Tin ngành điện

Sắp hết năm còn thay đổi kế hoạch lợi nhuận

Thứ sáu, 12/12/2008 | 09:17 GMT+7
Thay vì khởi động kế hoạch năm mới, một số công ty "trên sàn" lại sửa đổi mục tiêu lợi nhuận năm 2008 dù những ngày cuối cùng của tháng 12 sắp qua đi.

Thay vì khởi động kế hoạch năm mới, một số công ty "trên sàn" lại sửa đổi mục tiêu lợi nhuận năm 2008 dù những ngày cuối cùng của tháng 12 sắp qua đi.

Không chạy đúng như kế hoạch đề ra, Công ty cổ phần Xây dựng số 5 (mã cổ phiếu SC5) đã công bố thay đổi phương án lợi nhuận với những nguyên nhân khá quen thuộc như giá nguyên vật liệu đầu vào, giá xăng, chi phí nhân công cùng lãi suất ngân hàng, đều tăng cao. Đó cũng là những lý do mà một loạt doanh nghiệp sửa đổi kế hoạch kinh doanh trong quý III. Cộng với việc trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính, SC5 điều chỉnh lợi nhuận trước thuế xuống hơn một nửa, từ 87,2 tỷ đồng thành 40,48 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị IDICO (mã UIC) gây bất ngờ cho nhà đầu tư khi đột ngột thay đổi chỉ tiêu lợi nhuận và cổ tức. Đáng chú ý, đến ngày 22/12, doanh nghiệp mới hoàn tất việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về vấn đề này. Có lẽ khi doanh nghiệp chính thức công bố điều chỉnh những hạng mục này thì năm tài chính 2008 cũng đã qua đi.

Nhà đầu tư khá bất ngờ khi doanh nghiệp lại điều chỉnh kế hoạch vào cuối năm. Ảnh: Đ.Q .

Nghị quyết Hội đồng quản trị của Công ty Vận tải xăng dầu Vitacco (mã VTO) giữa tháng 11 cũng phê duyệt kế hoạch điều chỉnh năm 2008 với kết quả khá "ấn tượng", theo đó mức lãi chỉ còn 45 tỷ đồng thay vì con số ban đầu 97 tỷ đồng.

Theo ý kiến nhà đầu tư Phương Nga, sàn Rồng Việt, doanh nghiệp giảm doanh thu, lợi nhuận năm 2008 là điều có thể đoán biết trước. Tuy nhiên, hành động này lại đưa ra quá muộn màng khiến nhà đầu tư thất vọng về khả năng quản trị rủi ro công ty, làm ảnh hưởng đến quyết định mua bán của nhiều người. Với trường hợp này, tâm lý nhà đầu tư sẽ bất an khi không biết được cổ phiếu mình đặt kỳ vọng sẽ còn những thông tin gây sốc gì nữa.

Theo chuyên gia chứng khoán Huy Nam, "sự cố" này hoàn toàn do doanh nghiệp tự tạo. Chính công ty đã làm khó mình khi đặt ra kế hoạch cứng ngay từ đầu năm buộc phải đạt doanh thu, lợi nhuận ở mức cố định. Khó khăn trong năm 2008 dồn dập, tình thế buộc doanh nghiệp phải xin ý kiến cổ đông thay đổi phương án kinh doanh, nếu không sẽ mang tiếng "thất hứa". Tuy nhiên, nhà đầu tư bỏ tiền ra vì tin những lời hứa hào nhoáng của doanh nghiệp hồi đầu, nay sẽ hụt hẫng và có cảm giác bị dối lừa khi kỳ vọng họ đặt ra bỗng chốc lụi tàn.

Theo ông Nam, công ty niêm yết chỉ nên đưa ra mức phấn đấu, hướng đến trong năm. Nếu không hoàn thành được do tác động khách quan, doanh nghiệp không cần phải xin ý kiến điều chỉnh mà chỉ việc giải trình vào cuối năm. Nhà đầu tư sẽ dễ dàng thông cảm và chấp nhận hơn.

"Nếu với những lý do như giá nguyên vật liệu tăng, lãi suất tăng... mà đến nay mới thay đổi kế hoạch là không chấp nhận được, hệ thống kế toán, dự liệu giá cả công ty có vấn đề", Phó tổng giám đốc công ty chứng khoán Vincom, ông Phan Anh Tuấn nhận định. Những lý do này, đúng ra doanh nghiệp phải nhìn thấy từ trước. Chỉ những trường hợp bất khả kháng như không thể thu hồi nợ đúng hạn, hoặc ngoài tầm kiểm soát, nhà đầu tư mới có thể chấp nhận lợi nhuận công ty hạ xuống.

Ông Tuấn cũng nhận xét, hiếm có năm nào như năm nay, cuối năm doanh nghiệp vẫn còn thay đổi kế hoạch lợi nhuận.

 

Theo vnexpress

btp