Tin ngành điện

Doanh nghiệp sẽ tốn thêm 2.300 tỷ đồng tiền điện

Thứ tư, 18/2/2009 | 07:29 GMT+7
Theo tính toán của Bộ Công Thương, với mức tăng 6-7,5% giá điện sản xuất, các doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm khoảng 2.300 tỷ đồng, bằng 0,35% giá trị gia tăng của cả năm.

Sáng nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp báo công bố quyết định tăng giá điện 8,92% từ ngày 1/3. Tại đây, những lo ngại liên quan đến tác động dây chuyền từ việc tăng giá điện tới các mặt hàng khác, tình trạng cắt điện tràn lan, chất lượng không ổn định... tiếp tục được đặt ra.

Theo đề án giá từ 1/3, giá điện sinh hoạt tăng khoảng 13% còn điện dành cho sản xuất vào khoảng 6-7,5% so với hiện hành. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào nhấn mạnh, thời điểm và các mức tăng giá đã được Chính phủ và các bộ ngành tính toán rất kỹ dựa trên chi phí đầu vào, CPI, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP... do vậy phương án giá đưa ra là hoàn toàn hợp lý.

Thứ trưởng Hào cho rằng điện sản xuất tăng khoảng 6-7,5% thì năm 2009, các ngành sản xuất phải chi thêm khoảng 2.300 tỷ đồng. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là các ngành sản xuất ca ba với mức tăng 3-4%. Các ngành còn lại chi phí đội thêm khoảng dưới 1%.

Mức tăng này, theo đánh giá của Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào, là không lớn vì nếu tính đúng và đủ theo đề xuất của EVN thì mức tăng có thể tới 20-30%. Tuy nhiên, để tránh hiệu ứng dây chuyền tới các nhóm mặt hàng khác, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ thực hiện một loạt giải pháp kiểm soát giá để hạn chế tối đa sự tăng giá của các mặt hàng.

Cũng theo tính toán của Bộ Công Thương, giá điện sinh hoạt tăng khoảng 13% sẽ làm tăng tiêu dùng cuối cùng của cá nhân năm 2009 khoảng 0,3-0,35% và làm tăng chi tiêu cho các hộ gia đình thêm khoảng 3%. Đổi lại, Nhà nước thực hiện chính sách trợ giá cho các hộ gia đình nghèo bằng cách chia nhỏ bậc thang để tính giá hợp lý. Trong đó, nếu các hộ gia đình chỉ sử dụng dưới 50 kWh, tiền điện hằng tháng phải trả sẽ đội lên khoảng 2.500 đồng, bằng 0,21% thu nhập của một hộ dân có thu nhập thấp nhất. Các hộ sử dụng dưới 100 kWh một tháng thì mức tăng tối đa là 18.000 đồng. Các hộ sử dụng dưới 200 kWWh thì số tiền phải trả thêm cho mỗi tháng vào khoảng 22.000 đồng và dưới 300 kWh trả thêm 28.000 đồng.

Giới chuyên gia nhìn nhận, những tác động từ việc tăng giá điện đã rõ song liệu người dân có được hưởng chất lượng dịch vụ tốt và khi nào thì EVN hết độc quyền vẫn là câu hỏi lớn . Giải đáp vấn đề này, Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho rằng: "EVN không muốn độc quyền mà đây là nhiệm vụ Chính phủ giao cho và chúng tôi buộc phải làm".

Theo ông Tri, trong bất cứ nền kinh tế nào, Nhà nước cần giữ vai trò độc quyền hoặc quyết định ở những lĩnh vực chủ chốt. Vấn đề là ai đứng ra đại diện cho Chính phủ nắm giữ độc quyền đó. Trong ngành điện thì EVN được lựa chọn để đảm đương nhiệm vụ này. "Chúng tôi sẵn sàng khi có sự cạnh tranh trong một số lĩnh vực của ngành điện. Nhưng cải tổ ngành điện phải có lộ trình. Nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi ích dân chúng", ông nói.

Hiện đã có nhiều đơn vị nhảy vào kinh doanh trong lĩnh vực điện lực như Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), Lilama hay Tập đoàn Than và khoáng sản (TKV). EVN mới đáp ứng được khoảng 50% nguồn điện trong nước, số khác thì phải mua của các đơn vị ngoài ngành. Ngành điện đang thiếu vốn nên việc điều chỉnh giá bán điện là việc không thể đừng. Câu chuyện giá điện ở Philippines là một bài học kinh nghiệm quý giá, Chính phủ nước này từng do dự tăng giá, đến khi xảy ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng đã phải phụ thuộc nhiều vào các dự án đốt dầu giá thành rất cao. Nếu có cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ, cùng kế hoạch huy động vốn rõ ràng, nguy cơ thiếu điện sẽ không xảy ra, giá sẽ tăng từ từ mà vẫn đảm bảo ở mức cạnh tranh.

"Kinh doanh điện là phải nhìn vào tương lai, mỗi năm chúng ta cần 3.000-4.000 MW, nếu không đầu tư cho các nhà máy điện thì chúng ta lấy đâu ra để đáp ứng nhu cầu", ông Tri trải lòng.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh, tăng giá hôm nay không có nghĩa là ngày mai chúng ta đáp ứng đủ điện ngay được mà cần phải có thời gian, bởi xây dựng một nhà máy điện thường mất 4-5 năm, có dự án mất tới 10 năm.

Đợt tăng giá lần này được coi là bước đệm để năm 2010, giá điện được “thả” hoàn toàn theo thị trường. “Chúng ta không thể lùi việc đưa giá điện theo cơ chế thị trường. Lạm phát năm ngoái là do nền kinh tế họat động kém hiệu quả, trong đó, tồn tại hệ thống giá cả còn bao cấp mà giờ còn điện, than”, ông nói. Than là đầu vào của ngành điện nên giá cả phải “trông chừng” giá điện để tăng theo.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định mức tăng 8,92% là không lớn và không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, số người được hỗ trợ giá theo cách tính mới này đã thu hẹp từ 3,5 triệu xuống còn 2,4 triệu người. Tác động thứ hai là thị trường điện nông thôn năm 2009 cũng sẽ phải tính như thành thị theo cơ chế bậc thang để những người nghèo thực sự nhận được sự hỗ trợ của 50 kWh giá điện ưu đãi đầu tiên.

Số tiền thu được từ đợt tăng giá điện vào khoảng 6.400 tỷ đồng, chiếm khoản không lớn so với 5 tỷ USD đầu tư cho ngành điện mỗi năm. Tuy nhiên, khoản tiền này sẽ hỗ trợ ngành điện đảm bảo phát triển bền vững lâu dài tiến tới mục tiêu cung ứng đủ điện trong tương lai. "Chúng ta cần nhìn vào tương lai chứ không phải vì lợi ích của EVN”, Phó thủ tướng kết luận.

(Theo Vnexpress)

 

btp