Không chỉ là vài chục người như dự đoán ban đầu, số lượng nhà đầu tư cá nhân và tổ chức mất tiền trong vụ lừa đảo 50 tỷ USD của cựu chủ tịch sàn chứng khoán Nasdaq Bernard Madoff lên tới hàng nghìn. Những người này có khả năng mất trắng số tiền đã góp.
Sau khi bị bắt hôm 11/12, Madoff khai báo là chỉ có 25 khách hàng, nhưng trong vài ngày gần đây, những nhà đầu tư góp vốn cho quỹ của ông này liên tiếp đến khai báo. Dự kiến số người mất tiền có thể lên tới hàng nghìn.
Trong số những người và tổ chức thông báo về việc đã góp tiền vào quỹ của Madoff có nhiều tên tuổi, như Norman Braman, cựu chủ tịch quỹ Philadelphia Eagles, chủ tịch hãng dịch vụ tài chính GMAC J. Ezra Merkin. Một quỹ từ thiện tại bang Massachusetts chuyên hỗ trợ người Do Thái cũng góp toàn bộ 8 triệu USD quyên góp được. Chủ tịch của tổ chức này cho biết nhiều khả năng họ phải đóng cửa.
Chính các quỹ đầu tư đa quốc gia, vốn được coi là am hiểu thị trường, cũng trở thành nạn nhân của Madoff. Một quỹ có tên Fairfield Greenwich cho biết đã đầu tư 7,5 tỷ USD, còn ngân hàng tư nhân Banque Benedict Hentsch Fairfield Partners SA của Thụy Sĩ ký gửi lượng tài sản của khách hàng có giá trị 47,5 triệu USD.
Hôm 11/12 vừa qua, Bernard L. Madoff, cựu chủ tịch sàn chứng khoán Nasdaq, và là chủ tịch công ty đầu tư chứng khoán mang tên mình, bị bắt vì cáo buộc lừa đảo. Ông này thừa nhận, toàn bộ hoạt động đầu tư thực chất chỉ là một trò lừa đảo lấy vốn của người này trả lãi cho người kia.
Theo các điều tra viên, Madoff giấu kín việc công ty bị thua lỗ với 2 người con trai và các thành viên khác của gia đình. Sau khi mọi chuyện bị phát hiện, ông ta thừa nhận với gia đình: "Tất cả là một vụ dối trá lớn" và rằng việc huy động vốn đầu tư chỉ là một kế hoạch lừa đảo.
Khi được hỏi có lời giải thích nào cho việc làm của mình không, vị cựu chủ tịch sàn Nasdaq trả lời, không có lời thanh minh nào. Madoff cũng nói với gia đình là đã chuẩn bị tinh thần cho việc phải ngồi tù, và đề nghị được tự mình chia nhỏ khoản tiền khoảng 200-300 triệu USD ông ta đã để lại cho người nhà, bạn bè và nhân viên trong công ty. Với tội danh lừa đảo, Madoff có thể phải ngồi tù 20 năm và nộp 5 triệu USD tiền phạt. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Mỹ cũng đang lập hồ sơ tội dân sự riêng với ông này.
Trong hàng chục năm qua, Madoff được coi là một huyền thoại trên thị trường tài chính và có danh tiếng lớn trong giới đầu tư. Với 5.000 USD, năm 1960, ông thành lập công ty chứng khoán, và vừa điều hành kinh doanh, vừa theo học tại Đại học luật Hofstra. Công ty của ông ta về sau trở thành một trong 5 nhà môi giới chứng khoán đi đầu trong việc thành lập sàn Nasdaq. Trong những năm 1980, Madoff là thành viên hội đồng quản trị của sàn này và đến đầu những năm 1990 trở thành chủ tịch.
Cho đến năm 2001, công ty của ông ta vẫn là một trong 3 nhà tạo lập thị trường lớn nhất trên sàn Nasdaq, và là doanh nghiệp môi giới lớn thứ ba tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE).
Ngay từ khi bắt đầu hoạt động thu hút vốn của các nhà đầu tư sau khi ngừng làm việc tại sàn Nasdaq, vị cựu chủ tịch đã thực hiện kế hoạch lừa đảo đơn giản này, nhưng không ai nghi ngờ vì danh tiếng của ông ta rất lớn. Để hấp dẫn nhà đầu tư góp vốn vào quỹ của mình, Madoff tuyên bố trả lãi 11% mỗi năm, trong khi lãi suất cơ bản của đồng đôla tại Mỹ trong hơn một năm qua liên tục giảm và đã xuống mức 1% mỗi năm.
Hình thức lừa đảo của Madoff không hề xa lạ, mà đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, trong đó nguồn vốn do các nhà đầu tư đóng góp không được đưa vào sản xuất, kinh doanh. Người huy động vốn dùng tiền của người đến sau trả cho người đến trước với lãi suất cao, và phải liên tục tìm thêm các "con mồi" mới. Hình thức huy động vốn này trước sau cũng đổ bể, vì thực tế không hề sinh lợi như khi các doanh nghiệp huy động vốn trên sàn chứng khoán để sản xuất và tạo ra lợi tức cho nhà đầu tư. Từ lâu hình thức này và huy động vốn đa cấp siêu lợi nhuận (pyramid scheme) đã bị coi là lừa đảo.
(theo AP, Reuters )