Tin ngành điện

'Kinh tế VN như người ốm cần kê đúng đơn thuốc'

Thứ tư, 16/7/2008 | 16:01 GMT+7
Khó kiềm chế lạm phát cả năm ở con số dưới 30% khi giá dầu thô thế giới được dự báo sẽ đạt ngưỡng 300 USD một thùng, giới chuyên gia nhìn nhận lạm phát là vấn đề tất yếu khi kinh tế tăng trưởng.

Khó kiềm chế lạm phát cả năm ở con số dưới 30% khi giá dầu thô thế giới được dự báo sẽ đạt ngưỡng 300 USD một thùng, giới chuyên gia nhìn nhận lạm phát là vấn đề tất yếu khi kinh tế tăng trưởng.

Tính đến hết tháng 6, chỉ số CPI đã tăng tới 26,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,44% so với cuối năm 2007. Theo những dự báo lạc quan nhất, CPI của cả năm 2008 vào khoảng 22% hoặc 25-30%, song để đạt được mục tiêu này theo giới chuyên gia là không mấy dễ dàng.

Tại cuộc hội thảo về quản lý thị trường và giá cả nhằm kiềm chế lạm phát do Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính chiều 15/7, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát vẫn tăng cao, giá cả nhiều mặt hàng vẫn biến động và thị trường còn tiền ẩn nhiều yếu tố bất ổn và khó lường. Giá xăng dầu, sắt thép, lương thực thế giới đang diễn biến bất thường và có nguy cơ tăng cao. Do vậy tất cả những mục tiêu kiểm soát lạm phát ở con số 22%, 25% hay 30% đều có thể bị phá vỡ bất kể lúc nào nếu nền kinh tế VN "không bắt đúng bệnh và kê đơn đúng thuốc".

Giá nhiều mặt hàng thực phẩm vẫn đứng ở mức cao. Ảnh: Hoàng Hà.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả - Vũ Đình Ánh - cho rằng giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, ngưỡng 300 USD cho mỗi thùng dầu được dự báo có thể thiết lập. Trong bối cảnh như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở ngưỡng kỳ vọng 22% hoặc 25-30% rất khó đạt được nếu VN không áp dụng một loạt các giải pháp đồng bộ. Theo ông, chừng nào còn hiện tượng đầu cơ, buôn lậu, hệ thống phân phối bất cập thì khả năng kiểm soát lạm phát vẫn còn gặp khó khăn.

Tiến sĩ Bùi Đức Thụ - Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách - Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng VN đang chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới, tuy nhiên cũng không phủ nhận rằng có rất nhiều yếu tố tác động từ bên trong nội tại của nền kinh tế. Do vậy, không thể đổ hết lỗi cho yếu tố khách quan và tác động từ bên ngoài.

"Nói tóm lại nền kinh tế của chúng ta đang giống như một người yếu, nếu dùng biện pháp gây sốc là tiêm thuốc bổ cũng khó mà hồi phục ngay", ông Thụ ví von. Theo ông có bệnh thì vái tứ phương, lạm phát là tất yếu của tăng trưởng kinh tế, vấn đề còn lại là chọn liều thuốc nào và liều lượng ra sao để có thể trị đúng bệnh.

Nguyên nhân gây ra lạm phát được xác định, nhiều biện pháp "kiềm chế" cũng đã đưa ra song câu hỏi lớn nhất mà các chuyên gia đưa ra trong cuộc hội thảo vẫn là: 6 tháng còn lại của năm chỉ số CPI sẽ dừng ở ngưỡng nào. Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi - Phó giám đốc Học viện Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng giá nguyên nhiên liệu đầu vào được dự báo sẽ còn tăng cao, thiên tai dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát... những yếu tố này vẫn còn tác động tới nền kinh tế VN.

Tuy nhiên, bà Mùi nhìn nhận lạm phát là vấn đề tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế và nếu không có lạm phát thì không có sự tăng trưởng. "Tôi cho rằng chúng ta không nên đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát mà phải đặt nó vào tầm kiểm soát có hiệu quả", bà Mùi nói.

Theo bà CPI của tháng 5 giảm do nhiều yếu tố như công cụ lãi suất đang ổn định và giảm dần, việc Chính phủ thắt chặt chi tiêu công trong 6 tháng đã góp phần kiềm chế chỉ số giá ở mức thấp hơn. Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tập trung vốn cho các dự án có hiệu quả cao và khả năng trả nợ đúng hạn cũng có tác dụng đáng kể.

"Nhiều yếu tố cho thấy lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ giảm khi các biện pháp tài chính tiền tệ được áp dụng. Tôi tin rằng, CPI của VN sẽ ổn định trong những tháng còn lại của năm", bà Mùi nói.

Không quá lạc quan với tình hình hiện tại, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại Dịch vụ giá cả, Tổng cục Thống kê - Nguyễn Đức Thắng cho rằng từ nay đến cuối năm nếu mỗi tháng, CPI giữ ổn định mức tăng 1,1% thì cuối năm con số này vào khoảng 25%. Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao thì mục tiêu 25% này sẽ bị phá vỡ.

Ông cho hay ba kịch bản được Tổng cục Thống kê đưa ra cho 6 tháng cuối năm: Nếu CPI chỉ tăng trung bình 1% so với tháng trước thì lạm phát tháng 12/2008 so với cùng thời điểm năm 2007 chỉ tăng 25%. Kịch bản thứ hai, CPI mỗi tháng tăng 1,2% so với tháng trước thì tháng 12/2008 so với 2007 sẽ tăng khoảng 27,25%. Trong trường hợp thứ 3 nếu mỗi tháng CPI tăng 1,5% thì lạm phát có thể lên tới 30%.

Tuy tốc độ tăng giá đã chững lại nhưng hầu hết những mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống đều đứng ở mức cao, nền kinh tế VN đã có dấu hiệu tích cực song chưa thể ổn định, ông Thắng cho rằng cần tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, kiểm soát hoạt động thương mại, sản xuất kinh doanh nói chung và các tập đoàn, tổng công ty lớn nói chung. "Tôi cho rằng chỉ khi chúng ta áp dụng đồng bộ các giải pháp thì mới mong kiểm soát lạm phát có hiệu quả", ông Thắng nói.

(Theo Vnexpress)

btp