Mục tiêu đến năm 2010 có 100% xã, phường, thị trấn, trên 73% số hộ nông dân được sử dụng điện lưới quốc gia, đến nay toàn tỉnh đã có 85,4% xã, phường, thị trấn được sử dụng điện lưới, dự kiến Dự án "Phát triển hệ thống điện nông thôn giai đoạn 2006 - 2010" sẽ về đích sớm.
Dự án "Phát triển hệ thống điện nông thôn" thuộc Đề án "Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn giai đoạn 2006 - 2010" nhằm đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn tỉnh Lào Cai. Ngay sau khi dự án được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) đã tập trung bàn các giải pháp phát triển hệ thống điện nông thôn gắn với mục tiêu xoá đói, giảm nghèo.
Đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai dự án, trong đó chú trọng tới việc lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư lưới điện, tránh tình trạng chồng chéo từ các nguồn vốn hoặc đầu tư không đồng bộ dẫn đến không phát huy hiệu quả, gây lãng phí; phối hợp với các ngành báo cáo UBND tỉnh ưu tiên vốn ngân sách đầu tư dứt điểm đường dây 0,4 KV sau các trạm biến áp đã được ngành điện đầu tư (trạm treo); tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích nhân dân tham gia với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", người dân đóng góp công lao động, đầu tư đường điện rẽ nhánh về hộ, lắp đặt công tơ.
Chú trọng khai thác các nguồn lực qua Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đầu tư thuỷ điện để phát triển lưới điện nông thôn; phối hợp với Điện lực Lào Cai hàng năm bố trí vốn để đào tạo, bồi dưỡng công nhân vận hành điện nông thôn cho các xã, đại lý điện.
Sau hơn 2 năm thực hiện dự án, đến nay hệ thống lưới điện tỉnh Lào Cai đã được đầu tư xây dựng hơn 2.570 km đường dây từ 220 KV đến 0,4 KV; 1 trạm biến áp 220 KV - 500 MVA; 2 trạm 110 KV; 11 trạm biến áp trung gian và 572 trạm biến áp phân phối. Hiện tại toàn tỉnh có 140/164 xã, phường, thị trấn được sử dụng điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 85,4%. Trong đó, riêng hệ thống điện nông thôn (vùng nghiên cứu của dự án) có 119/143 xã có điện, đạt tỷ lệ 83%, có 61.910 hộ được sử dụng điện, đạt tỷ lệ 66,4%, bằng 80% mục tiêu của dự án đề ra đến năm 2010. Dự kiến đến giữa năm 2009, toàn tỉnh sẽ có 100% số xã, phường, thị trấn có điện lưới, về đích trước 1 năm so với dự án đề ra.
Hơn 2 năm qua đã có 43 dự án phát triển hệ thống điện nông thôn, với tổng vốn đầu tư khoảng 297 tỷ đồng, bằng 74% so với tổng nhu cầu vốn đầu tư dự án của giai đoạn 2006 - 2010, trong đó có 26 dự án đã hoàn thành, 6 dự án đang thi công và 11 dự án chưa thi công (đang tổ chức đấu thầu). Trong đó, dự án năng lượng nông thôn phần vốn dư đợt 3, giai đoạn 1 (REI.3) gồm 21 công trình cấp điện cho 21 xã đã hoàn thành cấp điện cho nhân dân trong khu vực vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007. Dự án điện khí hoá các xã biên giới (nguồn vốn khấu hao ngành điện) gồm 8 công trình cấp điện cho 8 xã đã hoàn thành.
Nguồn vốn Nghị quyết 37 và Chương trình 138, tổng số có 24 công trình và đã hoàn thành về cơ bản đầu tư xong đường dây 0,4 KV sau các trạm biến áp mà ngành điện đã đầu tư, phát huy hiệu quả của công trình, góp phần tăng tỷ lệ hộ có điện. Tuy nhiên, Dự án "Phát triển hệ thống điện nông thôn giai đoạn 2006 - 2010" còn nhiều hạn chế. Đó là vốn ngân sách và vốn khấu hao ngành điện đầu tư còn ít. Theo dự án, cả giai đoạn vốn ngân sách cần đầu tư khoảng 30 tỷ đồng cho lưới điện 15 xã, song mới được 2 xã; vốn khấu hao ngành điện đầu tư 90 tỷ đồng cho lưới điện 23 xã nhưng mới được 8 xã biên giới.
Nguyên nhân là do ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, trong khi đó cùng một lúc phải chia sẻ đầu tư cho các dự án thuộc 29 đề án và ưu tiên để đầu tư đường điện 0,4 KV sau các trạm biến áp. Ngành điện là một doanh nghiệp, nên khi đầu tư ngoài lợi ích xã hội phải cân đối hiệu quả kinh tế, trong khi đó đầu tư lưới điện nông thôn hầu hết chưa phát huy hiệu quả kinh tế, nên chưa tập trung đầu tư lưới điện khu vực này.
Các dự án đầu tư phát triển lưới điện nông thôn triển khai chậm, đặc biệt là dự án REII bởi công tác giải phóng mặt bằng chưa tốt. Từ cuối năm 2007 trở lại đây, giá cả vật tư, vật liệu xây dựng tăng đột biến, lạm phát cao, các ngân hàng thắt chặt tín dụng nên nhà thầu gặp nhiều khó khăn khi thi công. Mặc dù đã đưa điện về đến các xã, thôn, bản song tỷ lệ hộ dùng điện thấp do nhiều nơi người dân không đủ tiền để kéo điện từ đường trục về nhà. Một số nơi giá bán lẻ điện nông thôn cao hơn so với giá trần Nhà nước quy định do đường dây không đảm bảo tiêu chuẩn, tổn hao điện áp lớn, bộ phận quản lý điện ở các ban, tổ điện xã hoạt động kém hiệu quả.
Để đạt được mục tiêu của dự án đã đề ra đến năm 2010, cần phải cân đối ngân sách, bố trí lồng ghép các chương trình mục tiêu đầu tư phát triển lưới điện, đồng thời tỉnh chỉ đạo Điện lực Lào Cai tăng cường đầu tư mở rộng diện cung cấp điện cho các xã bằng nguồn vốn khấu hao ngành điện. Tránh đầu tư chồng chéo từ các nguồn vốn hoặc đầu tư không đồng bộ giữa trung áp và hạ áp dẫn đến công trình không phát huy được hiệu quả. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường quản lý, vận hành lưới điện nông thôn sau đầu tư...