Tin ngành điện

'Đầu tư vào điện là PVN tự cứu mình'

Thứ tư, 8/10/2008 | 10:03 GMT+7
Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) - Trần Ngọc Cảnh lý giải cho quyết định xin được đầu tư 13 dự án điện mà EVN trả lại là giải pháp "tự cứu mình" trong bối cảnh điện cắt khắp nơi, ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò, khai thác và sản xuất dầu khí của chính tập đoàn.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) - Trần Ngọc Cảnh lý giải cho quyết định xin được đầu tư 13 dự án điện mà EVN trả lại là giải pháp "tự cứu mình" trong bối cảnh điện cắt khắp nơi, ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò, khai thác và sản xuất dầu khí của chính tập đoàn.

Trao đổi với báo giới tại buổi sơ kế 9 tháng đầu năm của PVN sáng nay, ông Cảnh cho rằng, EVN trả lại 13 dự án trong bối cảnh hiện nay làm cho tình hình càng khó khăn hơn. Nếu cả 13 dự án này không được thực hiện thì tình trạng thiếu điện càng trầm trọng, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị đình đốn, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng.

"PVN không thể khoanh tay đứng nhìn, chúng tôi đã đề xuất xin nhận toàn bộ 13 dự án kể trên. Nếu được chấp thuận, chúng tôi sẽ kêu gọi vốn và triển khai ngay", ông Cảnh nói.

Theo ông, PVN hoàn toàn có đủ năng lực để làm chủ đầu tư các dự án điện vì hiện nay, tập đoàn này cũng đang vận hành 3 nhà máy điện với tổng công suất 2.000 MW. Với lợi thế có 10 hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí tại 5 châu lục, PVN có thể thu xếp tìm các nguồn cung cấp than dài hạn ở nước ngoài. Việc thu xếp vốn cũng không phải là dễ nhưng nhờ có mối quan hệ sẵn có với các đối tác nước ngoài và tiềm lực tài chính sẵn có, PVN hoàn toàn có thể thu xếp đủ vốn cho các dự án điện.

Dù vậy, ông Cảnh cũng thừa nhận đầu tư vào các dự án điện là chuyện không hề đơn giản. EVN sinh ra để làm điện còn kêu khó, PVN triển khai cũng không dễ dàng hơn. "Tuy nhiên, nếu được Chính phủ ủng hộ, khó chúng tôi vẫn quyết tâm làm và làm đến cùng", ông Cảnh nói.

Ảnh: Hoàng Hà.
EVN đề xuất phương án tăng giá điện. Ảnh: Hoàng Hà .

Trong khi chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ, PVN đã lên phương án thu xếp vốn và nhiên liệu than cho các dự án điện này. Theo tính toán của PVN, với tổng công suất 13.800 MW, vốn đầu tư cho 13 dự án điện vào khoảng 20,7 tỷ USD và lượng than nhiên liệu cho 13 dự án nhiệt điện này đi vào hoạt động vào khoảng 41.400 triệu tấn than.

Với lý do thiếu vốn, giữa tháng tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) quyết định trả lại 13 dự án Chính phủ đã giao cho tập đoàn này đầu tư. Chưa đầy nửa tháng sau, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) có công văn đề xuất xin được triển khai.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu - người phát ngôn của Bộ Công Thương, việc từ chối 13 dự án điện của EVN là khó chấp nhận. Nhà nước sinh ra EVN là để làm các công việc sản xuất và cung ứng điện nên không thể thấy dễ thì làm, khó mà bỏ .

"Nhà nước sinh ra EVN là để làm điện, anh không thể thấy khó mà từ chối nhiệm vụ của mình. EVN cần phải phối hợp với các doanh nghiệp khác để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao", ông Khu nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Tạ Văn Hường - Vụ trưởng Vụ Năng lượng Dầu khí (Bộ Công Thương) cho biết hiện có rất nhiều các nhà thầu quan tâm đến các dự án điện và họ rất ngạc nhiên khi nghe EVN xin trả 13 dự án. "Tuy nhiên, việc lựa chọn đơn vị nào tiếp quản các dự án mà EVN trả lại vẫn cần phải xem xét kỹ tính khả thi", ông Hường nói.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net chiều qua, Bộ trưởng Công Thương - Vũ Huy Hoàng - lại cho rằng: EVN biết việc trả lại 13 dự án điện có thể ảnh hưởng đến uy tín vẫn quyết tâm làm. Điều này cho thấy rằng lãnh đạo tập đoàn đã cân nhắc rất kỹ trước khi đề xuất với Chính phủ. "Không làm được thì trả. Thiếu vốn thì kêu, tôi cho rằng đây là thái độ nghiêm túc thẳng thắn", ông Hoàng nói.

 

Theo vnexpress

 

btp