PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư dàn trải và thiếu hiệu quả gây thiếu điện?
Ông Dương Quang Thành: Tôi xin khẳng định là cho đến giờ, 100% các dự án của EVN đều nằm trong qui hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt. Ngoài những dự án đó, các tỉnh, địa phương yêu cầu EVN đầu tư đáp ứng phụ tải cho khu vực nào đó, nhưng chưa có trong qui hoạch, chúng tôi đều yêu cầu địa phương điều chỉnh lại qui hoạch, trình Bộ Công thương phê duyệt. Trên cơ sở đó, chúng tôi mới đầu tư. Vì nhu cầu điện quá lớn, nên EVN đầu tư rất nhiều dự án, chứ không phải là đầu tư dàn trải, từ dự án nguồn, đến dự án lưới...
PV: Có thể nói, việc chậm tiến độ của nhiều dự án là một trong những nguyên nhân gây thiếu điện trầm trọng. Trong khi EVN buộc phải đẩy nhanh tiến độ, thì các ngân hàng cũng gặp khó khăn về cung ứng vốn. Vậy EVN làm gì để giải quyết được vấn đề này?
Ông Dương Quang Thành: Đúng là chúng tôi đang rất khó khăn về huy động vốn của các dự án. Ngay cả dự án hiện nay chúng tôi đang đầu tư, thi công và sắp vận hành trong năm nay cũng đang gặp khó khăn. Nên vừa rồi EVN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, nguồn vốn mà chúng tôi đang thiếu, chưa vay được các ngân hàng là khoảng hơn 9.000 tỉ đồng. Mới đây, Chính phủ đã có cuộc họp, và cũng đã có hướng giải quyết. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, có ít nhất là nguồn vốn đảm bảo cho các công trình đang thi công đúng tiến độ và vận hành vào năm 2008.
PV: Thiếu vốn cho các dự án sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc cung ứng điện cho nguồn điện quốc gia?
Ông Dương Quang Thành: Việc thiếu vốn sẽ làm công trình chậm tiến độ. Đối với các dự án điện, nguy cơ chậm tiến độ có ảnh hưởng rất lớn cung ứng điện cho nền kinh tế. Chẳng hạn, một công trình điện như các nhà máy thuỷ điện thiếu vốn thì tiến độ không chỉ bị đẩy lùi 1 - 2 tháng mà là đẩy lùi đến 1 năm vì nó phụ thuộc rất nhiều vào mùa mưa, mùa khô, mùa thi công, cũng như khi tích nước để phát điện. Nếu chậm tiến độ thì việc đáp ứng điện cho các năm sau, đặc biệt là năm 2009, 2010 trở đi sẽ rất khó khăn cho việc cung cấp điện cho các ngành kinh tế.
PV : Có thể nói, ngoài việc trông chờ vốn vay từ các ngân hàng thì EVN có khả năng huy động cũng như giải quyết vấn đề khó khăn về vốn như thế nào?
Ông Dương Quang Thành: Quả thực việc đó là rất khó vì vốn khấu hao của chúng tôi hiện nay dự kiến chỉ trả lại vốn vay gốc và lãi vay trong thời gian xây dựng, phần còn lại ưu tiên đầu tư thứ tự như trên. Hiện nay chúng tôi đang thực hiện cổ phần hoá. Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán giảm nên EVN chưa đưa ra cổ phần hoá cho công trình nào. Hy vọng cuối năm thị trường chứng khoán tốt hơn, chúng tôi sẽ cổ phần hoá một số nhà máy điện hiện nay đang vận hành, cũng như một số nhà máy điện đã được cổ phần hoá từ năm 2007 trở về trước. Chúng tôi dự kiến thành lập các công ty cổ phần để huy động vốn của các doanh nghiệp, các đơn vị trong và ngoài nước cùng tham gia cho lĩnh vực điện. Dự kiến EVN sẽ xin phép Thủ tướng Chính phủ một số dự án chỉ giữ cổ phần dưới 30%, còn đối với các đối tác trong nước và ngoài nước có tiềm năng về tài chính và các nguồn nguyên liệu thì EVN sẽ huy động vốn để cùng tham gia đầu tư, thậm chí các doanh nghiệp khác ở trong nước và nước ngoài giữ tỉ lệ vốn cao hơn sẽ tham gia để giảm bớt khó khăn về vốn hiện nay.
PV: Ông có nghĩ, đầu tư tài chính ra ngoài ngành đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của EVN, đặc biệt đó là nguyên nhân khiến EVN thiếu vốn, làm chậm tiến độ dự án điện?
Ông Dương Quang Thành: Hiện nay, đầu tư ra ngoài ngành của EVN là con số rất nhỏ, vừa rồi chúng tôi báo cáo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong đợt thực hiện rà soát của bộ, thực hiện công văn 390 của Thủ tướng Chính phủ, thì số lượng đầu tư ra ngoài ngành của EVN hiện nay chiếm chỉ 1,48% so với vốn điều lệ. Sau vốn chủ sở hữu thì chỉ chiếm hơn 1,4%, cho nên hiện nay chúng tôi chỉ tập trung vấn đề về điện. Tất cả các dự án điện đều có nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, nếu EVN không tập trung vốn đầu tư vào đây thì chắc chắn không hoàn thành được công việc ngay từ những năm trước. Ngay cả từ đầu năm nay, chúng tôi chủ yếu lập kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và một số lĩnh vực như góp vốn vào ngân hàng chứng khoán, bảo hiểm. Trong năm nay, chúng tôi không góp vốn vào ngân hàng, chỉ góp vốn vào ngân hàng trong những năm trước với tỉ lệ rất nhỏ so với nguồn vốn. Ngân hàng đã thu xếp cho EVN vay với số lượng vốn khoảng hơn 2.000 tỉ đồng để đầu tư vào các công trình điện, có nghĩa là đầu tư ra ngoài ngân hàng 1 đồng thì thu về 5 đồng như vốn đầu tư cho điện, để quay lại tái đầu tư cho ngành điện. Tôi thấy vấn để đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng vừa qua, số lượng nhỏ nhưng hiệu quả mang lại tương đối.
PV: Những lĩnh vực đó đều rất nhạy cảm và tiềm ẩn rủi ro. Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng chứng khoán đang giảm sút, bảo hiểm không còn những lợi thế như trước. Ông có cho rằng làm như vậy là mạo hiểm không?
Ông Dương Quang Thành: Thực ra chúng tôi đầu tư vào chứng khoán và bảo hiểm với khối lượng rất nhỏ. Hiện nay EVN đầu tư vào chứng khoán khoảng trên dưới 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, chứng khoán cũng có những đầu tư vào một số nhà máy của chúng tôi, họ cùng góp vốn để đầu tư vào các công trình điện. Cho nên việc đầu tư vào chứng khoán và bảo hiểm vừa qua so với tổng đầu tư thì không đáng kể.
PV: Về nguyên tắc, EVN khi đầu tư ra ngoài ngành thì tính đến tiêu chí và quy định như thế nào để đảm bảo hiệu quả?
Ông Dương Quang Thành: Nguyên tắc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối vốn của doanh nghiệp, vốn mà chúng tôi chủ sở hữu cho nên đầu tư có chọn lọc, không đầu tư ồ ạt, mà chỉ đầu tư vào một vài lĩnh lực mà chúng tôi thấy đảm bảo an toàn và có hiệu quả. Cho nên những việc xảy ra trong thời gian vừa qua chưa ảnh hưởng đến những lĩnh vực mà EVN đã đầu tư”.
PV: Hiện nay các tập đoàn đều sở hữu khối nợ tương đối lớn, còn hiện trạng của EVN như thế nào?
Ông Dương Quang Thành: Số dư nợ vốn vay của chúng tôi tính đến thời điểm này khoảng 83.000 tỷ đồng trên tổng số đầu tư 155.000 tỉ đồng. Đối với các tập đoàn lớn thì tỉ lệ này cũng không lớn, bởi vì theo mô hình kinh tế của nhiều tập đoàn hay các Tổng công ty, với tỉ lệ 60% vốn nợ và 40% vốn tự có thì doanh nghiệp vẫn đảm bảo hoạt động an toàn. Bởi vì khi Ngân hàng thế giới (WB) yêu cầu đối với các ngành điện thì tỉ lệ đầu tư là 30%, khi chúng tôi gặp khó khăn thì họ chỉ yêu cầu 25%. Hiện nay tỉ lệ tự đầu tư của chúng tôi cũng đảm bảo yêu cầu phần nào theo tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới đưa ra. Tuy nhiên, chỉ ở trong thời điểm hiện nay, còn về sau nếu giá điện không được cải thiện thì vấn đề giữa nợ và vốn tự có cũng có ảnh hưởng đến tỉ lệ này.
PV: Xin cảm ơn ông!./.