Lợi ích lớn là thế, song những năm gần đây do yêu cầu của ngành điện với lý do "an ninh lưới điện quốc gia", Nhà máy thuỷ điện Thác Bà buộc phải khai thác nước đến cạn kiệt đã làm ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thực hiện Quyết định 285/2006/QĐ-TTg ngày 26/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Bộ Công thương đã có công văn số 447/BCT-KHCN ngày 27/5/2008 gửi UBND tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến cho Bản dự thảo Quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện Thác Bà. Tỉnh Yên Bái đã đóng góp ý kiến để khai thác tài nguyên nước hợp lý trên hồ đem lại lợi ích cho cả quốc gia và địa phương.
* Doanh nghiệp, nhân dân thua thiệt vì nước hồ cạn kiệt
Ông Nguyễn Quốc Chi, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ điện Thác Bà cho biết: Nhà máy thuỷ điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của thuỷ điện miền Bắc Việt Nam được xây dựng từ năm 1961 đến năm 1971 mới đi vào hoạt động (do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ). Kể từ ngày đó, đến năm nay thì mực nước hồ có lúc xuống gần tới cốt 46m (đến cốt 46m buộc nhà máy phải ngừng hoạt động nếu không sẽ xảy ra tình trạng xâm thực gây phá huỷ hệ thống tua bin phát điện), nhưng do yêu cầu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia A0, để đảm bảo vì an ninh lưới điện quốc gia buộc nhà máy phải phát điện. Ông Chi còn cho biết thêm: Mực nước hồ xuống dưới cốt 50m buộc nhà máy phải mở hết cửa xả nước nhưng mỗi 1 KW điện phải hao tốn tới 13 - 14m3 nước và cũng chỉ đạt công suất tối đa 90 MW/giây, nhưng nếu nước ở cốt 52 m trở lên thì chỉ cần mở cửa xả nước ở mức 70 - 75% là đã đạt tới công suất 120 MW/giây. Tính ra nhà máy cũng chẳng được lợi lộc gì khi buộc phải phát điện khi nước hồ cạn kiệt. Còn ông Vũ Tiến Bộ, Giám đốc Công ty cổ phần xi măng Yên Bình thuộc Tổng công ty Vinaconex cho biết: Do nước hồ quá cạn nên doanh thu của công ty đã giảm tới hàng trăm tỷ đồng vì hệ thống vận tải đường thuỷ không thể hoạt động mặc dù doanh nghiệp đã phải chi tới ngót chục tỷ đồng để nạo vét đất đá dưới lòng hồ khơi thông luồng lạch cho xà lan chạy. Doanh nghiệp cũng đã thuê xe tải vận chuyển đường bộ nhưng giá thành 1m3 đá lên tới 65.000 đồng, kinh doanh sẽ bị thua lỗ. Mặt khác để có đủ 3.000 m3 đá sản xuất, nếu dùng xe để vận chuyển mỗi ngày mất 150 chuyến, tương ứng với 75 xe chạy 2 chuyến/ngày thì không thể có đủ bến, bãi để xe vận chuyển đá vào cho nhà máy hoạt động bởi dây chuyền sản xuất đã khép kín cho vận tải đường thuỷ. Do không vận chuyển được nguyên liệu buộc nhà máy đã phải dừng sản xuất 45 ngày gần đây (mỗi ngày sản xuất được 3.000 tấn xi măng bán ra được 2 tỷ đồng), trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho 500 cán bộ công nhân viên. Không riêng gì thua thiệt của các doanh nghiệp nói trên mà rất nhiều các doanh nghiệp khác đóng trên địa bàn như: Trung tâm Du lịch hồ Thác Bà, Công ty Cổ phần xi măng Yên Bái, hàng loạt các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, nhân dân vùng hồ cũng bị thiệt hại lớn vì nước hồ cạn kiệt. UBND tỉnh Yên Bái cũng đã buộc phải hoãn việc thực hiện kế hoạch tổ chức tour "Du lịch khám phá hồ thuỷ điện Thác Bà" năm 2008, tour du lịch lớn nhất trong năm của tỉnh Yên Bái theo chương trình của Lễ hội về nguồn giữa ba tỉnh Yên Bái- Phú Thọ- Lào Cai năm 2008 mà Yên Bái là tỉnh đăng cai tổ chức.
* Cần một giải pháp hữu hiệu
Ông Phạm Duy Cường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Khai thác hợp lý nguồn nước hồ chứa thuỷ điện Thác Bà chính là giải pháp hữu hiệu để đảm bảo lợi ích quốc gia, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Ông Cường khẳng định: Vào mùa khô mực nước hồ cạn, nhưng nếu duy trì mức nước ở cốt 48-49 m thì Nhà máy thuỷ điện Thác Bà luôn đạt được công suất tối đa là 120 MW/giây, còn nếu khai thác đến mực nước ở dưới cốt 47 m thì công suất chỉ đạt 90 MW/giây, trong khi đó nhà máy phải mở hết cửa xả, gây lãng phí nước. Đối với địa phương, nếu duy trì được mức nước trên thì việc khai thác, sử dụng khu du lịch hiện có sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Đồng thời tháo gỡ được khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong vận tải nguyên, vật liệu theo đường thuỷ khi mùa nước cạn; đảm bảo được môi trường sinh thái, cung cấp nước sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân.../.