Mong được ngành điện bán điện trực tiếp đến từng hộ dân
Vừa qua, Báo Công Thương đã nhận được thư cảm ơn của các hộ dân xã Đức Thượng – Hoài Đức – Hà Nội. Nội dung bức thư như sau:
“Chúng tôi là những người dân ở tổ dân phố thú y (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức - Hà Tây cũ), nơi chỉ cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20km. Từ lâu, chúng tôi đã nghe nói Nhà nước có chủ trương đưa điện về nông thôn và bán điện với giá ưu đãi để góp phần cải thiện đời sống văn hóa, hiện đại hóa nông nghiệp- nông thôn, ngành điện đã thực hiện đầu tư cải tạo lưới điện nhằm chống thất thoát, nâng cao chất lượng điện, giúp người dân được hưởng giá điện ưu đãi. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay, chúng tôi vẫn phải trả giá cao gấp nhiều lần so với quy định của Nhà nước.
Cụ thể, các hộ dân Đức Thượng phải nộp tiền điện sinh hoạt nông thôn giá cao từ 1.100 đồng - 1.500 đồng/kWh. Doanh thu cao, nhưng chẳng đầu nậu nào bỏ vốn nâng cấp đường dây và trạm hạ thế. Vì vậy, đường dây bị chập cháy nhiều lần, chất lượng điện rất kém, điện lại bị cắt thường xuyên, nhiều ngày bị cắt 24/24 giờ, nhất là 3 tháng hè oi bức. Vừa qua, 120 hộ dân thuộc tổ dân phố thú y xã Đức Thượng – Hoài Đức – Hà Nội đã gửi đơn thư khiếu nại về Công ty Điện lực Hà Nội phản ánh tình hình. Sau khi nhận được đơn khiếu nại, chị Nguyễn Thị Minh Huệ, cán bộ Phòng thi đua tuyên truyền của Công ty đã cùng một số nhà báo lặn lội về tận nơi để điều tra và đưa thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng, bất chấp bọn “đầu trọc” đe dọa, cản đường. Nhờ đó, tình hình giá điện ở Đức Thượng đã nhanh chóng được cải thiện. Dân chúng tôi mong muốn được ngành điện đáp ứng nguyện vọng bán điện trực tiếp đến từng hộ dân”.
Đến năm 2012 Hà Nội sẽ không còn trung gian, cai thầu điện
Tình trạng ở xã Đức Thượng không phải là duy nhất. Huyện Hoài Đức có 20 xã, thị trấn với 12 xã làng nghề, sản lượng trung bình/tháng đạt khoảng 13,25 triệu kWh, giá bán điện bình quân của Chi nhánh điện Hoài Đức chỉ đạt 593đ/kWh nhưng người dân ở đây vẫn phải mua điện giá cao tới 1.300đ/kWh (với khách hàng sử dụng trên 100kWh). Các hộ sản xuất phần lớn phải mua điện qua trung gian với giá 1.300đ/kWh-1.600đ/kWh, cao hơn nhiều so với giá điện cho sản xuất do Chính phủ quy định. Nhiều nơi khác trên địa bàn Hà Nội mở rộng, người dân cũng phải mua điện với giá từ 900-1.000đ/kWh, thậm chí tới 1.500 đồng/kWh với chất lượng điện không đảm bảo, trong khi giá trần theo quy định là 700đ/kWh. Nguyên nhân là do người dân phải mua điện qua trung gian, cai thầu.
Theo thống kê của ngành điện, hiện nay trên địa bàn Hà Tây (cũ) chỉ có 327 phường, xã, thị trấn nhưng có tới 516 tổ chức, cá nhân làm trung gian đứng ra mua điện của Công ty Điện lực Hà Nội và bán lại cho các hộ tiêu thụ. Rõ ràng, việc tiếp nhận lưới điện hạ áp và việc quản lý bán điện đến hộ dân sao cho phù hợp chính sách, bảo đảm công bằng giữa các thành phần ki nh tế đang là một thách thức lớn của Hà Nội mở rộng. Được biết, tại kỳ họp thứ 17 vừa qua, HĐND TP. Hà Nội đã chính thức thông qua “Đề án điện nông thôn TP. Hà Nội giai đoạn 2008- 2012” với tổng kinh phí dự kiến khoảng 423 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là phát triển hệ thống điện nông thôn theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu điện đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng cho sản xuất và sinh hoạt của người dân ngoại thành.
Đặc biệt, TP. Hà Nội sẽ chú trọng đến việc đầu tư cải tạo, tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và tổ chức ký hợp đồng bán điện trực tiếp đến từng hộ dân theo đúng giá quy định của Nhà nước. Như vậy, đến năm 2012, trên địa bàn Hà Nội sẽ không còn tồn tại các hình thức trung gian, cai thầu điện. Người dân nông thôn, nhất là vùng mới hợp nhất sẽ được sử dụng điện có chất lượng đảm bảo với giá Nhà nước quy định.