Tin ngành điện

Điện lại “lâm nguy”

Thứ ba, 18/1/2011 | 14:59 GMT+7
Tình huống xấu nhất, thiếu điện căng thẳng từ tháng 3 đến tháng 6-2011. Việc tiết giảm điện đã được Tập đoàn Điện lực VN lên kế hoạch từ quý 4-2010.Chưa “đến hẹn” nhưng đã râm ran chuyện cắt điện. Không chỉ nông dân mà người dân thành phố, công nhân, doanh nhân... giờ đây cũng phải trông chờ... trời mưa, nếu khô hạn và thủy điện nằm chơi thì điện sẽ “lâm nguy”...

Tình huống xấu nhất, thiếu điện căng thẳng từ tháng 3 đến tháng 6-2011. Việc tiết giảm điện đã được Tập đoàn Điện lực VN lên kế hoạch từ quý 4-2010.Chưa “đến hẹn” nhưng đã râm ran chuyện cắt điện. Không chỉ nông dân mà người dân thành phố, công nhân, doanh nhân... giờ đây cũng phải trông chờ... trời mưa, nếu khô hạn và thủy điện nằm chơi thì điện sẽ “lâm nguy”...

 

Thủy điện Hòa Bình đang khó khăn do thiếu nước - Ảnh: C.V.Kình

Sẽ cắt điện sớm hơn, nhiều hơn?

Theo ông Nguyễn Văn Thành - giám đốc Nhà máy thủy điện Hòa Bình, năm 2011 tình hình nước về các hồ thủy điện còn thấp hơn năm 2010. Mực nước hồ Hòa Bình đầu tháng 1-2011 hiện ở mức khoảng 99m - thấp hơn gần 20m so với đầu tháng 1-2010, tương đương với việc mất khoảng 600 triệu kWh điện.

Không chỉ hồ Hòa Bình, theo Tập đoàn Điện lực VN (EVN), trong báo cáo về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2011, tính đến ngày 31-12-2010 - thời điểm các hồ phải cơ bản tích nước xong chuẩn bị cho mùa khô, mực nước các hồ thủy điện vẫn thấp hơn nhiều so với mực nước bình thường. Đặc biệt, tình hình thiếu nước lại xảy ra với hầu hết các hồ lớn, gây thiếu hụt 12 tỉ m3 nước, tương đương lượng điện bị thiếu hụt do không tích đủ nước là 3 tỉ kWh (trong khi tổng lượng điện tiết giảm do cắt điện luân phiên năm 2010 chỉ 1,39 tỉ kWh).

Trong báo cáo mới đây của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ về vận hành hệ thống điện ba tháng cuối năm 2010 và khả năng cung ứng điện 2011 cũng nêu rõ trong trường hợp thủy văn tiếp tục diễn biến bất lợi thì tình trạng thiếu điện sẽ bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 6-2011. Trong trường hợp thủy văn diễn biến có lợi (tương đương với trung bình nhiều năm), Bộ Công thương cho biết hệ thống điện vẫn phải vận hành ở mức độ căng thẳng và tiếp tục tiết giảm điện nhưng ở mức thấp hơn năm 2010.

Trước tình hình khó khăn về điện, Bộ Công thương đã yêu cầu EVN lập kế hoạch tiết giảm điện ngay từ quý 4-2010, trước mắt tiết giảm vào một số phụ tải lớn sản xuất thép, ximăng, hóa chất theo phương thức tăng thêm ngày nghỉ luân phiên. Điện sinh hoạt cũng cần thực hiện phương thức cắt luân phiên nhưng cắt giảm tương đối đồng đều cả thành phố và nông thôn.

EVN không gây sức ép để tăng giá điện

Ông Tạ Văn Hường, vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương), đánh giá nguyên nhân cơ bản nhất của việc thiếu điện là do tốc độ xây dựng nguồn điện mới không kịp tăng nhu cầu. Ông Hường không khẳng định điện mùa khô 2011 sẽ phải cắt sớm hơn 2010, nhưng tỏ ra hi vọng năm 2011 điện sẽ bớt căng hơn. Với dư luận cho rằng EVN tuyên bố mạnh khả năng thiếu điện để gây sức ép tăng giá điện, ông Hường nói thiếu điện là thực tế và EVN không thể gây sức ép với cơ quan nhà nước theo kiểu như vậy.

Ông Tô Quốc Trụ, giám đốc Trung tâm tư vấn năng lượng (Hiệp hội Năng lượng VN), cho rằng với tình hình hiện tại, khả năng phải cắt điện luân phiên ngay từ đầu mùa khô là thực tế. Nếu so với năm 2010, việc cắt điện có thể sẽ sớm hơn cả tháng. Với dư luận cho rằng EVN tuyên bố mạnh khả năng thiếu điện để gây sức ép tăng giá điện, ông Trụ cho rằng EVN không có khả năng tự vẽ ra viễn cảnh thiếu điện, vì Cục Điều tiết điện lực giám sát rất kỹ công suất cũng như sản lượng các nhà máy điện.

Khó thấy lối ra

Theo một quan chức EVN, tinh thần chia sẻ, chuẩn bị sống chung với thiếu điện là cần thiết trong mùa khô tới vì dự kiến năm 2011 nhu cầu về điện tăng gần 20%, trong khi khó có ngành sản xuất nào tăng nhanh sản lượng được đến vậy. Ngay cả khi tình hình nước tại các hồ thủy điện được cải thiện, lũ về sớm vẫn khó có thể đáp ứng được điện hoàn toàn cho mùa khô, vì đây là mùa nhu cầu điện tăng cao nhất trong năm.

Trong năm 2010, EVN đã đưa vào vận hành 11 tổ máy mới với khoảng 1.800MW điện, trong số này đã có 400MW thủy điện Sơn La. Vào mùa khô, khi hồ Hòa Bình thiếu nước, thủy điện Sơn La cũng khó lòng phát hết công suất thiết kế để hỗ trợ hệ thống điện. Tỉ trọng điện chạy than đưa vào vận hành trong năm 2010 đã được tăng lên 1.420MW, nhưng Bộ Công thương đánh giá “các nhà máy điện này vận hành không ổn định, thời gian thử nghiệm và nghiệm thu kéo dài. Các nhà máy nhiệt điện hiện có cũng thường xuyên xảy ra sự cố do đã vận hành liên tục trong thời gian dài, vượt quá chu kỳ bảo dưỡng sửa chữa theo yêu cầu của nhà sản xuất”.

Theo ông Tô Quốc Trụ, hiện còn khá nhiều nhà máy nhiệt điện - chỗ dựa chính cho năm 2011 - vẫn đang bị sự cố, chậm tiến độ như Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Cẩm Phả, Uông Bí mở rộng... Nếu trong mùa khô, các nhà máy này tiếp tục gặp sự cố thì hệ thống điện có thể mất tới cả ngàn megawatt công suất. Dù EVN có cố đến mấy vẫn khó thoát khỏi cảnh cắt điện luân phiên.

Đà Nẵng: cắt điện sửa chữa theo định kỳ

Theo lịch cắt điện của Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đà Nẵng, thời gian gần đây và những ngày sắp đến, việc cắt điện vẫn diễn ra ở nhiều nơi trong thành phố, thậm chí trong hai ngày 17 và 18-1, Bệnh viện (BV) Phụ nữ, BV Đà Nẵng, BV C, Trung tâm y tế Liên Chiểu cũng bị cắt điện. Trả lời về vấn đề này, ông Hoàng Đăng Nam - trưởng phòng điều độ Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đà Nẵng - khẳng định ngành điện cắt điện theo kế hoạch để duy tu, sửa chữa, thay thế cáp ngầm, thiết bị cũ định kỳ. Đồng thời cắt điện một số khu vực để thi công các dự án đầu tư lưới điện phục vụ chỉnh trang đô thị thành phố, đấu nối điện vào các dự án.

Ông Hoàng Đình Nam nói thêm lịch cắt điện sẽ chấm dứt vào ngày 1 đến 7-2 (tức 29 tháng chạp đến mồng 5 tết).

* Sáng 17-1, tại Khu công nghiệp Hòa Cầm (Đà Nẵng), Công ty viễn thông và công nghệ thông tin điện lực miền Trung (Tổng công ty Điện lực miền Trung) đã khánh thành xưởng sản xuất côngtơ điện tử (công suất 500.000 cái/năm). Theo ông Trần Dũng - giám đốc Công ty Viễn thông và công nghệ thông tin điện lực miền Trung, theo kế hoạch từ năm 2011 trở đi côngtơ điện tử 1 pha này sẽ dần thay thế loại côngtơ đo đếm điện cũ hiện đang sử dụng ở các tỉnh miền Trung.

Hà Nội, TP.HCM: Đảm bảo điện trong dịp Tết Nguyên đán

Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết từ ngày 31-1 đến 7-2 (28 tháng chạp đến mồng 5 tết) sẽ ngưng tất cả các công tác trên lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục trong dịp Tết Tân Mão. Cũng theo Tổng công ty Điện lực TP, việc cúp điện từ nay đến trước ngày 31-1 tại một số khu vực là do công tác bảo trì, bảo dưỡng lưới điện nhằm đảm bảo lưới điện hoạt động ổn định, giảm nguy cơ xảy ra sự cố chứ không phải do thiếu điện.

Chiều 17-1, phó tổng giám đốc Điện lực Hà Nội Vũ Quang Hùng cho biết hiện tại ngành điện TP Hà Nội đã hoàn thành việc kiểm tra toàn diện các trạm biến áp và các đường dây cấp điện từ 0,4kV đến 110kV để đảm bảo thực hiện phương án cấp điện an toàn, liên tục trong dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể, ông Hùng cho biết từ 0g ngày 23-1 đến 24g ngày 7-2 (20 tháng chạp đến mồng 5 tết) sẽ không cắt điện.

(Theo báo tuổi trẻ)

btp