Tin ngành điện

Kinh tế Việt Nam: 3 rủi ro lớn nhất đối với nợ công

Thứ sáu, 17/12/2010 | 13:36 GMT+7
"Con số tỷ lệ nợ công hiện nay có thể có khác nhau đôi chút nhưng rủi ro lớn nhất nằm ở dòng tiền chứ không phải là tỷ lệ nợ bao nhiêu". - TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

"Con số tỷ lệ nợ công hiện nay có thể có khác nhau đôi chút nhưng rủi ro lớn nhất nằm ở dòng tiền chứ không phải là tỷ lệ nợ bao nhiêu". - TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Phải nhìn trong tổng nợ quốc gia

Nói về Nợ công của Việt Nam, dù hiện nay con số có thể khác nhau đôi chút, nơi thì 52% GDP, nơi lại 56% GDP nhưng ông Thành nhấn mạnh rủi ro lớn nhất nằm ở dòng tiền chứ không phải là tỷ lệ nợ bao nhiêu.

Ông Thành cho biết, tổng nợ nước ngoài của Việt Nam hiện nay vào khoảng 41-42 tỷ USD, trong đó nợ của tư nhân là khoảng 8-9 tỷ, còn lại là nợ của Chính phủ và theo quan điểm của ông thì hiện nay có 3 rủi ro lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt liên quan đến vấn đề này.

Rủi ro đầu tiên là một phần không nhỏ nợ công của Việt Nam hiện nay là bằng đồng Yên, khoảng trên dưới 30%. "Chúng ta biết tỷ giá đồng Yên rất dao động, nếu đồng Yên cứ lên giá như bây giờ thì rất bất lợi cho chúng ta dù lãi suất thấp", ông lưu ý.

Rủi ro thứ hai liên quan đến việc bảo lãnh vay không chỉ cho các Tập đoàn nhà nước mà còn là tư nhân thời gian qua, bởi vì theo TS Thành dù là nợ tư nhân, nhưng khi đổ vỡ lớn xảy ra thì Chính phủ cũng phải nhảy vào can thiệp, vì vậy nợ công cũng phải nhìn trong tổng nợ quốc gia.

Rủi ro thứ ba là mặc dù nợ ngắn hạn so với tổng nợ chúng ta thấp, chỉ vào khoảng 6-7 tỷ USD nhưng tỷ lệ nợ ngắn hạn trên dự trữ ngoại tệ đang tăng lên.

TS Võ Trí Thành: Chúng ta vẫn quá ham hố tăng trưởng. Ảnh: Cao Nhật

Theo TS Võ Trí Thành, năm 2011 có thể tỷ lệ nợ công sẽ đạt ở mức đỉnh điểm, "nếu chúng ta có một kế hoạch cải cách để phát triển kinh tế, cộng với chính sách kinh tế vĩ mô tốt, thì như IMF dự báo nợ nước ngoài của Việt Nam tính theo tỷ lệ (chứ không phải mức tuyệt đối) sẽ có xu hướng giảm dần".

"Nhưng lưu ý đó là chúng ta có chữ nếu", TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Hiệu lực của chính sách tiền tệ

Chính sách kinh tế vĩ mô phải đưa ra được những thông điệp rõ ràng cho thị trường, nhưng thực tế hiện nay rất chưa tốt đặc biệt là trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.

"Tôi gặp rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, khi họ vào đây nghe nói Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, nhưng họ thấy cũng không đến mức tệ hại như thế, vì thấy người Việt Nam càng khó khăn lại càng chi tiêu nhiều".

"Đến thời điểm tháng 6 vừa rồi, chúng tôi vẫn khuyến cáo Chính phủ hãy kiên nhẫn hơn một chút trong ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng lúc đó cũng có quan điểm phải đẩy tăng trưởng mạnh lên và có vẻ quan điểm đó thắng thế", ông Thành nói.

Vấn đề thứ hai là phối hợp chính sách phải tốt hơn. Ông Thành dẫn chứng thực tế đáng buồn, là nếu chúng ta nhìn vào kế hoạch phát triển của Việt Nam chỉ thấy chính sách tài khóa, tổng đầu tư, tổng tiết kiệm... mà không thấy chính sách tiền tệ ở đâu cả.

"Ngay cả nghị quyết của Quốc hội vừa mới được thông qua kỳ họp vừa rồi cũng không thấy bóng dáng vai trò chính sách tiền tệ ở đâu".

Ông Thành cho rằng, trong thị trường đô la hóa, vàng hóa với tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước chưa được như kỳ vọng như hiện nay thì bản thân hiệu lực của chính sách tiền tệ còn rất yếu.

"Vì vậy sự phối hợp hỗ trợ từ chính sách tài khóa sẽ góp phần rất lớn giảm sức ép lên chính sách tiền tệ là rất cần thiết", TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông cũng nhắc đến chuyện trong một nền kinh tế thị trường mà chúng ta quá nhấn mạnh đến các biện pháp kiểm soát giá của từng mặt hàng hơn là chúng ta phải nghĩ rằng sự bình ổn giá phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.

"Tuy có thời điểm cần sự can thiệp để an dân nhưng sự phối hợp của hai chính sách quan trọng đó mới là điều cơ bản chúng ta cần phải tập trung giải quyết".

Làm gì để lấy lại lòng tin

"Nếu chúng ta làm tốt ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin thị trường bắt đầu nhen nhóm trở lại thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hồi phục tốt hơn bắt đầu từ khoảng giữa hoặc cuối quý II năm sau"

Bàn về những thách thức của nền kinh tế trong năm 2011, TS Võ Trí Thành cho rằng, thách thức lớn nhất vẫn là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Những biện pháp can thiệp đưa ra phải dựa trên các nguyên tắc của thị trường, không thể hành chính được, khi đó lòng tin trong dân chúng cũng như nhà đầu tư mới được củng cố.

Chúng ta vẫn quá ham hố tăng trưởng, mà thực tế tăng trưởng ở Việt Nam hiện nay hàm lượng công nghệ không bao nhiêu, dựa vào tín dụng, vào tiền cung ứng, chi tiêu ngân sách là chính. Đó vẫn là rủi ro cho ổn định kinh tế của Việt Nam

Thách thức thứ hai là quá trình hội nhập, năm nay cũng là năm chúng ta đàm phán rất gay go với các đối tác: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU bắt đầu đàm phán, chúng ta cũng đã quyết định đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đây là lần đầu tiên chúng ta có cơ hội tiếp cận thực sự những cơ hội không chỉ là tiền mà còn là các công nghệ nguồn.

Ngoài quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ thể hiện trong những thông báo mới đây thì còn có một thông tin tốt nữa là theo dự báo cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam mặc dù thâm hụt thương mại vẫn rất lớn nhưng nhiều khả năng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam sẽ tăng.

CitiGroup đưa ra dự báo với mức 14,1 tỷ hiện nay thì đến năm sau Việt Nam có thể có khoảng từ 17-18 tỷ USD dự trữ.

Tuy nhiên đầu tư gián tiếp lượng dự báo năm sau vẫn chỉ bằng năm nay, cỡ 1,5-1,6 tỷ USD.

"Như vậy nếu nhìn tổng thể, nếu chúng ta làm tốt ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin thị trường bắt đầu nhen nhóm trở lại thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hồi phục tốt hơn bắt đầu từ khoảng giữa hoặc cuối quý II năm sau", TS Võ Trí Thành bày tỏ kỳ vọng.

                                                                                                       Tác giả: CAO NHẬT//theo VEF

btp