Tin ngành điện

Điện nông thôn Bắc Giang: Giá cao, chất lượng thấp

Thứ sáu, 12/12/2008 | 09:38 GMT+7
Có hộ phải mua điện với giá cao gấp rưỡi, thậm chí gấp hai đến ba lần so với mức giá trần Nhà nước quy định, chất lượng điện nhiều nơi rất thấp là thực trạng về hoạt động quản lý, kinh doanh điện ở nông thôn hiện nay. Giải quyết vấn đề trên bằng cách nào là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Có hộ phải mua điện với giá cao gấp rưỡi, thậm chí gấp hai đến ba lần so với mức giá trần Nhà nước quy định, chất lượng điện nhiều nơi rất thấp là thực trạng về hoạt động quản lý, kinh doanh điện ở nông thôn hiện nay. Giải quyết vấn đề trên bằng cách nào là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Bắc Giang được cấp điện từ 3 trạm 110 kV, lưới điện trên địa bàn phần lớn là lưới điện nông thôn. Điện lực Bắc Giang (ĐLBG) đang quản lý vận hành gần 2 nghìn km đường dây trung áp, 581 km đường dây hạ áp, 19 trạm biến thế trung gian với công suất 76.250 kVA và 1505 trạm biến áp phân phối. Mạng lưới điện nông thôn do các hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp, HTX tiêu thụ điện năng quản lý gồm 29,3 nghìn km đường dây hạ áp các loại, 314.235 công tơ một pha, 6.548 công tơ 3 pha, bán điện tới 336.810 hộ dân của 202 xã thuộc 9 huyện. Những năm qua, ĐLBG đã dành hàng tỷ đồng đầu tư các trạm biến áp phụ tải cho khu vực nông thôn, đồng thời phối hợp với Sở Công thương đào tạo và cấp chứng chỉ cho thợ điện; kiểm định và trợ giá hàng nghìn công tơ một pha, kiểm tra khảo sát tư vấn công tác quản lý cho hàng trăm HTX...Phương thức quản lý điện nông thôn cũng có nhiều đổi mới, từ các cá nhân (cai thầu điện) quản lý kinh doanh điện chuyển sang các HTX dịch vụ tổng hợp và HTX tiêu thụ điện năng nhằm từng bước xã hội hóa công tác quản lý, vận hành và kinh doanh điện năng, góp phần tạo nguồn điện ổn định, an toàn, liên tục phục vụ các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển, đồng thời khuyến khích các hoạt động đầu tư, bảo dưỡng, xây dựng lưới điện hạ áp, tạo sự minh bạch trong công tác quản lý, kinh doanh điện năng, bảo đảm an ninh trật tự trong đời sống. Mặc dù vậy, hoạt động quản lý, kinh doanh điện khu vực nông thôn lại chưa chuyển biến nhiều, đặc biệt giá bán điện tại nhiều địa phương hiện vẫn còn cao hơn so với quy định của Nhà nước.

Theo quy định hiện hành, giá bán điện sinh hoạt nông thôn không được vượt quá 700 đồng/kWh (ĐLBG đang bán buôn cho các HTX 429 đồng/kWh) nhưng nhiều HTX vẫn bán điện vượt giá trần Nhà nước quy định. Huyện Lạng Giang có 28 HTX dịch vụ nông nghiệp (có dịch vụ điện) và HTX tiêu thụ điện năng thì có tới 10 HTX bán điện với giá hơn 700 đồng/kWh. Bà Phạm Thị Thực, thôn Kép 11, xã Hương Sơn (Lạng Giang) phản ánh: "Khi xã mới có điện, gia đình tôi mua điện với giá 700 đồng/kWh, 3-4 năm nay mua điện với giá 750 đồng/kWh. Chúng tôi không biết Nhà nước quy định mức giá bán điện sinh hoạt tới hộ tối đa là 700 đồng/kWh nên các anh thợ điện bảo nộp bao nhiêu tiền thì đóng bằng ấy…". Tại nhiều địa phương khác, việc bán điện với mức giá hơn 700 đồng/kWh cũng khá phổ biến. Theo báo cáo của ĐLBG hiện nay có tới 230.751/336.810 hộ nông dân (chiếm 69% số hộ sử dụng điện) phải mua điện với giá hơn 700 đồng/kWh, cá biệt có những địa phương nhất là khu vực miền núi vùng sâu vùng xa phải mua điện với giá 1.600 đồng, thậm chí 2.000 đồng/kWh.

Mua điện với giá cao như vậy nhưng từ nhiều năm nay, người dân nông thôn lại phải chịu thiệt thòi bởi chất lượng điện rất thấp. Không chỉ thường xuyên mất điện không rõ nguyên nhân, không được thông báo trước mà điện áp còn rất yếu ảnh hưởng lớn tới đời sống và sản xuất khu vực nông thôn. Anh Lại Văn Cứ, thôn Vàng 1, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) phản ánh: "Tiếng là có điện nhưng chúng tôi thường phải ăn cơm tối bằng đèn dầu vì bóng điện sáng được mỗi…sợi tóc. Gia đình tôi làm đậu phụ nên phải thức đêm xay bột vì ban ngày điện yếu máy không chạy được. Nhiều gia đình trong thôn đã hỏng ti vi vì điện yếu...". Ông Đào Đăng Đinh, Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện năng Thanh Hải cũng khẳng định: "Ngay cả ban đêm hoặc mùa đông, thời điểm người dân sử dụng điện ít, nhưng điện áp ở đây cũng không đạt được 220V".

Giá bán cao, chất lượng điện khu vực nông thôn thấp là do lưới điện khu vực này quá cũ nát. Hầu hết các công trình điện nông thôn đều được xây dựng từ năm 1994 trở về trước sau nhiều năm khai thác không được cải tạo nâng cấp nên không bảo đảm vận hành an toàn, trong khi đó thiết bị đo đếm điện phần lớn do Trung Quốc sản xuất sử dụng nhiều năm lại không được kiểm định định kỳ nên tổn thất điện năng cao (Tổn thất điện năng trung bình của lưới điện nông thôn hiện nay là 40%, cá biệt có nơi lên tới 60%). Phương thức quản lý điện nông thôn hiện nay còn chưa phù hợp, các HTX dịch vụ tổng hợp, HTX tiêu thụ điện năng được thành lập nhưng trên thực tế nhiều HTX chỉ tồn tại trên danh nghĩa còn việc quản lý vận hành lưới điện vẫn do các cai thầu thực hiện như trước đây. Ngành điện bán điện cho HTX, HTX bán lại cho cai thầu, cai thầu bán cho hộ dân. Do bán điện qua nhiều cấp như vậy nên việc các hộ dân phải mua điện cao hơn so với mức trần của Nhà nước là điều dễ hiểu. Một nguyên nhân khác là việc đầu tư lưới điện nông thôn không hoàn chỉnh, chắp vá do kinh phí eo hẹp. Tại nhiều xã miền núi vùng sâu vùng xa công trình điện hầu như không có đường dây hạ thế, các hộ dân trong thôn, xóm tự kéo đường điện từ sau trạm biến áp về gia đình. Đường dây dài, tiết diện dây nhỏ, chất lượng thấp nên điện yếu, tổn thất lớn ắt giá bán điện cao là không tránh khỏi…

Để khắc phục những bất cập trong hoạt động kinh doanh điện nông thôn, bảo đảm công bằng giữa các hộ sử dụng điện, tỉnh ta đang triển khai dự án điện nông thôn 2 (RE II) tại một số địa phương. Đây là cơ hội cho các xã củng cố, hoàn thiện lưới điện bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. ĐLBG cũng đang xây dựng đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, quản lý, bán điện trực tiếp tới hộ dân theo chỉ đạo của tỉnh và ngành điện. Việc bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý được xem là biện pháp lâu dài bởi chỉ khi được quản lý, vận hành bởi một đơn vị có chuyên môn, đủ năng lực tài chính thì lưới điện nông thôn mới được đầu tư, củng cố chống xuống cấp hiệu quả. Bên cạnh các biện pháp lâu dài trên, chính quyền các địa phương, ngành chức năng cần kiểm tra, giám sát hoạt động của các HTX, nhất là việc hạch toán giá bán điện trên cơ sở giá điện đầu vào, tỷ lệ tổn thất thực tế, chi phí quản lý để người dân nông thôn không bị thiệt thòi khi sử dụng điện

Theo Báo Điện tử Bắc Giang

btp