraine không được giải quyết, các nước này sẽ có vấn đề về năng lượng.
(theo Reuters )
btp