Không trụ nổi vì lỗ, dồn dập xin tăng giá
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không tăng giá than, điện, xăng dầu từ nay đến Tết Nguyên đán, song, ở bất cứ cuộc họp tổng kết nào vừa qua, bài toán giá lại được các Tập đoàn xới lên đầy bức xúc.
Năm nay, các Tập đoàn năng lượng tỏ thái độ quyết liệt hơn mọi năm trước. Cái lý của ngành nào rất chính đáng: lỗ kéo dài.
Trong số đó, giá điện được cho là nhạy cảm nhất. Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện vẫn “căng óc” tính toán, tăng giá điện bao nhiêu là vừa? Trong khoảng thời gian này, các phương án giá điện đều được giữ kín như bưng.
Trao đổi với VEF, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, vẫn giữ nguyên quan điểm cần tăng giá điện bình quân tới 48%, tức lên mức 1.400-1.500 đồng/kWh (7-8cent/kWh) mà Hiệp hội đã đưa ra hồi tháng 8/2010. Ông Ngãi cho rằng, mức giá trên mới đủ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài “nhảy” vào ngành điện và để các đơn vị đang tham gia làm điện hiện nay có lãi tái đầu tư.
“Giá điện Việt Nam hiện chỉ 5,2 cent/kWh, khoảng trên 1.000 đồng/kWh. Nếu năm nay, chỉ tăng lên 1.100-1.200 đồng/kWh thì không giải quyết được gì. Các đơn vị điện vẫn cứ lỗ”, ông Ngãi thẳng thắn. Cũng theo ông Ngãi, giá điện ở Singapore, Malaysia là trên 14cent/kWh, ở Campuchia là 18cent/kWh, gấp 3 lần giá điện Việt Nam.
|
Giá than cho điện hiện chỉ bằng 68-73% giá thành (ảnh: Phạm Huyền) |
Không gây sốc đòi tăng một lúc tới 137% như năm ngoái, ngành than năm nay từ tốn hơn, đề nghị tăng giá cho điện theo lộ trình 2 đợt. Nhưng, mức tăng để được gọi là theo thị trường cũng kỷ lục nhất từ trước tới nay: tăng tới 40-45% ngay trong quí I. Riêng với xi măng, giấy, phân bón, mức tăng giá than được đề xuất vào khoảng 30%.
Lý do rất đơn giản: Năm 2010, giá than cho điện chỉ bằng 54-59% giá bán trong nước, bằng 35-40% giá xuất khẩu và mới bằng 67-73% giá thành. Giá than bán cho xi măng, hóa chất, giấy, chỉ bằng 60% giá xuất khẩu trong khi, đáng lẽ được phép bằng 90% giá xuất khẩu. Tính theo mặt bằng giá thành năm 2011, Vinacomin lỗ 3.000 tỷ đồng.
Kế đến là xăng dầu. Vì 2 lần tăng tỷ giá năm qua, Petrolimex đã lỗ tới 700 tỷ đồng. Với việc phải giữ giá bán lẻ, trong khi phía đầu vào, giá thành phẩm bình quân 30 ngày trên thị trường Singapore, tính tới 11/1/2011 đã vượt 100USD/thùng ở cả xăng và dầu, giá cơ sở đã cao hơn 15-16% giá bán lẻ, mỗi lít xăng dầu đã lỗ ít nhất 2.400 đồng. Quỹ bình ổn của Petrolimex đã sạch trơn.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex, nói nếu không kiên định thực hiện đúng Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu theo thị trường thì doanh nghiệp khó trụ được.
Kiềm giá hay buông?
Không phải ngẫu nhiên đầu năm nay, một loạt tập đoàn lại đồng nhất trong quan điểm quyết liệt xin tăng giá như vậy. Ông Nguyễn Văn Biên, Trưởng Ban kế hoạch của Vinacomin, bày tỏ : "Theo cam kết WTO, đến 2015, giá ở Việt Nam sẽ phải theo khu vực. Chúng ta chỉ còn 5 năm nữa thôi, không thể chần chừ mãi được. Nếu không bắt đầu làm ngay thì đến lúc còn 2-3 năm, không kịp xử lý".
Tuy thế, đại diện một tập đoàn ngỏ ý rằng, các doanh nghiệp đang hi vọng vào tinh thần đổi mới ở Đại hội Đảng XI .
Bấy lâu nay, chúng ta vẫn chứng kiến một mâu thuẫn lớn trong quan điểm: một bên, các tập đoàn khẩn thiết phải thị trường hóa về giá, năm nào cũng ca thán chuyện thua lỗ; một bên, các Bộ nghiêm khắc yêu cầu phải giữ giá vì mục tiêu kiềm chế lạm phát, hoặc chỉ cho nhích giá một chút, không đủ bằng giá thành. Trong khi đó, ở bên ngoài, mặt bằng giá đầu vào vẫn leo thang.
Thực tế thời gian qua, Chính phủ cũng đã ra nhiều văn bản pháp lý thể hiện rõ, năm 2010 sẽ “theo thị trường”, như Nghị định 84 đối với xăng dầu, Quyết định 246/2006 đối với điện, hay, thông báo 244/2009 của Thủ tướng đối với giá than.
Nhưng rồi bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hết lạm phát lại rơi vào suy giảm, và giờ là tiềm ẩn tái lạm phát, khiến cho mục tiêu thị trường hóa trên liên tục phải trì hoãn.
Trước thực trạng đó, các tập đoàn bằng mặt nhưng không bằng lòng khi phải cắn răng chịu lỗ, gồng mình cho các chỉ số vĩ mô như lạm phát, nhập siêu... được “đẹp”. Câu chuyện trên đã là một vòng luẩn quẩn kéo dài nhiều năm nay.
Vì lẽ đó, năm 2011, các "ông chủ" năng lượng đều mong chờ rằng, nhân Đại hội Đảng XI, sẽ có một sự đổi mới lớn về tư duy, quan điểm và cách thực hiện trong chiến lược thị trường hóa các ngành hàng nhạy cảm này.
Giả dụ với giá điện, vị Chủ tịch Hiệp hội năng lượng bày tỏ, lạm phát cao, do nhiều yếu tố như tài chính, ngân hàng, tiền tệ, thực phẩm… chứ không chỉ là do giá điện. Quan trọng là cách thực hiện hợp lý. Với các đối tượng vùng sâu, vùng xa, khó khăn thì có thể giữ giá điện như cũ. Song với mọi đối tượng còn lại, phải tăng mạnh bằng giá khu vực.
"Nếu chúng ta cứ mãi e sợ lạm phát, lấy tiêu chí đó để kiềm giá điện mãi như như mấy chục năm nay, thì rồi sẽ lại thiếu điện, ngành điện không thể phát triển được. Khi thiếu điện, sẽ còn nguy hiểm hơn cả việc tăng giá điện”, ông Ngãi lo ngại.
Cho tới nay, có những nhà đầu tư nước ngoài, đã được cấp phép từ lâu, đã ký hợp đồng mua than dài hạn với Vinacomin, nhưng vì lấn cấn giá điện thấp, nên giờ, vẫn chưa triển khai gì. Điển hình như nhiệt điện Hải Dương do Malaysia đầu tư theo theo hình thức BOT, hay nhiệt điện Mông Dương 2 do nhà đầu tư Mỹ chủ trì.
"Nhiều doanh nghiệp, nhiều thành phần kinh tế hiện nay đều đã đủ tiềm lực để chi trả theo cơ chế thị trường rồi, thì hãy trả lại thị trường cho họ", ông Biên bày tỏ. Ông kể: "Vinacomin nhận được những đề nghị sẵn sàng mua than theo giá thị trường, theo giá xuất khẩu từ những nhà máy xi măng liên doanh, nhưng không dám đáp ứng vì như thế là có phân biệt về giá giữa các khách hàng. Trong khi nếu theo thị trường thì chẳng tội gì, chúng tôi lại không chấp nhận những đề nghị đó".
"Còn thành phần nào cần hỗ trợ thì Nhà nước hãy hỗ trợ, như giấy vở cho học sinh, phân bón... , có thể tính cách hỗ trợ trực tiếp", ông Biên đề xuất
Theo vị chuyên gia này, trong Tập đoàn than, riêng phần quản trị chi phí, từ lúc thành lập Tập đoàn đến nay, đã phải 6-7 lần đổi mới để theo kịp cơ chế thị trường. Kinh tế thị trường ngày nay biến đổi mạnh như vậy, hội nhập theo cơ chế thị trường cũng giống như chúng ta đang đi trên một chuyến tàu rồi, anh nào chậm thì hãy đi chuyến tàu sau, Nhà nước có biện pháp hỗ trợ.
"Không thể bắt tất cả chờ đợi để rồi cho cả đoàn chậm theo được. Như thế sẽ tụt hậu ", ông Biên nhấn mạnh.
Theo các doanh nghiệp này, lộ trình hội nhập, tăng giá thị trường phải đủ ở mức hợp lý hơn. Nhà nước sẽ phải đo lường mức gây sốc cho nền kinh tế và có chính sách hỗ trợ cho những thành phần còn yếu kém. Bài toán của nhà làm chính sách là làm sao, giảm thiểu mọi tác động tới lạm phát, giữ bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng không đồng nghĩa với việc kéo lùi tiến trình thị trường hóa một cách thô sơ như hiện nay.
(Theo vietnamnet)