Tin ngành điện

EVN đầu tư ngoài ngành để cứu...lỗ (?!)

Thứ tư, 20/8/2008 | 10:15 GMT+7
(LĐ) - Giá bán điện bình quân hiện tại là 860đ/kWh (tương đương khoảng 5,3 cent/kWh) được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho rằng đang thấp so với giá bình quân trong khu vực. Mức giá này được giữ từ năm 2005 đến nay không tăng.
(LĐ) - Giá bán điện bình quân hiện tại là 860đ/kWh (tương đương khoảng 5,3 cent/kWh) được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho rằng đang thấp so với giá bình quân trong khu vực. Mức giá này được giữ từ năm 2005 đến nay không tăng.

Trong khi đó các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỉ giá, giá vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị... đều tăng cao, trong đó phải kể đến yếu tố lạm phát. Năm 2008, theo EVN ước tính, nếu không được tăng giá điện thì các khoản bù lỗ do phải mua các nguồn điện ngoài ngành giá cao lên tới hơn 6.100 tỉ đồng. Ấy vậy mà, để "cứu" lỗ, EVN đầu tư ra ngoài ngành nhằm "lấy ngắn nuôi dài", trong khi đang cần rất nhiều tiền để đầu tư nguồn điện (?!).

Lấy ngắn nuôi dài (?!)

Trong cân đối tài chính của EVN năm 2008, nếu giá điện vẫn giữ nguyên mức cũ thì ngoài việc bị đội chi phí đầu vào, EVN sẽ còn tiếp tục phải bù lỗ cho một số Cty điện lực có tỉ trọng điện nông thôn cao (như Cty điện lực 1, Cty điện lực 3...) có giá bán điện thấp hơn giá bán bình quân. Trong cơ cấu nguồn phát, ngoài việc phải tăng mua từ các nhà máy điện BOT, IPP ngoài ngành giá cao, thì năm nay EVN còn tăng thêm lượng mua điện từ các nhà máy trước thuộc EVN, nay đã ra cổ phần hoá.

Nếu tính cả tỉ trọng này thì tổng lượng điện mua ngoài đã chiếm tới trên 54,07% tổng nguồn phát điện. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó TGĐ EVN - trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí cũng cho rằng: Kể cả nếu tăng giá điện theo lộ trình từ 1.7.2008 thì mức lỗ chỉ có thể giảm đi, chứ vẫn không hết lỗ. Ngành điện còn cầm cự được là do đang "ăn" vào giá thành sản xuất điện của các nhà máy thuỷ điện lớn hiện đã hết khấu hao (chỉ khoảng 100đ/kWh), nhưng tỉ trọng cũng chỉ có hạn.

Trong khi đó, mỗi năm nguồn vốn đầu tư cần cho phát triển mới nguồn và lưới điện lên tới 40.000 tỉ đồng. Năm 2008, dự kiến số vốn đầu tư phải huy động là trên 43.000 tỉ đồng. Để có số vốn lớn này, ngoài việc huy động tổng lực các nguồn tự có (vốn khấu hao cơ bản, vốn bán cổ phần, lợi nhuận chuyển đầu tư..), thì phần nhiều trong số này là vốn vay thương mại trong và ngoài nước.

Đương nhiên, vay thì phải trả. Bên cạnh các khoản đầu tư xây dựng thuần, tập đoàn này còn mang vốn đầu tư sang một số lĩnh vực khác mà biết chắc sẽ gặp rủi ro. Từ đầu năm, mặc dù chưa lường hết những diễn biến không thuận của thị trường tài chính, song vẫn đưa vào kế hoạch cân đối nguồn vốn lên đến hàng trăm tỉ đồng từ việc thu cổ tức từ các Cty chiếm cổ phần chi phối và các Cty liên kết: Ngân hàng An Bình, Cty chứng khoán An Bình, Chứng khoán Hà Thành, Bảo hiểm Toàn cầu...

Mọi nỗ lực được dồn vào kinh doanh viễn thông khi tập đoàn này dự kiến đạt lợi nhuận khoảng 168 tỉ đồng, và đã dành vào đây hàng nghìn tỉ đồng đầu tư, nhưng có thể thấy lợi nhuận là chưa tương xứng. Chưa hết, vì quá say sưa với những khoản đầu tư bên ngoài, mà mới đây nhiều giám đốc các đơn vị thành viên EVN còn có công văn yêu cầu lãnh đạo tập đoàn phân cấp để có thể quyết định đầu tư các dự án (cả trong và ngoài ngành) trong phạm vi cho phép.

Cảnh báo nguy cơ rủi ro

Nếu đơn thuần là một DN, việc kinh doanh đa ngành để bù đắp các khoản thua lỗ từ kinh doanh chính cũng là việc nên làm và được luật pháp bảo hộ. Tuy nhiên, trên thực tế việc đầu tư "lấy ngắn nuôi dài" của các "anh cả" - được xem là các trụ cột của nền kinh tế như EVN - đang không dưới một lần được dư luận và các nhà kinh tế cảnh báo là nhiều rủi ro.

Các lĩnh vực EVN tham gia không nằm ngoài cảnh báo là tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm... nhưng theo Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển DN: Việc các DN này quá say sưa với kinh doanh đa ngành, bỏ quên lĩnh vực chính sẽ dẫn đến rủi ro, phân tán nguồn lực và ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu chính. Trong khi ngành điện đang phải gồng mình hết sức để đảm bảo đủ điện, thay vì nguồn vốn cần tập trung cho việc xây dựng các nhà máy mới, đường dây truyền tải, thì một phần trong số này lại được chuyển qua kinh doanh những lĩnh vực mà "không có TĐ cũng chẳng chết ai".

Mới đây, dư luận lại ồn ào việc EVN có văn bản gửi các đơn vị thành viên để huy động vốn góp thành lập Cty cổ phần Thiên Đường Lăng Cô, với số vốn lên tới 260 triệu USD, trong đó vốn góp điều lệ là 200 tỉ đồng. Cty Thiên Đường Lăng Cô được xây dựng trên diện tích 95ha tại khu du lịch Chân Mây - Lăng Cô - Thừa Thiên - Huế với ngành nghề đầu tư là bất động sản, lữ hành, lưu trú, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận tải, du lịch biển, hàng không dân dụng...

Các cổ đông sáng lập là EVN, Cty cổ phần bất động sản Điện lực Sài Gòn Vina, Cty CP bất động sản Điện lực miền Trung và Cty CP đầu tư kinh doanh Điện lực TPHCM... đều là những đơn vị mới thành lập. Thông tin này trở nên "phản cảm" trong bối cảnh thiếu điện vẫn đe doạ nền kinh tế và tiềm lực tài chính của các đơn vị ngành điện thực tế cũng không dư dả.

Trở lại với vấn đề hoạch định chiến lược cho sự phát triển một ngành năng lượng có vai trò sống còn đối với nền kinh tế như điện lực, phải chăng đã đến lúc phải cơ cấu ngành này một cách minh bạch để phát triển bền vững, chứ không phải chỉ "ăn xổi" và chờ thời, tránh những hệ lụy đáng tiếc.

(Theo báo Lao động)

btp