Tuy nhiên, chấp nhận hy sinh là chỉ hy sinh cái gì không thể cứu vãn được (trước khi nó biến mất, chúng ta cần quay phim, chụp ảnh, ghi âm lại để lưu giữ), chứ các di sản có thể di dời, "giải cứu" được, thì nhất thiết phải ra tay một cách khoa học và triệt để.
Nói như PGS-TS Nguyễn Khắc Sử - Trưởng đoàn di dời các di chỉ thuộc lòng hồ thuỷ điện Sơn La - thì: Việc bảo tồn, di dời phải "khoa học, chu đáo và triệt để", là bởi vì "chúng ta không có cơ hội làm lại lần thứ hai".
Trong vùng ngập nước có ít nhất 23 di chỉ khảo cổ học quý, có di tích quốc gia bia Lê Lợi, di tích cấp tỉnh dinh Đèo Văn Long, có cầu Hang Tôm, cây cầu dây văng từng nhiều thập niên được tôn vinh là lớn nhất VN, có các dinh châu phủ Quỳnh Nhai ghi dấu tội ác của phìa tạo thời cũ, có cây đa Pác Ma oai hùng từng chứng kiến cảnh bọn xâm lăng bị người Việt tiêu diệt hàng loạt.
Đặc biệt, có tấm bia cổ Cà Nàng bí ẩn, hoang vu; có bãi đá cổ Liệp Tè với những hình khắc đẹp, cùng những dấu tích quý giá của một ngôi chùa triều Lê ở Mường Chiên... Rất nhiều.
Tính riêng tỉnh Sơn La, chỉ trong năm 2002, Bảo tàng tỉnh Sơn La và Viện Khảo cổ khảo sát trong 8 xã bị quy hoạch ngập nước, đã phát hiện hơn 20 di chỉ khảo cổ học quan trọng thời tiền sử, với các hiện vật 3 vạn năm tuổi.
Đợt thứ hai (năm 2004), chỉ trong 2 tháng, đoàn khảo sát 9 địa điểm, phát hiện 3 khu vực cư trú của người tiền sử với rìu đá, nhiều công cụ cầm tay bằng đá, mũi lao đá, vỏ hạnh nhân... Từ hàng nghìn hiện vật đã thu thập ở nhiều mái đá, hang động cổ dọc sông Đà, các nhà khảo cổ đã kết luận: Khu vực sắp ngập nước của Sơn La, là nơi cư trú của người tiền sử.
Và, trước khi khởi công thuỷ điện Sơn La, vào tháng 5.2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt báo cáo tiền khả thi: "Bảo vệ cấp thiết và phát huy giá trị di sản văn hoá vùng lòng hồ và vùng tái định cư thuỷ điện Sơn La", giao Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) chủ quản dự án.
Dự án kể trên (giai đoạn 2006-2010), chỉ còn 1 năm nữa để cơ quan hữu trách... tiếp tục triển khai. Còn quá ít thời gian để cứu di sản khỏi "chết đuối" trước khi nước ngập. Trong khi đó, tiến độ di dời hầu như chưa được bao nhiêu.
Ngay cả những di tích vật thể "cốt yếu" nhất của cuộc di dời khổng lồ này cũng vẫn chưa hề được đụng đến. Chẳng hạn, bia Lê Lợi (nơi Lê Lợi đề "thơ" đầy hào khí để kỷ niệm lần ông thân chinh đánh giặc ngoại bang và giặc cỏ làm phản dọc sông Đà năm 1432). Việc cắt các bức tường đẹp lạ lùng của châu phủ Quỳnh Nhai đi, việc khai quật trong khu vực di tích ở Sơn La, đến giờ vẫn còn tranh cãi giữa huyện với tỉnh là... có được khai quật hay không.
Bãi đá cổ ở Liệp Tè, nằm giữa sông Đà bị phá huỷ bởi các trò tận thu khoáng sản một cách tang thương, thế mà các bên quản lý, giám sát và thi công dự án vẫn còn tranh luận: Cắt đá "bứng" đi theo lối nào, ai cắt, chi bao nhiêu tiền để cắt?...
Đến một việc chậm chạp "chữa cháy" như dự án sưu tầm các công cụ sản xuất, trang phục, nhà cửa, dụng cụ sinh hoạt, các sản phẩm văn hoá độc đáo của các bản làng đang bị di dời vĩnh viễn cũng bị "đánh trống bỏ dùi".
Một dự án như vậy, sống còn với văn hoá vùng sắp bị ngập nước muôn thuở như vậy mà mãi năm 2008 mới được cấp kinh phí đồng loạt cho ba tỉnh để "hoả tốc" triển khai. Nhưng, ngay lãnh đạo Bảo tàng Lai Châu cũng phải thừa nhận: Dự án đang rất "chậm". Cán bộ bảo tàng ở Sơn La thì kêu trời: Làm chậm lắm, họ cắt bớt tiền nên rất khó để sưu tầm (mua) được hiện vật.
Sao lại có chuyện đó? Còn nhớ kinh nghiệm từ xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, việc sưu tầm cổ vật, bứng cả khối núi đá khổng lồ có chữ của Vua Lê về bảo tàng còn làm được, có gì mà khó khăn khi sưu tầm cày, cuốc, áo, quần, sáo nhị, cột kèo nhà cửa của những người đang sống, đang sử dụng các "hiện vật" đó? Thẳng thắn mà nói: Chúng ta chưa làm hết sức với kho di sản sắp chìm trong lòng hồ thuỷ điện Sơn La.
Các nhà văn hoá, các cán bộ địa phương thường kêu ca về tiến độ chậm, về sự thiếu nhịp nhàng kết hợp giữa các "bên" (địa phương và trung ương, bên doanh nghiệp giữ tiền và bên trực tiếp đi làm văn hoá) để cứu kho di sản kia.
Vấn đề đặt ra là, cứ kêu mãi, thế thì mũi dùi "quy trách nhiệm" từ những lời kêu đó sẽ đâm vào chỗ nào? Hoá ra là... không ai cả. Phải chăng mũi dùi trách nhiệm đang chĩa vào tất cả chúng ta?