Tin ngành điện

Chia sẻ kinh nghiệm hoạch định chính sách phát triển năng lượng bền vững

Thứ năm, 20/11/2008 | 08:46 GMT+7
Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Na Uy tại Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo về chính sách năng lượng bền vững.
Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Na Uy tại Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo về chính sách năng lượng bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên hoan nghênh sáng kiến của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cùng với Đại sứ quán Vương quốc Na Uy tổ chức hội thảo. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, phát triển năng lượng bền vững không chỉ là vấn đề quan trọng của riêng Việt Nam mà còn là mối quan tâm của toàn thế giới. Phó Chủ tịch đánh giá hệ thống quy định của pháp luật tạo nên nền tảng quan trọng cho sự phát triển năng lượng bền vững.

Khai mạc hội thảo, Viện sỹ Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu rõ: đối với các nước đang phát triển, tìm nguồn năng lượng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, khai thác năng lượng sẽ ảnh hưởng tới môi trường. Hội thảo lần này sẽ là dịp để trao đổi kinh nghiệm trong hoạch định chính sách phát triển năng lượng bền vững trong thời gian tới, đồng thời, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy.

Bà Ann-Helen Azedo, Phó Đại sứ Vương quốc Na Uy cho rằng các cơ quan lập pháp và hành pháp cần hợp tác để hoạch định chính sách phát triển an ninh năng lượng, bảo đảm môi trường, từ đó hoạch định chính sách phát triển kinh tế bền vững.

Tổng quan về hệ thống năng lượng Việt Nam và định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năn 2020, tầm nhìn đến năn 2050 là một trong những nội dung thảo luận tại Hội thảo. Mục tiêu của ngành năng lượng Việt Nam là phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội: trong đó, năng lượng sơ cấp năm 2010 đạt khoảng 47,5-49,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2020 đạt khoảng 100-110 triệu TOE, đến năm 2025 khoảng 110-120 triệu TOE và đến năm 2050 khoảng 310-320 triệu TOE. Nâng cao độ chính xác trong việc đánh giá trữ lượng các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, thủy điện và u-ra-ni-um); mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới trong việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác than, dầu khí và các dạng năng lượng khác ở nước ngoài bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt trong nước; phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010; khoảng 5% vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050...

Na Uy cũng chia sẽ với Việt Nam kinh nghiệm về quản lý bền vững và thận trọng tài nguyên dầu khí- chính sách và cơ cấu tổ chức. Bà Mette K. Gravdahl Agerup - Bộ Năng lượng và Dầu khí Na Uy cho biết, trong chính sách dầu khí của Na Uy, nguyên tắc và mục tiêu được quy định chủ yếu vào quyền sở hữu quốc gia đối với các mỏ dầu nằm ở biển sâu; tài nguyên dầu khí phải được quản trị vì lợi ích xã hội trên hết. Mục tiêu là tạo ra giá trị lớn nhất thông qua: hệ thống luật pháp/cấp phép; quản lý tài nguyên thận trọng; phát triển năng lực quốc gia và bí quyết công nghệ.

Tại hội thảo các đại biểu cũng đã trao đổi các nội dung: tổng quan về thể chế và chính sách phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam; Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025; Sáng kiến minh bạch hóa trong công nghiệp khai khoáng của Na Uy.../.

Theo EVN
btp